27/09/2022 08:07 GMT+7

Từ 7h sáng, Thủ tướng chủ trì họp ứng phó khẩn cấp bão Noru trực tuyến tới hơn 1.155 xã phường

NGỌC AN - TRƯỜNG TRUNG
NGỌC AN - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Với tinh thần "phòng hơn chống", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải kêu gọi bà con ngư dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản trong những lúc này, cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân.

Từ 7h sáng, Thủ tướng chủ trì họp ứng phó khẩn cấp bão Noru trực tuyến tới hơn 1.155 xã phường - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp từ sáng sớm với các bộ ngành và địa phương để ứng phó bão - Ảnh: VGP

Ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 4 do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là trưởng Ban chỉ đạo vào chiều 26-9, 7h sáng 27-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (Noru).

Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Lê Văn Thành, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, lãnh đạo các bộ ngành và cơ quan trung ương, kết nối tới điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Cuộc họp đang được kết nối trực tuyến tới 8 địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của bão: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum; 88 quận, huyện, thị xã; 1.155 xã, phường, thị trấn.

Từ 7h sáng, Thủ tướng chủ trì họp ứng phó khẩn cấp bão Noru trực tuyến tới hơn 1.155 xã phường - Ảnh 2.

Ngư dân khẩn trương di chuyển tàu thuyền lên bờ để tránh bão - Ảnh: HỮU KHÁ

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cơn bão Noru đang đổ bộ vào nước ta, tập trung vào khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định, dự báo gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16, mạnh tương đương bão số 6 - Xangsane đổ bộ vào miền Trung tháng 10-2006, gây thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề.

Qua theo dõi, đánh giá cho thấy các tỉnh đã triển khai tốt công điện 855 của Thủ tướng Chính phủ, song Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần rà soát lại công tác phòng, chống bão vì sau bão thường có áp thấp, mưa to, gây sạt lở.

Chúng ta vừa phải nghiên cứu, theo dõi, chống đỡ với bão, vừa phải chống đỡ với hoàn lưu sau bão, nhất là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Vì vậy, cuộc họp trực tuyến đến các tỉnh, xã phường, gắn với bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, nhất là đối với bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ.

Với tinh thần "phòng hơn chống", phải kêu gọi bà con ngư dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của bão vào bờ, không ra khơi đánh bắt hải sản trong những lúc này.

Từ 7h sáng, Thủ tướng chủ trì họp ứng phó khẩn cấp bão Noru trực tuyến tới hơn 1.155 xã phường - Ảnh 3.

Cuộc họp được trực tuyến tới nhiều tỉnh thành, địa phương và xuống tận xã phường - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hồ đập, lồng bè nuôi thủy hải sản, vấn đề sạt lở; cần phải dự báo sát diễn biến, sơ tán kịp thời nhân dân đến nơi an toàn, trong đó quan tâm an toàn các cháu học sinh; quan tâm bảo vệ phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới… do đó phải có các phương án, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, bền vững an toàn di sản, sinh kế của người dân.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, sáng 26-9, bão Noru đã đi vào Biển Đông (bão số 4) sau đó di chuyển về phía đất liền nước ta theo hướng Tây. 4h sáng 27-9, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định khoảng 470km về phía Đông với sức gió cấp 14, giật cấp 16, tốc độ 20-25km/h.

Dự báo, bão di chuyển nhanh 20-25km/h, mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17; đổ bộ các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định với gió cấp 12-13, giật cấp 14-15 vào rạng sáng 28-9 (rủi ro thiên tai cấp 4).

Thời gian bão ảnh hưởng đến đất liền khoảng 12 tiếng; sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m từ Thừa Thiên Huế - Bình Định từ chiều 27-9. Triều cường cao nhất thời điểm bão ảnh hưởng đến ven biển các tỉnh lúc 23h đêm 27-9 là 1,3m (lớn nhất trong tháng).

Các đài quốc tế như Hong Kong và Hải quân Mỹ dự báo bão Noru đạt cấp siêu bão (cấp 16); Nhật Bản dự báo đạt cấp 14, giật trên cấp 17. Bão số 4 tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10-2006 đổ bộ vào Đà Nẵng (gió mạnh cấp 12, giật cấp 14) làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỉ đồng.

Hoạt động giao thông trên quốc lộ 1, đường sắt, đường hàng không tại các cảng Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ, đã tạm dừng khai thác các cảng hàng không từ 12h ngày 27-9 đến 12h ngày 28-9. Hệ thống 15 giàn khoan trên biển đã triển khai phương án ứng phó với bão…

Tâm bão mất đối xứng, có thể vào Quảng Nam - Quảng Ngãi nhưng rìa Bắc bị ảnh hưởng nặng hơn

bao truc tuyen

Điểm cầu trực tuyến cuộc họp chống bão số 4 tại Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhận định tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái, tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết đến sáng nay bão đã tăng 2 cấp lên cấp 14. Lúc 7h ngày 27-9, bão đang cách đất liền Đà Nẵng khoảng 350km về hướng Đông, bán kính gió lên tới hơn 100km.

"Chúng tôi nhận định tâm bão mất đối xứng, phía Bắc sẽ mạnh hơn phía Nam. Dự báo tâm bão vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng do tâm bão mất đối xứng nên rìa phía Bắc tâm bão sẽ ảnh hưởng nặng. Khi vào bờ bão sẽ giảm 1-2 cấp, còn cấp 13-14 nhưng có thể đánh chìm tàu thuyền" - ông Thái nói.

Theo ông Thái, có thể rìa phía Bắc tâm bão chênh hơn phía Nam 1-2 cấp gió. Do rìa bão rất lớn nên tác động sớm và lớn đến đất liền. Ví dụ nếu sáng 28-9 bão mới đổ bộ thì tối 27-9 đã bị ảnh hưởng vì bão quá lớn.

Miền Trung lo lắng chạy bão Miền Trung lo lắng chạy bão

TTO - Chương trình có nhiều thông tin cập nhật: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị kỷ luật; Xuất hiện ma túy “nước vui” ở Thanh Hóa; Đẻ nhiều hơn do cách ly vì dịch COVID-19; Hành khách cần làm gì khi máy bay hủy chuyến do bão?...

NGỌC AN - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên