Tự do học thuật và an ninh quốc gia

HOA KIM 27/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Đào tạo sinh viên nước ngoài là hoạt động giao lưu nhân dân có ý nghĩa nhưng cũng là mối lo của nhiều cường quốc trước nguy cơ gián điệp kiểu mới.


 
 Ảnh: CNN

Nhật Bản là quốc gia mới nhất yêu cầu các trường đại học phải xin giấy phép trước khi chuyển giao công nghệ liên quan đến an ninh quốc phòng cho sinh viên quốc tế. Theo tạp chí Nikkei, quy định này áp dụng cho các sinh viên nước ngoài học tập tại Nhật từ 6 tháng trở lên và “chịu ảnh hưởng” từ nước khác, ví dụ như có hơn 25% thu nhập đến từ tài trợ của một chính phủ nước ngoài. Các trường hợp này phải được báo cáo về Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp (METI) để được cấp phép.


Công nghệ “chảy máu” hằng ngày

Trước đó, Nhật đã có Đạo luật trao đổi nước ngoài (FEA) quy định các trường phải đánh giá bất kỳ mối quan ngại nào liên quan đến an ninh trước khi tiếp nhận sinh viên hay chuyên gia nghiên cứu nước ngoài, bao gồm việc cá nhân đó có dính líu đến các tổ chức phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhận tài trợ từ chính phủ nước ngoài hay không. Tuy nhiên, một khảo sát do METI thực hiện hồi tháng 4-2021 trên 320 trường đại học cho thấy chỉ 62,5% tuân thủ việc thực hiện các đánh giá sàng lọc theo quy định.

Quy định mới, dự kiến có hiệu lực từ năm 2022, được đưa ra trong bối cảnh Nhật đặt mục tiêu tăng cường an ninh kinh tế của đất nước khi mà “sự chảy máu công nghệ nhạy cảm diễn ra hằng ngày” - theo nhận xét của ông Toshifumi Kokubun, giáo sư ở Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến tại Đại học Tokyo.

Năm 2017, một sinh viên Trung Quốc theo học tại một trường đại học ở Tokyo từng bị phát hiện lén gửi một camera hồng ngoại loại dùng cho máy bay sang Trung Quốc theo đường Hong Kong. Các công trình nghiên cứu và phát triển liên quan đến trí tuệ nhân tạo, mật mã lượng tử và công nghệ máy bay không người lái đều có thể được sử dụng cho mục đích quân sự nhưng hiện đều mở cửa đón nhận sinh viên nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, theo Nikkei. Quy định mới được kỳ vọng có thể bịt các lỗ hổng này.

Lo ngại của Nhật là có cơ sở khi thế giới đã ghi nhận những vụ việc sinh viên quốc tế được sử dụng như công cụ gián điệp để đánh cắp các công nghệ quan trọng mang ý nghĩa quốc phòng.

Gián điệp kiểu mới

Bề ngoài, Ji Chaoqun (năm nay 30 tuổi) dễ dàng lọt thỏm giữa 2.900 sinh viên quốc tế theo học tại Học viện Công nghệ Illinois khi anh đặt chân đến Mỹ bằng visa học tập vào năm 2013. Tháng 8-2015, Ji gửi email cho một công dân Trung Quốc với tiêu đề “câu hỏi kiểm tra giữa kỳ”. Nội dung email - như Cục Điều tra liên bang (FBI) phanh phui trong 2 năm sau đó - không hề liên quan đến chuyện học hành mà trái lại chứa thông tin về 8 công dân Mỹ làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có xuất thân từ Trung Quốc đại lục hoặc Đài Loan, trong đó 7 người từng làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

“Họ đều được xem là những mục tiêu màu mỡ cho một hình thức gián điệp kiểu mới mà Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi để giành phần thắng trong cuộc chiến thầm lặng giành lấy thông tin và sức ảnh hưởng toàn cầu từ tay Mỹ” - CNN nhận xét trong 1 bài viết năm 2019. Theo hồ sơ tòa án, các điệp viên Trung Quốc được cho là đã tiếp cận Ji và yêu cầu anh làm đầu mối hỗ trợ việc săn người phù hợp để giúp họ đánh cắp bí mật của các công ty hàng không vũ trụ lớn của Mỹ.

Theo các quan chức tình báo Mỹ, mặc dù Ji cho đến nay vẫn chưa bị kết án nhưng các tình tiết trong vụ việc cho thấy Trung Quốc hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng sử dụng người “từ mọi tầng lớp xã hội” để phục vụ mục đích gián điệp với tần suất ngày càng tăng. Ji chỉ là 1 trong số khoảng 350.000 người Trung Quốc đến Mỹ học tập hằng năm, và Bắc Kinh có thể dựa vào lực lượng này cộng với các nhà khoa học và doanh nhân Trung Quốc để tiếp cận các trường đại học và doanh nghiệp Mỹ mà họ quan tâm. Cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel năm 2018 từng cảnh báo rằng Trung Quốc có ý định sử dụng đội ngũ này để làm “giảm bớt ảnh hưởng của Hoa Kỳ để thúc đẩy các mục tiêu của riêng họ”. Kế hoạch này càng được xúc tiến trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung leo thang vì đối đầu thương mại, các vụ tấn công mạng và tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á, theo CNN.

Điểm đặc biệt của loại hình gián điệp này là không phải ai cũng đặt chân đến nước sở tại với mục đích từ đầu là để đánh cắp thông tin. Rất nhiều trong số họ có mục đích du học hoàn toàn hợp pháp, nhưng trong thời gian học tập đã được tiếp cận bởi tình báo nước nhà và được gợi ý - đôi khi là ép uổng - làm công việc này để thể hiện lòng yêu nước.

Trong trường hợp của Ji, anh đến Mỹ vào tháng 8-2013 với mục đích ban đầu là theo học ngành kỹ sư điện tử. Chỉ 4 tháng sau, anh đã được tiếp cận bởi một quan chức tình báo cấp cao Trung Quốc tự giới thiệu mình là giáo sư Đại học Hàng không và du hành vũ trụ Nam Kinh, theo hồ sơ do FBI thu thập. Theo cơ quan điều tra Mỹ, Ji sau đó đã nhận ra sự thật về người này nhưng vẫn tiếp tục cung cấp hồ sơ về các mục tiêu ở Mỹ cho ông ta.

Những “đặc vụ bất đắc dĩ” như vậy khiến công tác phản gián gặp nhiều thách thức, trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn có thể chối phăng bất cứ dính líu nào đến hành động của những người này nếu chẳng may sự vụ vỡ lở, theo ông Joe Augustyn, một cựu sĩ quan CIA. “Mỹ có một chính sách thị thực rất thoáng dành cho họ (sinh viên Trung Quốc). 99,9% các sinh viên này đang ở Mỹ một cách hợp pháp và thực hiện những nghiên cứu tuyệt vời cũng như giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng họ là một công cụ được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để tạo điều kiện cho các hoạt động bất chính tại đây” - CNN dẫn lời giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia William Evanina phát biểu trong một hội thảo hồi tháng 4-2018.

Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc này, cho rằng chúng bắt nguồn từ tư duy phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa McCarthy ở Mỹ. Hiện sinh viên Trung Quốc là cộng đồng sinh viên nước ngoài lớn nhất ở Mỹ, theo dữ liệu từ Viện Giáo dục quốc tế (IIE).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã chỉ ra không ít trường hợp khoa học gia người Mỹ gốc Hoa bị cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh nhưng rồi lại được tuyên vô tội để cho thấy những lo ngại của Mỹ là quá mức cần thiết. “Những tuyên bố như vậy là hoàn toàn không đúng sự thật và được đưa ra với động cơ ngầm. Giao lưu nhân dân là cơ sở để thúc đẩy hợp tác Trung - Mỹ trên mọi lĩnh vực, vì lợi ích chung của cả hai dân tộc” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN. 

Xâm phạm tự do học thuật?

Đóng chặt cánh cửa đối với sinh viên nước ngoài chắc chắn không phải là thượng sách, nhưng lựa chọn cách ứng xử ra sao để bảo đảm an ninh quốc gia mà vẫn không làm hạn chế tự do học thuật quả là một câu hỏi khó.

Đối với Mỹ, các viên chức lãnh sự phải đánh giá liệu có cơ sở hợp lý để tin rằng một người xin thị thực để tham gia vào hoạt động vi phạm hoặc trốn tránh luật cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ hay không. Từ khóa ở đây là “phạm pháp”. Như vậy tức là không có cơ sở để từ chối cấp visa nếu đương đơn có ý định lấy được thông tin một cách hợp pháp - ví dụ như bằng cách... đi học - ngay cả khi thông tin đó thuộc một lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ robot hoặc trí tuệ nhân tạo, theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược & quốc tế (CSIS). Một báo cáo tháng 11-2019 cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ từ chối chưa đến 5% đơn xin cấp thị thực của công dân Trung Quốc.

Giới hạn quyền tiếp cận thông tin của một bộ phận sinh viên dựa trên quốc tịch rõ ràng cũng không phải là việc mà các trường đại học coi trọng môi trường giáo dục cởi mở muốn làm. Năm 2019, một nhóm các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đã công khai phản đối một quy định do Bộ Ngoại giao nước này đề xuất trong đó sẽ mở rộng phạm vi các dự án nghiên cứu và môn học mà sinh viên nước ngoài không được tham gia vì có tính chất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng gồm có nghiên cứu liên quan đến công nghệ quốc phòng, chẳng hạn như vũ khí, kỹ thuật hạt nhân và công nghệ vệ tinh.

Trong thư gửi Bộ Ngoại giao, Đại học Stanford đứng tên cùng Hiệp hội Các trường đại học Mỹ (AAU), Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Pennsylvania cảnh báo về “những hậu quả tai hại” nếu quy định này được thông qua. “Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục thực hiện các nghiên cứu mang tính nền tảng cơ bản như hiện nay. Stanford có chính sách nghiên cứu mở bất kể quốc tịch. Chúng tôi sẽ không nói với các sinh viên Trung Quốc đang theo học ở trường rằng họ không thể tham gia” - giám đốc tuân thủ xuất khẩu Steve Eisner của Đại học Stanford nói với báo The Guardian.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận