09/12/2019 07:47 GMT+7

'Trung Quốc đang tranh cướp Trung Đông trước mũi Mỹ'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Đó là tựa đề bài bình luận đăng trên Đài Russia Today của Nga để nói về việc Trung Quốc đang từng bước làm xói mòn ưu thế của Mỹ tại Trung Đông và xây dựng ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này.

Trung Quốc đang tranh cướp Trung Đông trước mũi Mỹ - Ảnh 1.

Một đội múa truyền thống Trung Quốc biểu diễn tại lễ khánh thành Công ty lọc dầu Yanbu Aramco Sinopec (YASREF) ở Riyadh, Saudi Arabia - Ảnh: AFP

Cây bút Darius Shahtahmasebi - nhà phân tích chính trị tại New Zealand chuyên về chính sách ngoại giao Mỹ ở Trung Đông - bình luận trên Đài Russia Today rằng Trung Quốc dường như đang trong quá trình phác thảo một kế hoạch mới mà về lâu dài sẽ làm giảm ưu thế của Mỹ ở Trung Đông.

Ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông không phình to thêm, mà chỉ đang dần teo lại. Điều này dễ thấy từ đầu thập niên 2000, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein - vốn có lập trường chống Iran - và thay thế bằng một chính quyền thống trị bởi người Hồi giáo dòng Shiite thân Iran.

Mọi thứ càng diễn biến tệ hại hơn khi Nga tăng cường hiện diện trong khu vực, đặc biệt tại Syria. Nga nổi lên là một cường quốc không chỉ có thể ngăn chặn các kế hoạch tấn công quân sự của Mỹ, mà còn làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Do đó, không ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng sẵn sàng lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ đang dần để lại ở Trung Đông.

Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc

Tại Diễn đàn An ninh Trung Đông tổ chức ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 11, hơn 200 đại diện đến từ Trung Đông và Trung Quốc đã tham dự để cùng thảo luận "ý tưởng mới" của Bắc Kinh dành cho khu vực Trung Đông.

Theo báo Diplomat, phần lớn những người tham dự đã "chỉ trích chính sách đơn phương và bá quyền của Mỹ ở Trung Đông", đồng thời cho rằng "cần chấm dứt trật tự bất hợp lý trong khu vực vốn do áp lực và sự can thiệp của Mỹ gây ra".

Cây bút Darius Shahtahmasebi cho rằng nội dung trên vẽ ra một bức tranh khá chính xác về những gì đã diễn ra hồi tháng 10, khi khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ, trong lúc rút khỏi Syria, đã băng qua biên giới Iraq mà không có sự cho phép.

Theo quan điểm của tác giả, Trung Quốc không công khai bắt các quốc gia Trung Đông phục tùng. Bắc Kinh không trừng phạt những quốc gia đơn phương không tuân thủ một trật tự thế giới cụ thể nào đó.

Trung Quốc không bắt một nước này (chẳng hạn Saudi Arabia hay Israel) đối đầu một nước kia (chẳng hạn Iran). Về phần mình, Bắc Kinh tích cực hợp tác với tất cả đối tác ở Trung Đông để đạt được mục tiêu của mình.

Trung Quốc cũng không xâm lược hay can thiệp vào Trung Đông nếu không có sự đồng ý của nước chủ nhà. Hiện Bắc Kinh có 1.800 lính đóng trong khu vực, nằm một phần trong quá trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Con số này ít hơn so với 2.000 (hoặc hơn) binh sĩ Mỹ đã "xâm lược Syria" bất hợp pháp như Tổng thống Syria Bashar al- Assad tuyên bố.

Vùng Vịnh hiện có khoảng 45.000 - 65.000 binh sĩ Mỹ hoạt động, trong khi tại Afghanistan, có ít nhất 12.000 - 13.000 binh sĩ Mỹ vẫn còn chiến đấu trong một cuộc chiến chưa có hồi kết.

Theo tác giả, đó là những gì tạo nên sự khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, mặc dù có vô số những chỉ trích về Trung Quốc và chính sách ngoại giao đang mở rộng của nước này ở khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi.

Trung Quốc đang tranh cướp Trung Đông trước mũi Mỹ - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) trong chuyến thăm Abu Dhabi, UAE hồi tháng 7-2018 - Ảnh: REUTERS

Cơ hội của Trung Quốc và thế khó của Mỹ

Trong số 4 điểm chung mà Trung Quốc và những đại diện từ Trung Đông đồng ý tại Diễn đàn An ninh Trung Đông là ý tưởng đạt được hòa bình mang tính quyết định giữa Palestine và Israel theo một cách công bằng. Nếu Trung Quốc có thể nhảy vào để giải quyết thế bế tắc giữa Palestine và Israel, hình ảnh của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.

Đến nay Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác với ít nhất 15 quốc gia ở Trung Đông, gồm Saudi Arabia - một đồng minh của Mỹ. Theo tường thuật, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Hiện Mỹ đang tập trung ít hơn vào khu vực Trung Đông, để có thể đối đầu Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi mà theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố gần đây là "khu vực ưu tiên" mới.

Ở chiều ngược lại, nếu Mỹ bắt đầu chuyển sự chú ý trở lại khu vực Trung Đông để đối phó Iran, Trung Quốc sẽ lại càng tự do hơn khi thực hiện các tham vọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt tại Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Anh đầu tháng này, lần đầu tiên trong lịch sử NATO, liên minh quân sự do Washington dẫn dắt này đã thừa nhận những thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Dường như Mỹ luôn bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và một chỗ đứng khó khăn ở bất cứ nơi nào mà nước này muốn duy trì ảnh hưởng trên khắp toàn cầu" - cây bút Darius Shahtahmasebi chốt lại bài viết, đề cập tới thế khó của Mỹ.

Tổng thống Trump: Ngân hàng Thế giới ngừng cho Trung Quốc vay ngay! Tổng thống Trump: Ngân hàng Thế giới ngừng cho Trung Quốc vay ngay!

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Ngân hàng Thế giới (WB) vì cho Trung Quốc vay tiền và kêu gọi tổ chức tài chính quốc tế này hãy ngừng ngay hành động này lại.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên