13/06/2016 09:08 GMT+7

Từ 15-6 tắt sóng truyền hình analog  ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ

ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH - T.HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)
ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH - T.HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)

TTO - Từ ngày 15-6, bảy kênh truyền hình phát sóng công nghệ tương tự mặt đất (còn gọi là truyền hình analog) sẽ bắt đầu ngừng phát sóng tại ba thành phố lớn là: Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ.

Nhiều hộ dân ở Quảng Nam đang trông ngóng việc hỗ trợ đầu thu để tiếp tục theo dõi truyền hình sau bảy tháng bị tạm ngưng do TP Đà Nẵng chuyển sang số hóa truyền hình -   Ảnh: Trường Trung
Nhiều hộ dân ở Quảng Nam đang trông ngóng việc hỗ trợ đầu thu để tiếp tục theo dõi truyền hình sau bảy tháng bị tạm ngưng do TP Đà Nẵng chuyển sang số hóa truyền hình - Ảnh: Trường Trung

 

​Người dân ở những khu vực này sẽ chịu tác động ra sao?.

Cụ thể các kênh truyền hình ngừng phát sóng tương tự mặt đất như sau: VTV6, H2, VTV9 tại Hà Nội; VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 ở TP.HCM; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất của Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đặt tại tỉnh Bình Dương và phát các kênh chương trình VTV6, VTV9, VTC9 phủ sóng địa bàn TP.HCM cũng phải ngừng hoạt động kể từ ngày 15-6-2016.

23 tỉnh, thành bị tác động

Sau đó từ ngày 15-8 sẽ chính thức ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TP.HCM. Lúc này sẽ có 19 tỉnh lân cận của bốn thành phố này bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình.

Nguyên nhân ảnh hưởng là do người dân tại các tỉnh lân cận này đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ bốn thành phố nêu trên. Trong đó, có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh chỉ bị ảnh hưởng một phần.

Cụ thể, 19 tỉnh lân cận bị ảnh hưởng gồm: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An.

Khi đó người dân ở các khu vực trên - hiện đang thu sóng truyền hình công nghệ tương tự bằng ăngten gắn trực tiếp vào tivi (sản xuất trước tháng 4-2014) - sẽ không xem truyền hình được nữa vì các kênh này đã bị tắt sóng và chuyển sang phát công nghệ số mặt đất, chuẩn DVB-T2. Muốn xem được, người dân phải mua tivi mới (sản xuất sau tháng 4-2014) đã được tích hợp sẵn đầu thu DVB-T2.

Tuy nhiên, với những người không có điều kiện về tài chính để mua tivi mới hoặc đơn giản muốn tận dụng tivi cũ, họ có thể chọn mua đầu thu DVB-T2 (giá rẻ gấp nhiều lần so với mua tivi mới) về cắm ăngten vào để thu được các kênh mới.

Ngay cả những người đã mua các đầu thu chuẩn DVB-T hoặc DVB-T1 (chủ yếu của VTC) cũng sẽ không thu được sóng các kênh truyền hình phát theo chuẩn DVB-T2, tức nếu muốn xem họ hoặc phải mua tivi mới hoặc phải mua đầu thu DVB-T2.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hòa, giám đốc Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), những người đang sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền hiện nay như: truyền hình cáp (SCTV, HTVC, VTVCab, FPT, Viettel, VNPT), truyền hình vệ tinh (VTC, AVG, HTV, K+) sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tắt sóng tương tự mặt đất.

Riêng tại TP.HCM, ông Hòa cho biết: “Ước tính số hộ thu xem từ truyền hình tương tự phát trên mặt đất chỉ còn hơn 5% (trong số khoảng 1,8 triệu hộ gia đình) và đây chính là số hộ bị ảnh hưởng bởi đề án số hóa truyền hình”.

Hỗ trợ người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Lan Tú, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông (TT-TT) Hà Nội, cho biết: Hà Nội đã sẵn sàng cho việc chuyển sang truyền hình số từ ngày 15-6.

Theo đó lộ trình số hóa truyền hình trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện theo hai bước: từ ngày 15-6, sẽ cắt ba kênh truyền hình không thiết yếu là H2, VTV6 và VTV9. Đến ngày 15-8 sẽ cắt toàn bộ các kênh analog để chuyển sang truyền hình số.

Theo thông tin của Sở TT-TT Hà Nội, các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn thành phố đều nhận được sự hỗ trợ trong việc chuyển đổi sang truyền hình số hóa. Mỗi hộ dân nằm trong đối tượng hỗ trợ sẽ được lắp đặt một đầu thu miễn phí với nguồn kinh phí từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Với đầu thu miễn phí này, các hộ dân được đảm bảo xem ít nhất 10 kênh truyền hình quảng bá. Trên thực tế, số kênh truyền hình được xem miễn phí qua đầu thu có thể lên tới vài chục kênh.

Sở TT-TT Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách để hỗ trợ đầu thu miễn phí trước khi cắt sóng.

Khi lắp đặt đầu thu miễn phí, sở cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải có hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, xử lý các tình huống kỹ thuật phát sinh cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, vì phần lớn đối tượng này sử dụng tivi loại cũ, để có thể kết nối thiết bị với đầu thu, sử dụng được để xem truyền hình số.

Khi tivi cũ không tương thích với đầu thu truyền hình kỹ thuật số, đơn vị cung cấp đầu thu cần có phương án xử lý về mặt kỹ thuật.

Tổng đài tư vấn (0511) 1022

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử vừa đề nghị các đài phát thanh, truyền hình trên toàn quốc khẩn trương phát nội dung thông báo về đầu số (0511) 1022 của tổng đài hỗ trợ, tư vấn và giải đáp thông tin số hóa truyền hình.

Tổng đài này sẽ hỗ trợ, tư vấn và giải đáp thông tin tại bốn TP Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng bởi lộ trình cắt sóng truyền hình tương tự theo đề án số hóa truyền hình.

Quảng Nam: Cắt sóng 7 tháng dân chưa được hỗ trợ đầu thu

Sau khi TP Đà Nẵng tắt sóng analog vào đầu tháng 11-2015, đã có gần 12.000 hộ dân ở bốn huyện, thành phố phía bắc tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng được hỗ trợ đầu thu số để xem truyền hình. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 5.000 hộ dân chưa được hỗ trợ đầu thu.

Theo bà Đào Thị Thanh Thảo - phó phòng bưu chính viễn thông (Sở TT-TT), sau khi Đà Nẵng số hóa truyền hình, các đơn vị đã tiến hành khảo sát, đo đạc lại những khu vực bị lõm sóng, không thu được truyền hình số mặt đất do núi cao tại 12 xã phát sinh ở huyện Đại Lộc và Duy Xuyên.

Qua đó có ba xã không thu được sóng số (mà chỉ thu truyền hình qua vệ tinh) nên các xã này không được hỗ trợ như đề xuất ban đầu là vậy, chỉ còn lại chín xã bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ đầu thu số thuộc hai huyện Duy Xuyên và Đại Lộc.

Tuy nhiên đến nay đã hơn bảy tháng trôi qua từ khi Quảng Nam có kiến nghị lên Bộ TT-TT, người dân chín xã trên vẫn chờ được hỗ trợ đầu thu.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc “đến bao giờ người dân mới được hỗ trợ đầu thu?”, bà Thảo nói hiện nay chưa thể nói được thời gian.

Bà Thảo cho biết: “Việc hỗ trợ thì phía Bộ TT-TT đang tiến hành các thủ tục đấu thầu theo đúng quy định Luật đấu thầu và triển khai. Phía sở vẫn đang theo dõi, nếu có kế hoạch cụ thể thì tại địa phương sẽ triển khai sớm cho người dân”.

TRƯỜNG TRUNG

ĐỨC THIỆN - QUỐC THANH - T.HÀ (ducthien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên