04/12/2019 10:07 GMT+7

Úc lo bị gián điệp can thiệp

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chính quyền Canberra hôm 2-12 đã thành lập một lực lượng phản gián mới, tập hợp tất cả các cơ quan tình báo của nước này.

Úc lo bị gián điệp can thiệp - Ảnh 1.

Wang Liqiang đang ẩn náu tại một địa điểm an toàn ở Sydney, Úc sau khi tự nhận là điệp viên Trung Quốc đào tẩu và bóc trần đường dây gián điệp ở Hong Kong, Đài Loan - Ảnh chụp màn hình The Age

Sự xuất hiện của lực lượng này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của Úc trước các hoạt động can thiệp của nước ngoài.

Nước Úc sẽ không khuỵu gối trước Trung Quốc.

Ông Malcolm Davis (nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc) nhận định về việc thành lập lực lượng phản gián mới.

Chính phủ Úc tuyên bố họ không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào trong kế hoạch trị giá 60 triệu USD. Tuy nhiên, một số cựu quan chức tình báo Úc như ông Duncan Lewis - cựu giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Úc (ASIO) - cho rằng các hoạt động gián điệp gần đây của Trung Quốc là lý do chủ yếu dẫn tới việc Canberra thành lập lực lượng phản gián mới.

Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng, cho rằng Chính phủ Úc đã bị các bài viết phóng đại của truyền thông dắt mũi.

Can thiệp chính trường

"Việc thành lập lực lượng phản gián mới sẽ giúp tăng cường năng lực phát hiện, theo dõi và phá vỡ sự can thiệp của nước ngoài vào nước Úc" - Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh hôm 2-12.

Ngày càng có nhiều lo ngại Bắc Kinh đang trở nên táo bạo hơn trong việc can thiệp vào Úc và New Zealand thông qua các khoản quyên góp cho các đảng chính trị và đầu tư vào truyền thông địa phương.

Trong suốt nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Mối quan hệ bắt đầu căng thẳng kể từ tháng 9 năm nay khi Canberra quyết định nói không với Huawei của Trung Quốc trong việc xây dựng mạng 5G dựa trên các cảnh báo từ Mỹ.

Mới hồi tháng trước, người đứng đầu mới của ASIO, ông Mike Burgess, tiết lộ các quan chức tình báo Úc đang điều tra một âm mưu cài gián điệp Trung Quốc vào Quốc hội Úc. Nick Zhao, một tay buôn xe hơi hạng sang ở Melbourne, đã được một người đàn ông Trung Quốc tiếp cận và ngã giá 1 triệu đôla Úc (676.500 USD) để ứng cử vào Đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Morrison.

Nick dường như đã từ chối lời đề nghị và được tìm thấy đã chết trong một khách sạn sau đó. Cái chết của người đàn ông 32 tuổi này khiến ông Morrison phải lên tiếng trong lúc các quan chức tình báo Úc vào cuộc xem xét.

Hay gần đây nhất, những tiết lộ dài 17 trang của "điệp viên Trung Quốc đào tẩu" 27 tuổi Wang Liqiang về việc đã xâm nhập phong trào sinh viên ở Hong Kong và can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Đài Loan ra sao đã khiến chính trường Úc phản ứng.

Hiện không có nhiều thông tin về lực lượng phản gián mới toanh của Úc. Nhưng theo giáo sư John Blaxland thuộc Học viện Quốc phòng Úc, việc thành lập lực lượng này cho thấy không một cơ quan tình báo riêng lẻ nào của Canberra đủ sức đối phó với các chiến dịch gián điệp hiện tại của nước ngoài.

Trung Quốc phản pháo

"Làm thế nào một tay non choẹt mới 27 tuổi có thể tham gia sâu vào các hoạt động gián điệp của Trung Quốc được?", Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đặt câu hỏi như phản bác lại các phát ngôn của "điệp viên đào tẩu" Wang Liqiang - người đang xin tị nạn chính trị ở Úc.

Trung Quốc luôn phủ nhận các cáo buộc gián điệp, và lần này cũng không ngoại lệ. Bắc Kinh đã huy động cả bộ máy để công kích cá nhân, hạ uy tín của những người tự nhận là gián điệp Trung Quốc như Wang. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2-12, khi được hỏi về những câu chuyện gián điệp trên truyền thông Úc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã mô tả đây là những "vở kịch dở tệ", rằng các chính trị gia Úc đã bị dắt mũi bởi một kẻ đang tìm cơ hội ở lại Úc.

"Trong suốt thời gian qua, truyền thông Úc và một số cơ quan của nước này đã thổi phồng cái gọi là những vụ xâm nhập của điệp viên Trung Quốc hay thuyết âm mưu về sự can thiệp của Bắc Kinh. Cho dù những câu chuyện này có ly kỳ đến đâu, chúng chỉ là những trò hài lố bịch, những vở kịch dở tệ" - bà Hoa đáp trả.

"Vụ việc lần này một lần nữa cho thấy sự vô đạo đức của cộng đồng tình báo và truyền thông Úc. Họ sẵn sàng để mình rơi vào bẫy của Wang và lợi dụng hắn bất chấp hậu quả", Thời báo Hoàn Cầu lập luận, nói rằng phương Tây nói chung và Úc nói riêng đã quá sức hoang tưởng về khả năng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Cài cắm người nổi tiếng

Một báo cáo được công bố vào năm ngoái của Quốc hội Mỹ đã chỉ ra cách Bắc Kinh sử dụng những người Trung Quốc nổi tiếng sống ở nước ngoài để tác động đến các chính sách và nhận thức về Trung Quốc ở nước ngoài ra sao.

Cũng theo báo cáo này, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, các nỗ lực định hướng dư luận được đẩy mạnh đến mức nó khiến các chính trị gia và cơ quan tình báo Mỹ phải chú ý, theo báo Wall Street Journal.

Bỉ tràn ngập... gián điệp Trung Quốc Bỉ tràn ngập... gián điệp Trung Quốc

TTO - Giới chuyên gia cho rằng Bỉ, hay cụ thể hơn là thủ đô Brussels, dễ dàng trở thành nơi thu hút hoạt động gián điệp Trung Quốc vì nó là nơi tập trung các cơ quan đầu não của EU và NATO.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên