Trói chân người dùng trong thời thuê bao số

TRƯỜNG SƠN 11/04/2019 17:04 GMT+7

TTCT - Các tiện ích trên nền tảng Internet đã tạo ra một nền kinh tế thuê bao (subscription economy), mà ở đó người dùng trả phí thuê theo tháng hoặc năm cho các dịch vụ.

Ảnh: Medium
Ảnh: Medium

Đó cũng là cách để các hãng công nghệ “trói” người dùng vào hệ sinh thái của họ lâu dài, thay vì cầu mong ta cứ mỗi năm lại bỏ nhiều tiền hơn để đổi sản phẩm mới.

Ví dụ mới nhất cho xu hướng này chính là Apple, khi nhà sản xuất iPhone vừa công bố một loạt dịch vụ số sắp ra mắt thay vì một món đồ chơi công nghệ mới.

Bằng cách cung cấp hàng loạt dịch vụ có thu phí đến người dùng, phải chăng CEO Tim Cook muốn chúng ta phải “thuê cả cuộc sống từ Apple” và tiếp tục mang tiền về cho hãng công nghệ này đến trọn đời, như nhận định của tác giả Keith Spencer trên trang Salon ngày 29-3?

Nền kinh tế “đi thuê”

Trong thời Internet, ngoài tiền điện nước hay phí Internet hoặc cước 3G hằng tháng, nhiều người còn phải trả tiền thuê bao các dịch vụ số, chẳng hạn nghe nhạc với Spotify hay Zing MP3, xem phim với Netflix hay Danet, hay trả tiền để đọc các báo nước ngoài có thu phí (paywall).

Đó là những dịch vụ cơ bản tạo nên “nền kinh tế thuê bao”, nơi người ta trả phí thuê không gian lưu trữ đám mây thay vì mua ổ cứng di động, hoặc mua gói nghe nhạc số hay xem phim trực tuyến, tiếp cận hàng triệu tác phẩm thay vì bỏ tiền mua từng CD hay DVD.

Tạp chí Fortune dẫn nghiên cứu của Nielsen cho biết mỗi người trong ngày dành đến 11 giờ tiếp xúc với các hình thức truyền thông, từ tin tức đến phim ảnh, và đa số nội dung này hiện được cung cấp online và có thu phí. Điều này ngày càng phổ biến, ngay cả tại Việt Nam, khi người dùng bắt đầu quen với việc không phải cái gì trên mạng cũng miễn phí.

“Tương lai của công nghệ sẽ có phí thuê bao” là cách ví von của các nhà phân tích, khi nhận định ngày càng có thêm các dịch vụ phải trả tiền trên mạng. Điều quan trọng là người dùng cũng chấp nhận việc trả tiền để sử dụng dịch vụ. Theo thăm dò mới đây của Digitas, 34% người được hỏi cho biết “thuê bao các dịch vụ xem phim trực tuyến” đã trở thành “một phần không thể thiếu của cuộc sống”. Số người trả lời tương tự khi được hỏi về việc trả tiền cho các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Spotify là 35%.

Không kể các dịch vụ thuần Internet như Netflix hay Amazon, chính các công ty thành danh từ trước khi Internet phát triển phổ biến như Microsoft, Adobe cũng nhận ra “mỏ vàng” từ việc bán gói thuê bao dịch vụ thay vì chăm chăm bán thiết bị. Chẳng hạn, người dùng hiện có thể mua phí sử dụng các bộ phần mềm Adobe Creative Suite và Microsoft Office có bản quyền theo tháng hoặc năm với giá phải chăng, thay vì mua hẳn bản quyền trọn đời.

Về phía người dùng, mức thuê bao hợp lý và khi không muốn dùng nữa thì chỉ việc ngưng gia hạn thuê bao sẽ giúp họ tiết kiệm được tiền trong trường hợp không cần dùng các sản phẩm, dịch vụ đó nữa. Điều này có lợi hơn nhiều so với việc bỏ ra cả đống tiền mua phần mềm bản quyền rồi bỏ đó, không đụng tới. Ngược lại, nhà cung cấp sản phẩm được lợi hơn nhiều từ việc thu phí thuê bao. Lý do rất dễ hiểu: nếu bán bản quyền trọn gói cho một người dùng, Microsoft chỉ thu tiền được một lần rồi thôi. Trong khi nếu người đó chọn cách trả phí mỗi tháng và gia hạn thường xuyên, số tiền thu về lớn hơn rất nhiều.

Ấy là chưa kể “chiêu” miễn phí tháng đầu, các tháng sau tự gia hạn và tính phí được rất nhiều nhà cung cấp áp dụng. Người dùng đăng ký miễn phí và quên khuấy chuyện hủy thuê bao sau khi hết tháng đầu tiên, thế là nhà cung cấp đều đặn thu tiền mà không ai cãi được.

 

Dịch vụ bao trùm cuộc sống

Lợi ích của cung cấp dịch vụ lớn đến thế nên Apple cũng không muốn đứng ngoài xu thế chung, nhất là khi doanh số iPhone đã chững lại, giảm đến 15% trong quý 4-2018.

Ngoài các dịch vụ hiện tại như Apple Music, lưu trữ đám mây iCloud hay chợ ứng dụng App Store, Apple hôm 25-3 công bố một loạt dịch vụ mới gồm đọc báo, xem truyền hình trực tuyến, chơi điện tử và thẻ tín dụng. Hệ sinh thái dịch vụ của Apple vì thế bao trùm gần như mọi hoạt động làm việc, giải trí và tiêu dùng của chúng ta, dường như chỉ có việc vận chuyển, đi lại là Apple chưa tham gia.

Cụ thể, CEO Tim Cook đang kỳ vọng người dùng sẽ sớm đọc tin tức bằng Apple News+, xem truyền hình trực tuyến với Apple TV Channels, chơi game trực tuyến trên Apple Arcade và dùng thẻ tín dụng Apple Card để mua sắm kết hợp với ví điện tử Apple Pay. Ngoài ra còn có Apple TV+, dịch vụ cung cấp các nội dung video sản xuất độc quyền do Apple đầu tư, với sự tham gia của các tên tuổi hàng đầu Hollywood.

Apple News+ được quảng bá là dịch vụ đọc tin tức với nội dung từ hơn 300 tạp chí và báo, gồm các tờ nổi tiếng như The Wall Street Journal, People, Vogue, National Geographic Magazine với giá 9,99 USD/tháng. Trong khi đó, Apple TV Channels cho phép người thuê bao xem các kênh phổ biến như HBO, Cinemax, CBS trên nền Internet. Apple Arcade sẽ cho phép người dùng trả phí thuê bao để chơi nhiều tựa game khác nhau, thay vì phải mua từng game riêng lẻ, còn Apple Card là thẻ dạng vật lý, liên kết với ngân hàng Goldman Sachs, hỗ trợ hoàn tiền (cash back) cho người thanh toán qua ví điện tử Apple Pay.

Cơ sở để Apple tự tin là việc hiện đang có khoảng 900 triệu iPhone đang hoạt động trên khắp thế giới. Chỉ cần 10% trong số này hưởng ứng các dịch vụ mới là Apple đủ hốt bạc.

Hiện chỉ mới có Apple News+ chính thức được cung cấp cho người dùng ở Mỹ và Canada. Các dịch vụ khác sẽ lần lượt được cung cấp từ tháng 4, song Apple chưa cho biết chi tiết cụ thể cũng như giá và hình thức thuê bao.

 

Không cho người dùng thoát

Thực tế doanh thu từ dịch vụ (tức không phải từ bán thiết bị) của Apple hiện cũng không tồi khi đạt 40 tỉ USD trong năm 2018, tức 15% tổng doanh thu 266 tỉ USD, theo tạp chí Economist. Mỗi quý, số tiền Apple thu từ dịch vụ còn cao hơn doanh thu bán iPad và máy Mac.

Trang MacWorld nhận định Apple đang muốn đón đầu sự chuyển dịch tất yếu rằng “người dùng sẽ ngày càng quan tâm đến thứ họ có thể làm được với màn hình di động, thay vì dùng điện thoại nào, do ai sản xuất”.

Tim Cook nhận ra đã đến lúc Apple phải đẩy mạnh mảng dịch vụ, khi việc khuyến khích người dùng lên đời iPhone ngày càng khó khăn vì các phiên bản iPhone mới đã vượt mức giá 1.000 USD mà lại không mấy khác biệt so với mẫu trước đó.

Với các dịch vụ, trước mắt Apple sẽ có dòng tiền ổn định hằng tháng và tiếp tục giữ chân được người dùng gắn bó với hệ sinh thái của mình. Tạp chí Wired nhận định Apple đã đặt ra tầm nhìn về “tương lai của dịch vụ” là khi mọi tiện ích cần cho cuộc sống, từ đọc báo, xem phim, chơi game, có thể dễ dàng truy cập được từ thiết bị di động. “Thông điệp rõ ràng nhất từ sự kiện 25-3 của Apple chính là nhà sản xuất các thiết bị cao cấp này đang muốn thuyết phục người dùng tin vào tầm nhìn đó của họ”, theo Wired.

Cùng quan điểm đó, Spencer viết trên Salon rằng rốt cuộc mục tiêu của Apple là khiến người dùng phải thuê thêm nhiều thứ khác từ họ. Tác giả này nhận định bi quan rằng Apple và các dịch vụ của nó sẽ mở ra tương lai khó chịu rằng “chúng ta sẽ buộc phải “chịu ơn” các công ty lớn nhất hành tinh để có thể tiếp tục tồn tại”, ám chỉ việc nếu không mất tiền mua các gói dịch vụ thì ta không còn cách nào khác để giải trí hay tận hưởng cuộc sống.

Đó có vẻ là viễn cảnh khó tránh được. Nhưng riêng với người dùng “nhà táo”, cần phải chờ xem Apple có thể “moi tiền” thêm được từ họ không, bởi chưa có gì thật rõ ràng về bộ dịch vụ mà hãng này sắp tung ra. Apple chưa công bố cụ thể hình thức và mức phí cho Apple Arcade hay TV+ và liệu “kẻ đến sau” có đủ sức đánh bại các đối thủ sừng sỏ như Netflix, Amazon hay Google Stadia (dịch vụ game của Google) hay không.■

Thu phí dịch vụ trực tuyến đúng là “mỏ vàng”, nhưng các hãng công nghệ cũng phải lưu ý với người dùng, không gì quan trọng bằng tiết kiệm chi phí.

Apple vẫn chưa nói rõ các dịch vụ mới sẽ đi kèm gói thuê bao riêng, hay người dùng sẽ được chọn trả tiền một kiểu “siêu thuê bao”, trả một lần mà được xài hết mọi dịch vụ với cái giá rẻ hơn so với trả tiền từng món một.

Các nhà phân tích dự đoán Apple sẽ phải cân nhắc kỹ tùy chọn trên, nhất là khi Amazon đã làm vậy với Amazon Prime - gói dịch vụ cho phép người dùng chỉ trả một khoản phí theo tháng là có thể đọc tin tức, chơi game, nghe nhạc, xem video, lưu trữ đám mây với Amazon.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận