21/07/2017 15:50 GMT+7

Trung Quốc tham vọng đứng đầu về trí tuệ nhân tạo

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Chính phủ Trung Quốc mới đây đặt mục tiêu tham vọng trở thành cường quốc đứng đầu về trí tuệ nhân tạo trong một thập kỷ tới với doanh thu ngành này đạt 59 tỉ USD năm 2025, AP đưa tin ngày 21-7.

Triển lãm rô-bốt năm 2017 tại Triển lãm Rô-bốt Quốc tế tại Thượng Hải, Trung Quốc vào 7-2017. Ảnh: Reuters
Triển lãm robot năm 2017 tại Triển lãm Rô-bốt Quốc tế tại Thượng Hải, Trung Quốc vào 7-2017. Ảnh: Reuters


Văn phòng Chính phủ Trung Quốc ngày 20-7 tuyên bố khẳng định trí tuệ nhân tạo là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

“Đến năm 2030, đất nước của chúng ta sẽ trở thành lãnh đạo thế giới về trí tuệ nhân tạo, công nghệ và phần mềm, và trở thành trung tâm thiết yếu cho sự đổi mới của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, Hãng tin ABC News dẫn tuyên bố của Bắc Kinh.

Trung Quốc đặt tiêu đạt được các đột phá lớn vào năm 2025, tiến tới dẫn đầu trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này đạt mục tiêu tổng doanh thu ngành công nghiệp này vượt 150 tỉ nhân dân tệ (22,15 tỉ USD) vào năm 2020 và đạt 400 tỉ nhân dân tệ (59 tỉ USD) vào năm 2025.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn thay đổi được hình ảnh “công nhân nhà máy” sang cường quốc dẫn đầu công nghệ.

Trí tuệ nhân tạo và một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, robot, và xe điện đang được nhiều nước quan tâm và đầu tư phát triển.

“Trí tuệ nhân tạo đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh quốc tế. Chúng ta phải chủ động phát triển giai đoạn tiếp theo của trí tuệ nhân tạo để tạo ra một lợi thế cạnh tranh, mở ra sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và sự cải tiến an ninh quốc gia”, theo Văn phòng Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông báo này không đưa ra bất kỳ chi tiết về vấn đề tài chính hay đổi mới luật pháp.

Trước đây trong thời gian phát triển năng lượng mặt trời, Văn phòng Chính phủ Trung Quốc đã có các quỹ để hỗ trợ nghiên cứu và chính sách hỗ trợ mua bán và xuất khẩu.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ là một phần của kế hoạch “sản xuất ở Trung Quốc” khởi động từ năm 2015 với mục tiêu tự sản xuất hàng tiêu dùng cho 10 lĩnh vực bao gồm lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, kế hoạch phát triển công nghệ của Bắc Kinh khiến nhiều công ty công nghệ nước ngoài lo ngại việc bị đối xử bất công hoặc bị buộc giao nộp công nghệ để gia nhập thị trường.

Ngoài ra, nhiều nước Châu Âu và Mỹ cũng lo lắng an ninh quốc gia bị đe dọa.

Ủy ban cố vấn khoa học công nghệ Mỹ hồi 1-2017 đã cảnh báo các dự định của Bắc Kinh “làm xáo trộn thị trường bằng cách phá hoại sự sáng tạo, giành phần trên thị trường Mỹ và khiến an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa."

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên