02/09/2020 11:04 GMT+7

Ước vọng của những doanh nghiệp tỉ USD

TRẦN VŨ NGHI - ĐỨC THIỆN - NGỌC AN
TRẦN VŨ NGHI - ĐỨC THIỆN - NGỌC AN

TTO - Dù dịch COVID-19 khiến kinh tế khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp doanh thu tỉ USD vẫn tăng trưởng, có kế hoạch mở rộng sản xuất, xuất khẩu, làm đầu tàu giữ việc làm, tăng GDP và mang trong mình nhiều ước vọng.

Ước vọng của những doanh nghiệp tỉ USD - Ảnh 1.

Đồng diễn xếp hình Quốc kỳ Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều doanh nhân đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về con đường của họ đã đi và hướng sắp tới để cùng góp sức nhân dịp 75 năm thành lập nước.

Nỗ lực không ngừng

Được Forbes Việt Nam "định giá" hơn 2,4 tỉ USD, tương ứng trên 55.000 tỉ đồng, chiếm hơn 20% tổng giá trị của Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2020, việc Vinamilk khẳng định được vị trí doanh nghiệp dinh dưỡng duy nhất sở hữu thương hiệu "tỉ đô" của Việt Nam là cả một quá trình không ngừng nghỉ, được chính doanh nghiệp định hướng xây dựng và phát triển bằng các chiến lược linh hoạt theo từng giai đoạn, thời điểm.

"Phương châm hoạt động của tôi mấy chục năm nay là bao giờ cũng phải đi bằng hai chân. Chân ở nội địa phải vững chắc, đáp ứng nhu cầu cho người dân rồi mới tính đến chuyện vươn ra nước ngoài" - bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, chia sẻ. 

Với quan điểm này, sau hơn 20 năm vươn ra thế giới, Vinamilk đã và đang xuất khẩu đến 54 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm hết sức đa dạng đầy thế mạnh của mình.

Trong bối cảnh các hoạt động giao thương quốc tế bị ngắt quãng vì dịch COVID-19 từ đầu năm, Vinamilk vẫn nỗ lực để đưa ra ứng phó phù hợp, phát triển được nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng với giá trị xuất khẩu khá ấn tượng. 

Từ việc ký được hợp đồng xuất khẩu sữa trị giá 20 triệu USD sang Trung Đông, sau đó hoàn tất kế hoạch xuất khẩu lô sữa đặc đầu tiên sang thị trường Trung Quốc và tiến tiếp sang thị trường Hàn Quốc bằng hợp đồng ký kết 1,2 triệu USD cho sản phẩm sữa đậu nành hạt và trà sữa.

"Đi từ con số 0 đến bây giờ vừa có trang trại, làm chủ nguồn nguyên liệu và hệ thống nhà máy công nghệ hiện đại, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và gia tăng thị phần. Đến hôm nay mọi kế hoạch vẫn đang đúng tiến độ" - bà Liên bộc bạch quyết tâm nỗ lực không ngừng.

Ước vọng của những doanh nghiệp tỉ USD - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại nhà máy của Vinamilk - Ảnh: Q.MINH

Vào top 50 thế giới

Đi lên từ những cơ sở rất nhỏ, với nhiều doanh nghiệp tư nhân, quyền tự chủ, từng bước khắc phục những tồn tại và quyết tâm cạnh tranh với cả đối thủ ngoại đã giúp doanh nghiệp có sự bứt tốc tốt hơn. 

Ông Trần Tuấn Dương - tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát - chia sẻ: "Tôi và anh Long (chủ tịch Trần Đình Long - PV) từng mơ một nhà máy tỉ USD cách đây 16 năm".

Xuất phát điểm ban đầu của Hòa Phát không phải là thép, khi hai doanh nhân khởi nghiệp từ một công ty buôn bán máy xây dựng, nội thất. Những năm 2000, thép xây dựng mới xuất hiện trong danh mục sản phẩm mới. 

Nếu năm 2007 vốn chủ sở hữu từ mức hơn 3.100 tỉ đồng nay đã lên 52.580 tỉ đồng, ông Dương cho hay doanh nghiệp này sẽ bền bỉ với ngành kinh doanh cốt lõi, dám đầu tư nhiều dự án sản xuất quy mô lớn (ngay cả khi "ông lớn" là Formosa vừa vào Việt Nam với một dự án siêu lớn - PV).

Dự kiến sau khi hoàn thành dự án tại Dung Quất (Quảng Ngãi), Hòa Phát sẽ đạt 8 triệu tấn thép thô/năm vào năm 2021, đưa tập đoàn vào top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có giá trị thị trường 4 tỉ USD. Liên tục mở rộng thị trường, dù chịu tác động dịch bệnh nhưng 8 tháng đầu năm lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát vẫn vượt 17% so với cả năm 2019.

Tranh thủ dịch bệnh, tiếp tục mở rộng

Bất chấp tình hình dịch bệnh, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Công ty CP Thế giới di động - cho hay doanh nghiệp này vẫn đang gấp rút hiện thực hóa những kế hoạch tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy tới năm 2022 bằng việc ra mắt một mô hình thứ ba của Điện máy xanh, đó là các shop Điện máy xanh supermini. 

Đây là một mô hình tinh gọn 120 - 150m2, len lỏi vào khu vực nông thôn, bán các sản phẩm phù hợp với khách hàng ở khu vực này. Dự kiến tới cuối năm Điện máy xanh sẽ tăng tốc mở mới các siêu thị supermini, với khoảng 300 cửa hàng ở miền Đông và Tây Nam Bộ.

Tới năm 2022, Điện máy xanh đặt mục tiêu 1.200 cửa hàng và nâng mức doanh thu gấp 30 lần năm 2020, lên 15.000 tỉ đồng, chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường. 

Công ty cũng đang mở rộng thêm các dịch vụ liên quan khác như trả góp, chuyển tiền, thu chi hộ tiền điện nước. Khá bất ngờ, luồng doanh thu mỗi tháng từ các dịch vụ này lên đến trên 100.000 tỉ đồng, lớn hơn cả doanh thu của tập đoàn. Nhờ đó công ty có thể thu về phí hoa hồng lớn.

Trong tầm nhìn dài hạn, ông Em cho hay thị trường nước ngoài sẽ là mục tiêu được nhắc tới trên cơ sở những thử nghiệm của chuỗi bán điện máy mang tên Bluetronics tại Campuchia cho kết quả ấn tượng. Tương lai có lời đối với chuỗi Bluetronics là khá rõ ràng, khi đó ngoài Campuchia, công ty đang nhắm tới các thị trường rộng lớn hơn như Philippines, Indonesia...

PVN giờ ra sao?

Cuối tháng 8-2020, lễ ký kết thỏa thuận mua bán khí Sư Tử Trắng, lô 15-1 giai đoạn 2A được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chính thức tổ chức với các bên tham gia gồm các nhà thầu, nhà điều hành.

Bên cạnh những sai sót được biết đến gần đây, đến nay PVN vẫn là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô hàng tỉ USD, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tập đoàn dầu khí thế giới thua lỗ từ hàng chục tỉ USD do tác động của dịch COVID-19, giá dầu chỉ còn 40 USD/thùng, 7 tháng đầu năm 2020 PVN vẫn duy trì mức lợi nhuận đạt hơn 10.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến nay tập đoàn này vẫn bị bó buộc khi cơ chế tài chính công ty mẹ - tập đoàn chưa được phê duyệt, có ý nghĩa rất quan trọng như quy định của Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí hiện không còn phù hợp Luật ngân sách, quy chế tài chính công ty mẹ…

Chưa kể, với một số dự án kém hiệu quả đã ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển bền vững, cùng những thách thức đặt ra như sản lượng các mỏ khai thác suy giảm nhanh, việc tìm kiếm thăm dò gặp khó do phức tạp địa chất.

* Ông Trần Lệ Nguyên (tổng giám đốc Công ty KIDO):

Việt Nam cần thêm nhiều doanh nghiệp trên 10.000 tỉ đồng

ong nguyen kido

Tôi luôn có ao ước cần thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô trên 10.000 tỉ đồng, số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thực sự lớn và mạnh chưa nhiều, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi với một thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn, quy mô gần 100 triệu dân, doanh nghiệp tư nhân có điều kiện để vươn tới mục tiêu cao hơn.

Ngay cả bản thân KIDO từ nhiều năm trước chúng tôi cũng xác định nếu chỉ làm bánh kẹo không thôi thì cố gắng lắm cũng chỉ đạt quy mô 4.400 đến 5.000 tỉ đồng là hết. Nếu muốn đột phá phải tìm cách khác, đây chính là lý do để chúng tôi quyết định rẽ hướng, chuyển nhượng lại mảng bánh kẹo và thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang thông qua các thương vụ M&A để lấn sân những mảng kinh doanh mới, tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Đó là tín hiệu rất mừng.

Chúng ta thừa nhận vai trò đóng góp của kinh tế tư nhân, các chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này đều đã có, chỉ cần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, chính doanh nghiệp tư nhân sẽ tự phát huy được các lợi thế này.

N.BÌNH ghi

Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự báo ra sao? Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 dự báo ra sao?

TTO - Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng 4,9% so với năm 2019, trừ Vietcombank vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 10%.

TRẦN VŨ NGHI - ĐỨC THIỆN - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên