21/08/2019 06:27 GMT+7

Tựu trường sớm, nên không?

V.HÀ - H.HƯƠNG - T.TRANG
V.HÀ - H.HƯƠNG - T.TRANG

TTO - Câu chuyện học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học, đã đến trường vào thời điểm này dẫn đến nhiều tranh luận về việc nên hay không.

Tựu trường sớm, nên không? - Ảnh 1.

Cô trò Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) trong ngày tựu trường - Ảnh: N.HÙNG

Tuổi Trẻ ghi nhận tại một số địa phương và ý kiến từ Bộ GD-ĐT.

Tập trung sớm để "rèn nề nếp"

Một số phụ huynh có con vào học lớp 1 năm nay chia sẻ quan điểm trên các diễn đàn cha mẹ, lo lắng "có biết bao nhiêu thứ phải rèn con vào nề nếp, trong khi trẻ 6 tuổi mới từ mầm non lên. Ví dụ như việc ngồi yên trong lớp, tập trung nghe cô nói, cách ngồi, cách cầm bút, tự lập trong sinh hoạt cá nhân... Vì thế cho con đến trường sớm để "tập dượt" vẫn tốt hơn".

Có phụ huynh cho biết đã lo lắng quá nên phải cho con "học trước", vì thế muốn học sinh lớp 1 được tập trung sớm hơn các lớp khác.

Theo các trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội thì đối với học sinh đầu cấp nói chung và học sinh lớp 1 nói riêng, rất cần tập trung học sinh sớm hơn. "Sẽ có nhiều chệch choạc với những trẻ 6 tuổi lần đầu tiên đi học.

Có những đợt đi kiểm tra các trường, chúng tôi bắt gặp các cháu lớp 1 mới đi học còn khóc vì lạ trường, lạ lớp, cô phải dành thời gian dỗ dành. Nhiều cháu chưa quen với nề nếp học tập nên cần thời gian hướng dẫn trước khi vào học chính thức" - ông Phạm Ngọc Anh, trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, chia sẻ.

Với lý do tập trung sớm để "rèn nề nếp", nhưng mỗi trường thực hiện một khác. Có những trường không thông tin cho cha mẹ học sinh kế hoạch triển khai trước ngày tựu trường là phải tập trung bao nhiêu buổi, làm những gì trong các buổi này khiến nhiều người bị thụ động trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ những ngày này.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều trường ở Hà Nội đã tổ chức tuần "đón học sinh mới" có ý nghĩa như tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi trí tuệ, hoạt động tập thể để trẻ bước qua giai đoạn e dè, bớt đi sự sợ hãi khi đến một môi trường học tập còn xa lạ. Nhưng những trường làm được việc này chủ yếu là các trường tư thục, công lập tự chủ.

Ngoài lý do cho học sinh làm quen nề nếp, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng cuối học kỳ 1 sẽ có một tuần để các trường thực hiện hoạt động ngoại khóa, cuối học kỳ 2 cũng vậy, rồi còn thời gian để giáo viên chấm bài kiểm tra, lên điểm, bình xét thi đua, tổ chức lễ bế giảng năm học... sao cho kịp để giáo viên có thể nghỉ hè từ ngày 1-6.

Sao không để ngày khai trường thêm ý nghĩa?

Chị Huyền Anh - phụ huynh có con sẽ vào học lớp 2 năm học này ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội - cho biết ngày 5-9 trường mới khai giảng. Mặc dù thời gian này chị vẫn phải gửi con cho ông bà, nhưng ủng hộ việc tựu trường đúng vào ngày khai giảng năm học.

Cũng vậy, đa số phụ huynh đều muốn "ngày khai giảng năm học mới sẽ là ngày đầu tiên con đến trường". Anh Châu Văn Thành - phụ huynh có con học Trường tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy - nói: "Nếu trẻ đã đi học bình thường từ mấy tuần trước thì ngày khai trường không còn nhiều ý nghĩa nữa. Tôi ủng hộ việc các trường tiểu học ở Hà Nội cho học sinh tựu trường đúng ngày khai giảng".

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long) cho biết cứ đinh ninh giữa tháng 8 mới bắt đầu tập trung như mọi năm, nhưng tình cờ nghe hàng xóm nói và coi thông báo ở trường thì thấy ngày 12-8 nhập học.

"Dù đã chuẩn bị trước sách vở nhưng cháu nghỉ hè tôi gửi về quê không kịp đón. Thiết nghĩ các bé mới cấp I mà phải học sớm thì không cần thiết lắm" - chị Hạnh bày tỏ.

"Con tôi năm nay vào học lớp 5 thì 4 năm qua, cứ đến cuối tháng 5 là cháu toàn chơi. Nếu có hoạt động ngoại khóa thì cũng chỉ diễn ra một ngày, chứ đâu có kéo dài suốt tuần" - chị Vũ Thu Hiên, phụ huynh học sinh ở quận 3 (TP.HCM), cho biết.

Chị Hồng Vân ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cũng cho rằng: "Chương trình cấp I chưa nhiều, bắt học sinh phải đi học từ đầu tháng 8, trong khi các bé đến trường chỉ nửa buổi phụ huynh phải đón về. Tôi hỏi vô lớp học chưa thì con tôi nói cô chỉ kể chuyện, hát và cho các bé chơi".

Từ đó, chị Thu Mai, phụ huynh ở quận 1 (TP.HCM), đặt câu hỏi: "Nếu cần thêm thời gian thì tại sao không chọn cách kết thúc năm học trễ hơn, thay vì bắt đầu năm học mới sớm hơn?".

Tuy có ý kiến về việc chuẩn bị nề nếp, ông Phạm Ngọc Anh cũng chia sẻ ở Hà Nội, học sinh các lớp ở bậc tiểu học tựu trường đúng ngày khai giảng là hợp lý. Điều đó cũng khiến ngày khai trường có ý nghĩa hơn với các bạn nhỏ.

Nửa buổi tới trường, nửa buổi theo mẹ đi làm

Tựu trường sớm, nhiều trường tiểu học chưa chuẩn bị kịp nên chỉ dạy 1 buổi/ngày, không có bán trú. Ở TP.HCM, hầu hết phụ huynh phải đi làm suốt từ sáng đến chiều, hậu quả là những tuần cuối tháng 8 các cơ quan, công sở tràn ngập học sinh tiểu học vì các em theo cha mẹ đi làm.

Ông Vũ Đình Chuẩn (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT):

Có thể tựu trường vào ngày 5-9

Việc mỗi địa phương quyết định tựu trường một thời điểm khác nhau xuất phát từ điều kiện thời tiết hằng năm của một số tỉnh thành. Bộ GD-ĐT cho phép một số địa phương cho học sinh tựu trường sớm để ổn định nề nếp, tổ chức lớp học, học tập nội quy nhà trường. Một số trường có thể tổ chức học sớm 1-2 tuần. Tuy nhiên, vẫn phải theo quy định ngày tựu trường sớm nhất vào 1-8 hằng năm, ngày khai giảng 5-9 và kết thúc năm học trước ngày 31-5, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, giáo viên, học sinh.

Việc giao chủ động cho các sở GD-ĐT đề xuất với UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch thực hiện thời gian năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương, theo tôi, vẫn cần duy trì để tạo điều kiện cho các địa phương đặc thù. Tuy nhiên, việc này không nên thực hiện máy móc, cứng nhắc. Việc nhiều địa phương hiểu ngày tựu trường bắt buộc là 1-8 là không chính xác.

Những địa phương có điều kiện thuận lợi có thể tựu trường vào đúng ngày khai giảng năm học 5-9. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng học sinh, các trường có thể tập trung học sinh sớm tạo nề nếp tốt cho ngày khai giảng và khi bước vào năm học. Học sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 1 có thể tập trung sớm hơn để làm quen với môi trường học tập mới. Nhưng thời gian thực học bắt đầu sau khi khai giảng năm học mới.

Đà Nẵng: bắt đầu học vào ngày khai giảng 5-9

208dnabc 4(read-only)

Học sinh Đà Nẵng đã 4 năm qua được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, nhưng các trường vẫn mở cửa cho học sinh đến vui chơi - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Bốn năm qua, Đà Nẵng đã thực hiện việc mở cửa trường học dịp hè và trả lại trọn vẹn ba tháng hè cho học sinh. Năm học bắt đầu từ ngày khai giảng 5-9.

Chủ trương này được bắt đầu từ khi ông Nguyễn Đình Vĩnh làm giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, hiện ông là bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Ông Vĩnh cho biết quy định nghỉ hè ba tháng thì phải có ba tháng hè cho học sinh và cho cả giáo viên. Mặt khác, vì không muốn các trường học cửa đóng im ỉm, trường học phải "sống" trong ba tháng hè nên sở quyết định mở cửa trường học dịp hè để học sinh và cả xã hội cùng vào vui chơi.

"Qua 4 mùa hè thực hiện chủ trương này đã giảm hẳn áp lực cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em. Giúp các em phát triển cân bằng giữa học và chơi. Tạo tiền đề, năng lượng tích cực để các em bước vào năm học mới" - ông Vĩnh chia sẻ.

Theo ông Vĩnh, đặc điểm thời tiết tại Đà Nẵng ít ảnh hưởng đến việc học. Vì thế, sở đã tính toán thời gian học để tất cả học sinh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè. Việc nhập học đầu tháng 9 và bế giảng cuối tháng 5 là thực hiện đúng chương trình học 37 tuần.

Đối với giáo viên, từ ngày 1-8 là phải bồi dưỡng chính trị, pháp luật thì nay sẽ học vào giữa hoặc cuối tháng 8. Cơ bản sẽ không có hoạt động gì ảnh hưởng đến nghỉ hè của học sinh, giáo viên. (ĐOÀN CƯỜNG)

Học trò vùng lũ Na Mèo rộn ràng ngày tựu trường Học trò vùng lũ Na Mèo rộn ràng ngày tựu trường

TTO - Lũ dữ đi qua, khó khăn chồng chất với người dân xã Na Mèo, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa. Nhưng hôm nay 19-8, hàng trăm học sinh vùng lũ này vẫn vui rộn ràng ngày tựu trường.

V.HÀ - H.HƯƠNG - T.TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên