20/08/2021 10:42 GMT+7

Trung Quốc tăng kiểm soát các cửa khẩu: Xuất khẩu nông sản thêm khó

NGỌC AN - LÊ THANH
NGỌC AN - LÊ THANH

TTO - Cùng với việc thắt chặt kiểm dịch động thực vật, Trung Quốc cũng đưa ra các quy định chặt chẽ trong phòng chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu khiến hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản xuất sang nước này, gặp khó khăn, tăng chi phí và rủi ro.

Trung Quốc tăng kiểm soát các cửa khẩu: Xuất khẩu nông sản thêm khó - Ảnh 1.

Việc phòng chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu khiến cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản xuất sang Trung Quốc gặp khó khăn - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ngày 19-8, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin phía Trung Quốc vừa yêu cầu thay đổi quy trình giao nhận hàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với lý do để nâng cấp công tác phòng chống dịch. 

Cụ thể, từ ngày 18-8, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc mà phải giao xe hàng để lái xe của phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe phía nước bạn sẽ đánh xe trở lại bãi để trao trả.

Thêm rủi ro, tăng chi phí

Chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu trái cây (xoài, thanh long) sang Trung Quốc, bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay quy định của Trung Quốc khiến doanh nghiệp (DN) chịu rất nhiều rủi ro. Trái cây cần được bảo quản kỹ lưỡng, khi giao hàng cho khách, tài xế phải đảm bảo và chịu trách nhiệm kiểm tra nhiệt độ, chất lượng hàng hóa trên container.

Đây là cơ sở để trước khi thanh toán cước, tài xế phải có trách nhiệm để xe chạy đúng nhiệt độ, kiểm soát được chất lượng và hoàn tất hợp đồng giao thương giữa hai bên. Với những khách hàng có độ tin tưởng cao, có thể giảm bớt được rủi ro trong giao nhận hàng hóa khi không có tài xế trực tiếp thực hiện. Với những khách mới, khâu này khó đảm bảo trong khi chất lượng sản phẩm ảnh hưởng lớn đến giá bán.

"Do đó, nếu tài xế không được trực tiếp đưa hàng sang sẽ khó kiểm soát chất lượng. Thực tế, gần đây Trung Quốc thay đổi rất nhiều việc kiểm soát tiêu chuẩn với nông sản nhập khẩu so với trước, ngoài kiểm soát dịch bệnh còn kiểm dịch động thực vật khắt khe hơn nhiều, nên việc thông thương hàng hóa bị ảnh hưởng, tạo nên tắc nghẽn, lượng container bị tồn đọng nhiều ở cửa khẩu", bà Vy cho hay.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng việc bị phụ thuộc vào đội lái xe của Trung Quốc khiến doanh nghiệp Việt phải tốn kém thêm chi phí và bị động trong kinh doanh. Bởi nếu phía bạn chỉ đáp ứng được một lượng nhất định đội ngũ tài xế, xe hàng phải nằm chờ nên phát sinh thêm chi phí ăn ở cho tài xế, chạy máy phát điện để giữ kho lạnh cho container hàng.

"Việc tiêu thụ được hàng sẽ phải phụ thuộc vào nước bạn và quá trình giao hàng bị chậm lại, trước kiểm tra theo container thì nay thậm chí kiểm tra từng thùng, từng lô hàng. Bình thường chỉ 3 - 4 ngày là giao xong, nhưng nay thời gian tăng lên gấp đôi, chi phí cũng tăng thêm 5 - 6 triệu đồng/chuyến mà chất lượng trái cây bị hao hụt, giảm đi nhiều" - ông Nguyên nói.

Ngoài kiểm soát dịch bệnh COVID-19, theo ông Nguyên, Trung Quốc cũng đang vào vụ thanh long và nhãn, chịu áp lực cạnh tranh để tiêu thụ hàng nội địa. Trước đó, nước này cũng đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn với nhãn của Thái Lan. 

"Tương tự, việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng gặp khó khăn với lý do tương tự. Từ tháng 5 tới nay, thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang nước này bị giảm cả về lượng và giá trị", ông Nguyên cho biết thêm.

Cần giảm xuất khẩu tiểu ngạch

Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho hay phía Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu ngày càng khắt khe, trong khi Việt Nam có một số loại trái cây có nguy cơ cao nhiễm nhiều loại đối tượng dịch hại mà nước này đang kiểm soát. 

Vì vậy, nông dân và doanh nghiệp  cần nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát đối tượng dịch hại, có mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu của phía bạn với các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và quy cách đóng gói…

Theo đánh giá của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức các khuyến cáo, yêu cầu của phía Trung Quốc. Do vậy, khi phía Trung Quốc siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa, như kiểm tra 100% các lô hàng trái cây qua cửa khẩu Lạng Sơn, thời gian thông quan lâu hơn...

Do đó, ông Lương Trọng Quỳnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị Bộ NN&PTNT cần khuyến cáo các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa…

Một lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng cho rằng sở công thương các địa phương cần khuyến cáo các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, chủ động trong việc vận chuyển nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh trong thời gian này để tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp chủ động theo dõi tình hình thông quan tại các cửa khẩu để điều tiết, phân luồng hàng hóa, khuyến cáo doanh nghiệp tuân thủ nghiêm quy định kiểm dịch. Vị này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển sang khai thác tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung, cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm giảm áp lực thông quan cho đường bộ.

"Đặc biệt, các doanh nghiệpDN cần chuyển đổi mạnh việc xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc sang hình thức chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, nhằm tận dụng được phương thức vận chuyển đường sắt, giảm xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch qua các cặp chợ vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thiếu bền vững", vị này khuyến cáo.

Quy trình giao nhận hàng phức tạp và kéo dài

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh, cho biết quy định mới nhằm "nâng cấp công tác phòng chống dịch" do phía Trung Quốc đưa ra, từ ngày 18-8, để giao hàng sang Trung Quốc, lái xe và chủ hàng được đưa xe hàng sang bên phía nước bạn và đợi ở khu vực phun khử khuẩn xe.

Sau khi hàng hóa và xe được phun khử trùng, tài xế chuyên trách của phía Trung Quốc sẽ đưa hàng đi giao. Sau khi giao hết hàng, xe sẽ được trao trả cho lái xe và chủ hàng phía Việt Nam.

Đối với lô hàng nhập từ Trung Quốc, lái xe và chủ hàng cũng lái sang khu vực khử khuẩn xe. Sau khi được khử khuẩn, xe sẽ được tài xế chuyên trách của Trung Quốc lái đi bốc hàng, trước khi về khu vực phun khử khuẩn giao lại cho tài xế và chủ hàng của Việt Nam.

Cũng theo bà Hoa, với quy trình giao nhận hàng hóa thay đổi, việc xuất nhập khẩu hàng qua Tân Thanh hạn chế hơn. Trong khi đó, phía Trung Quốc không thông báo là sẽ áp dụng quy trình này cho đến thời điểm nào sẽ chấm dứt.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cửa khẩu Tân Thanh đang tồn khoảng 200 xe hàng nông sản mà chủ yếu là thanh long, mít…

Cửa khẩu Lạng Sơn tạm dừng thông quan do phát hiện ca nhiễm COVID-19 từ lái xe Cửa khẩu Lạng Sơn tạm dừng thông quan do phát hiện ca nhiễm COVID-19 từ lái xe

TTO - Chưa có thông báo chính thức nào từ phía Trung Quốc về việc dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mà chỉ tạm dừng hoạt động để rà soát an toàn phòng chống dịch.

NGỌC AN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên