20/07/2019 07:05 GMT+7

Tuyết 'lửa', người phụ nữ 6 lần bị dọa giết

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - 'Tuyết! Con mày đi học sẽ...', 'Tao cho mày ăn kẹo đồng', 'Mày có phải là con Tuyết không? Mày không sống được với bố đâu nhé, tao sẽ giết mày'...

Tuyết lửa, người phụ nữ 6 lần bị dọa giết - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Tuyết - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với cách làm việc quyết liệt, không ngại đụng chạm, từ năm 2011 đến nay có ít nhất 6 lần bà Tuyết "lửa" bị các chủ kinh doanh động vật vi phạm nhắn tin, gọi điện dọa giết.

Lần mới nhất bà Tuyết "lửa" - biệt danh của bà Đặng Thị Tuyết, phó trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM - bị chủ hàng gọi điện dọa giết lại trùng vào ngày truyền thống của ngành thú y 11-7, lúc bà đang cùng đoàn "mật phục" bắt xe trốn tại chốt kiểm dịch cầu Kỳ Hà (Q.2). 

Bà nói: "Tôi khá buồn và hơi lo sợ. Nhưng không vì một lời bị đe dọa mà có thể tác động đến gia đình, công việc của tôi. Trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang bùng phát, có đe dọa thế nào tôi và lực lượng kiểm dịch vẫn kiên quyết xử lý đến cùng".

Công việc hằng ngày và tâm sự của bà Đặng Thị Tuyết - phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP.HCM - Video: DUYÊN PHAN

Thà mang tiếng ác...

* Đây là lần thứ 6 bà bị những người vi phạm gọi điện, nhắn tin dọa giết?

- Từ năm 2011, khi tôi còn làm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức đã bị đe dọa. 

Bất kể ngày đêm, cứ sau mỗi vụ ngăn chặn thịt thối, điện thoại của tôi lại nhận được nhiều tin nhắn từ số máy lạ với các nội dung rất sốc như "Tuyết! Con mày đi học sẽ...", "Tao cho mày ăn kẹo đồng"... Rồi có người còn gọi điện chửi bới: "Mày có phải là con Tuyết không? Mày không sống được với bố đâu nhé, tao sẽ giết mày"... 

Với linh cảm nghề nghiệp, tôi biết chắc đây đều là "thông điệp" từ những người vận chuyển trái phép sản phẩm động vật "gửi gắm".

* Bà có cảm thấy lo sợ khi bất ngờ nhận được các "thông điệp" đó không, thưa bà?

- Ngay từ đầu khi đảm nhận quản lý chốt kiểm dịch "nóng" nhất của TP.HCM về tình trạng tuồn thịt bẩn, tôi phần nào xác định được sự nguy hiểm. Ngoài đe dọa bằng tin nhắn, gọi điện, có chủ hàng còn nổi nóng "động tay động chân" nhưng đều được can thiệp kịp thời.

Là phụ nữ, khi bị đe dọa như vậy tôi lo lắm chứ, nhưng công việc như vầy rồi phải chịu chứ biết sao giờ. Để tiếp tục công việc, tôi chỉ biết đề cao cảnh giác hơn khi di chuyển đêm khuya. Và tất cả các lần bị đe dọa tôi đều chủ động làm đơn trình báo công an.

Tuyết lửa, người phụ nữ 6 lần bị dọa giết - Ảnh 3.

Với cách làm việc quyết liệt, không ngại đụng chạm bà Tuyết đã nhiều lần bị dọa giết - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Vậy các vụ đó cuối cùng được xử lý thế nào?

- Rất tiếc các vụ trước đó chưa lần nào xác minh được thủ phạm vì lý do... sim rác. Riêng lần đe dọa vào ngày 11-7 vừa qua xác định được. Đó là một chủ hàng kinh doanh thịt heo vi phạm tự ý tháo dây niêm phong đòi "giải phóng" cho đi nhưng chúng tôi kiên quyết không đồng ý. Hiện lực lượng công an đang làm việc với người đe dọa.

* Đêm hôm đối diện với các trường hợp vi phạm khá nhạy cảm, họ sẵn sàng "chung chi" để giải cứu lô hàng vi phạm. Có người sẽ chọn cách thỏa hiệp...

- Những người vi phạm thường có thói quen gọi điện cho "ông này, ông kia" nhờ can thiệp "giải cứu". Có người còn móc tiền dúi cho lực lượng kiểm tra. 

Mới hôm kia, chúng tôi phối hợp với CSGT truy bắt xe chở vịt nhiều lần vi phạm. Lúc ấy, chủ xe móc túi đưa 1 triệu đồng "bồi dưỡng". Quả thật nếu anh em nào không "cứng tay" là thỏa hiệp cho qua hết. Nhưng tất cả anh em trong nhóm đều xử lý rất nghiêm. Họ làm vậy coi như thất bại.

Cũng vì vậy mà tôi thường mang tiếng "ác" và bị nhiều người ghét.

Tuyết lửa, người phụ nữ 6 lần bị dọa giết - Ảnh 4.

Bà Đặng Thị Tuyết, phó trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM kiểm tra các xe động vật được vận chuyển vào TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thú y cực... "y như thú"!

* Áp lực về thời gian, nguy hiểm đến tính mạng trong khi lương bổng khiêm tốn, bà có bao giờ nghĩ mình sẽ chọn một ngã rẽ khác nhẹ nhàng hơn?

- Nếu chọn việc nhẹ nhàng chắc tôi không được gọi là Tuyết "lửa" (cười). Cũng vì thấy tôi đi miết, tính tình lại thẳng quá nên rất dễ "đụng chạm" trong công việc và dễ bị người khác "ghét", gia đình có khuyên tôi nên nghỉ và chọn công việc khác thoải mái, lương cao, an toàn và an nhiên hơn.

Tôi vừa học xong nghiệp vụ sư phạm chuyên ngành thú y. Nhưng học để cho biết vậy thôi, chứ tình hình dịch bệnh thế này lương tâm không cho phép buông bỏ nghề theo suốt mình 22 năm qua. Tôi coi đó là nghiệp và theo đến lúc nào không đủ sức chạy ngoài đường mới thôi.

* Tôi thấy bà ở chốt kiểm dịch nhiều hơn ở nhà. Vậy một ngày của bà bắt đầu và kết thúc thế nào?

- Mùa nào dịch nấy. Với tình hình dịch tả heo châu Phi nóng bỏng thế này, anh em thú y ai cũng phải gồng mình làm việc. Với tôi, cứ hơn 5h sáng rời nhà để 6h sáng có mặt tại chốt kiểm soát các xe vận chuyển động vật vào TP.HCM. 

Có nhiều hôm làm tới 15h, tôi tranh thủ chạy về nhà dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước xong lại lao ra chốt tiếp tục kiểm tra đến sáng hôm sau. Chưa kể hôm nào có xe vi phạm còn phải mất thời gian áp tải cả ngày trời.

Điều may mắn là tôi có chồng luôn đồng hành "gánh" mọi việc từ con cái, thu nhập, chia sẻ chuyện nghề nghiệp để tôi yên tâm công tác. Chứ nếu chỉ dựa vào "lương thú y" của tôi thì không đủ trang trải (cười).

* Bà hay nói đùa nghề thú y cực "y như thú"...

- Đúng như vậy đó. Phần lớn cán bộ gắn bó với nghề thú y ai cũng vất vả, chỉ có đam mê mới kéo họ ở lại với nghề.

Có lẽ tôi là người bị các chủ hàng chửi, đe dọa nhiều nhất (cười). Nhưng tôi mặc kệ, cứ lao vào công việc, miễn mình làm đúng. Chỉ thấy hơi buồn vì công sức mình bỏ ra chỉ mong muốn các sản phẩm động vật đến tay người tiêu dùng được an toàn, chứ không để được nổi tiếng hay có lợi ích gì cả.

Vui vì công sức của mình được đền đáp

* Theo bà, đâu là vấn đề khó khăn trong việc kiểm dịch hiện nay?

- Thực tế kiểm tra mới thấy việc kiểm dịch hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bởi vậy mới có tình trạng xe không đảm bảo vệ sinh, giấy kiểm dịch và dây niêm phong không hợp lệ... vẫn đi từ Bắc vào Nam "lọt" qua nhiều chốt kiểm dịch. 

Rồi việc bỏ kiểm dịch nội tỉnh khiến việc bày bán heo ở lòng lề đường khá phổ biến. Đó chính là một nguyên nhân khiến các loại dịch bệnh, trong đó có dịch tả heo châu Phi, có cơ hội lây lan.

Tuyết lửa, người phụ nữ 6 lần bị dọa giết - Ảnh 5.

Dù nhiều lần bị đe dọa nhưng Tuyết "lửa" vẫn quyết gắn bó với nghề - Ảnh: DUYÊN PHAN

* 22 năm gắn bó với nghề, đâu là điều khiến bà cảm thấy hài lòng nhất?

- Tôi tự hào vì đã sống đúng với bản chất thẳng thắn của mình. Dù bị nhiều người ghét, nhưng lâu lâu tôi cũng nhận nhiều cuộc điện thoại "lạ" từ người từng vi phạm. 

Có người khi bị bắt xử phạt thì chửi bới thậm tệ lắm, nhưng sau đó họ dần thay đổi quan niệm, chủ động thực hiện đúng quy trình kiểm dịch. 

Có người từ cay cú đe dọa sau này thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khỏe của tôi và "báo cáo" không vi phạm nữa. Tôi vui vì ít nhiều công sức của mình được đền đáp.

Với tôi, xử phạt không chỉ là xử phạt, mà phải đi kèm với sự tận tâm giải thích cặn kẽ để người vi phạm hiểu, từ đó họ biết cách khắc phục.

Bà Đặng Thị Tuyết tốt nghiệp chuyên ngành thú y Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 1995.

Hai năm sau, bà về làm cán bộ thú y ở Trạm thú y Q.9. Năm 2005, bà làm trưởng Trạm thú y Q.9.

Từ năm 2008-2010, bà chuyển qua làm trưởng Trạm thú y Q.2.

Năm 2010, bà được chuyển về làm trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, nắm giữ cửa ngõ "nóng" nhất của TP.HCM về vận chuyển gia súc gia cầm trái phép.

Hiện bà là phó trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM, đồng thời là phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch số 2 (gia súc gia cầm TP.HCM).

Năm 2014, bà là 1 trong 52 cán bộ được vinh danh "Tấm gương tỏa sáng giữa đời thường".

Ông T.L.C. (ngụ Đồng Nai, người từng bị xử phạt):

Tôi không còn trách Tuyết "lửa"

Xe chở thịt động vật của tôi từng 3 lần bị chặn bắt dưới tay của Tuyết "lửa". Lúc ấy vì thời gian giao hàng gấp rút, chưa am hiểu luật lệ nên tôi có nóng nảy, cho rằng bà Tuyết "làm khó". Nhưng khi xử lý bà Tuyết hướng dẫn rất tỉ mỉ, tôi phần nào ý thức được vi phạm của mình và quyết định thay đổi.

Đến nay, việc kinh doanh của gia đình tôi khá thuận lợi. Mỗi khi vận chuyển sản phẩm động vật tôi không còn phải lén lút, rồi khi bị phát hiện thì bỏ chạy như ngày trước.

dp_chituyet_thuy (11) 2(read-only)

Hàng loạt vụ vận chuyển thịt bẩn quy mô lớn bị chặn đứng với sự kiểm tra của bà Tuyết - Ảnh: HOÀNG LỘC

Ông Khương Trần Phúc Nguyên (trưởng phòng thanh tra pháp chế Chi cục Chăn nuôi - thú y TP.HCM):

Dám nghĩ dám làm, không ngại đụng chạm

Từ những năm 2011, chị Tuyết chốt ở cửa ngõ phía bắc, tôi được giao chốt ở cửa ngõ phía tây. Hàng loạt vụ vận chuyển thịt bẩn quy mô lớn được chúng tôi phát hiện, chặn đứng.

Chị Tuyết là người rất nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm và không ngại đụng chạm. Trong xử lý làm đúng nguyên tắc nên khiến nhiều người vi phạm "không ưa", dẫn tới việc bị đe dọa giết như thời gian qua. Hi vọng các đơn vị chuyên môn vào cuộc xử lý để bảo đảm an toàn cho chị Tuyết yên tâm công tác.

Cán bộ thú y trình báo bị chủ hàng dọa giết, công an vào cuộc điều tra Cán bộ thú y trình báo bị chủ hàng dọa giết, công an vào cuộc điều tra

TTO - Sau khi bị chủ hàng đe dọa “giết”, bà Đặng Thị Tuyết - cán bộ Thú y kiên quyết chặn bắt xe chở sản phẩm động vật vi phạm - vừa làm đơn trình báo gửi cơ quan công an.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên