16/07/2020 08:18 GMT+7

Ứng phó với tình huống mưa bão, mất điện, camera giám sát đề thi ngưng hoạt động

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đây là các tình huống cụ thể được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đặt ra trong các buổi làm việc với ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái.

Ứng phó với tình huống mưa bão, mất điện, camera giám sát đề thi ngưng hoạt động - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trò chuyện với học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhật Duật, huyện Yên Bình (Yên Bái) về tình hình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: VĨNH HÀ

Trong 2 tuần đầu tháng 7-2020, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trực tiếp dẫn đầu các đoàn kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại nhiều địa phương. Nhiều vấn đề ở khâu chuẩn bị tổ chức thi được trao đổi cụ thể để điều chỉnh những điểm cần thiết, đảm bảo kì thi an toàn khi kỳ thi được giao hoàn toàn cho địa phương tổ chức.

Kịch bản chi tiết cho nhiều tình huống

"Nếu mất điện, camera giám sát nơi bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi trắc nghiệm chỉ bị ngưng khoảng 1 phút thôi, có thể có những vấn đề sẽ xảy ra mà camera không ghi được. Đây là một kẽ hở cần phải lường trước.

 Ngoài việc chuẩn bị máy nổ dự phòng cho tình huống này, ban chỉ đạo thi phải hướng dẫn để có phương án xử trí, tăng cường giám sát, lập biên bản khi có tình huống này xảy ra"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Yên Bái…

Những tình huống cụ thể cũng được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặt ra khi làm việc với các địa phương như khi xảy ra bão lũ gây sạt lở đường, điểm thi, trường hợp có mưa lũ khiến điểm thi bị cô lập, điện mất, điện thoại bị ngắt liên lạc thì phải làm gì.

Khi làm việc với Bộ GD-ĐT về chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc đều bày tỏ lo lắng khi thời điểm tổ chức thi thường là lúc xảy ra mưa lũ ở thượng nguồn.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Yên Bái, ngay tại địa bàn thành phố Yên Bái cũng có những điểm nếu xảy ra mưa to có thể sẽ bị ngập. Những nơi như thế này đều có cơ sở dự phòng. Tuy nhiên theo lãnh đạo UBND thành phố thì lo nhất là sự việc xảy ra khi thí sinh đang thi.

Nỗi lo bùng phát dịch bệnh COVD-19 cũng là một trong những điều khiến các địa phương phải chuẩn bị ứng phó. Rà soát, khoanh vùng đối tượng ở nước ngoài về có nguy cơ cao, tuyên truyền cho phụ huynh, thí sinh chủ động phòng ngừa, bố trí phòng cách ly ngay tại điểm thi trong tình huống xuất hiện thí sinh có biểu hiện nhiễm virut…là những trao đổi của ban chỉ đạo thi tại Yên Bái.

Về điều này, Thứ trưởng Độ đề nghị cần có "kịch bản" cho các tình huống, cần phân công "rõ người, kín việc".

"Việc tổ chức thi không mới, nhưng năm nay lại có một số điểm mới. Vì thế, tuyệt đối không chủ quan. Mọi việc được chuẩn bị và đúng từ ban đầu theo tinh thần phòng ngừa là chính thì kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc"- Ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý.

Rà soát đến từng học sinh

Ở các địa phương có địa bàn phức tạp, trong đó có những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị cần rà soát đến từng học sinh, lập danh sách mục những việc cần hỗ trợ cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

"Kỳ thi năm nào các địa phương cũng báo cáo sẵn sàng hỗ trợ thí sinh. Nhưng hỗ trợ thế nào, có bao nhiêu học sinh có thể gặp khó khăn trên đường đi thi, bao nhiêu thí sinh không có điều kiện kinh tế để lo ăn, lo nhà trọ trong những ngày đi thi cần được làm rõ thì mới có căn cứ triển khai công việc cụ thể. Về việc này các địa phương cần rà soát kĩ để việc hỗ trợ đúng người, đúng việc, thiết thực"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị với ban chỉ đạo thi các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái.

Đây cũng là thông điệp mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT muốn chia sẻ chung với ban chỉ đạo thi các địa phương khác trên cả nước, với mục tiêu "không để một thí sinh nào vì khó khăn không được hỗ trợ mà bỏ thi".

Tại Thái Nguyên, 31 điểm thi có 31 đội tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi có tình huống phát sinh để đảm bảo an toàn, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Còn tại Yên Bái, theo ông Vương Văn Bằng, Giám đốc sở GD-ĐT Yên Bái cũng cho biết tỉnh rà soát trên 1000 học sinh học sinh khó khăn cần hỗ trợ, cấp gạo, bữa ăn miễn phí, nhà trọ miễn phí.

Trong đợt kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT ngoài hỗ trợ về kinh phí, điều kiện ăn ở, cần chú ý giúp thí sinh ôn tập, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho kỳ thi.

Những thí sinh có lực học yếu, trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19, không tiếp thụ được đầy đủ kiến thức qua hình thức trực tuyến, truyền hình thì cần được tách riêng để phụ đạo đặc biệt.

"Nghiêm túc, nhưng đừng gây căng thẳng, áp lực cho thí sinh"- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh khi nói về cách tổ chức kỳ thi.


Bộ trưởng trở lại "điểm nóng"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp ở một số địa phương từng là điểm nóng gian lận thi cử 2 năm trước: Sơn La, Hà Giang.

nha

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm trường THPT Lê Hồng Phong- TP. Hà GIang - Nguồn Bộ GD-ĐT

Trao đổi với ban chỉ đạo thi tại Hà Giang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉnh Hà Giang cần rút kinh nghiệm từ các kỳ thi trước để tổ chức kỳ thi năm nay, những gì tốt cần phát huy, những gì còn hạn chế cần khắc phục. Trong đó, phải gắn trách nhiệm rõ ràng cho những người được phân công nhiệm vụ quan trọng như công tác bảo mật đề thi, bài thi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý chung các địa phương có địa bàn phức tạp cần bố trí, sắp xếp điểm thi hợp lý, tránh dàn trải gây khó khăn cho quản lý. Ông cũng nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn, hỗ trợ thí sinh ở các địa bàn khó khăn và có kịch bản ứng phó với tình huống thiên tai, mưa bão diễn ra vào thời điểm tổ chức thi.

Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để bớt hồi hộp, lo âu? Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Làm sao để bớt hồi hộp, lo âu?

TTO - Có cách nào luyện tập để giảm bớt hiệu ứng tâm lý phòng thi? 'Chiến thuật' làm bài ra sao để thi được điểm cao?

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên