02/01/2020 07:00 GMT+7

Ước vọng sau đêm pháo hoa

NGUYÊN HẢI
NGUYÊN HẢI

TTO - Năm mới 2020 đã đến sau khoảnh khắc pháo hoa rực rỡ. Tiếp sau đó là khói bụi, là kẹt xe, chen lấn, xả rác của cuộc sống thường ngày.

Ước vọng sau đêm pháo hoa - Ảnh 1.

Người xe kẹt cứng trên đường Đồng Khởi, trung tâm TP.HCM đêm 31-12-2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chúng ta cầu chúc nhau bao điều tốt lành sao bằng cùng thay đổi, cùng chung tay vì ước vọng chất lượng sống sẽ tốt hơn!

Đến lúc chúng ta nghiêm túc lựa chọn giữa niềm vui, sự tiện dụng nhất thời và chất lượng sống dài lâu. Chúc ai đó lời hay ý đẹp chi bằng mình nên đổi thay bằng cách bớt xả thải ra không khí, bớt xả rác, vì cộng đồng ngày mai!

Bao năm rồi vẫn vậy

Từ căn hộ của mình ở trung tâm TP.HCM, tôi từng ngắm dòng xe cộ đỏ đèn bấm còi liên thanh, đông nghịt những người là người hàng tiếng đồng hồ sau khi pháo hoa tàn. Trung tâm của trung tâm TP.HCM thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới năm nào cũng ngập tràn mùi - vị - âm thanh khói bụi và xe cộ. 

Bạn tôi ở Hà Nội hài hước kể rằng mình luôn đón năm mới trộn lẫn mùi xăng xe và khói pháo hoa, nghe những bản nhạc bất hủ mình ưa thích giữa tiếng còi xe inh ỏi xen lẫn tiếng người quát tháo, tranh nhau lối đi. Hà Nội trở nên náo nhiệt như thế cứ mỗi lần chuyển giao giữa hai năm.

Đây không phải "đặc sản" của thành phố lớn. Nơi nào có bắn pháo hoa sẽ có kẹt xe, chen lấn, giá gửi xe tăng đột biến và rác ngập lối… Làm sao để thay đổi? 

Tôi còn nhớ đâu đó hình ảnh những bạn trẻ rủ nhau nhặt rác cùng anh chị em công nhân vệ sinh, có những biểu ngữ nhắc mọi người vui chơi đừng kèm rác. Nhưng những điều tốt đẹp vậy cũng nhỏ nhoi giữa rừng người xả rác. Vài lời phàn nàn về giá giữ xe "cắt cổ" rồi thôi. Tết tây rồi đến Tết ta, năm này đến năm khác, như trận triều cường thử thách khả năng thích nghi của cộng đồng.

Mong bình an từ từng hơi thở

Nhiều người ở TP.HCM nhìn thấy được bụi mù trời ngày đầu năm mới gần điểm bắn pháo hoa. Tôi mang thắc mắc này hỏi một vài người bạn ở các tỉnh thành khác nhau, nhiều người đã thấy bụi lơ lửng trong không khí. Có những đứa trẻ theo cha mẹ chen vào đám đông khi trở về nhà bị ho khan và thở khò khè. 

Phải chăng bây giờ chất lượng không khí đã kém đi, nên các triệu chứng dễ dàng được nhận diện hơn? Hay chúng ta đã nhiều năm vô tư lờ đi điều mà đã được khoa học chứng minh từ lâu?

Ai cũng muốn chứng kiến khoảnh khắc pháo hoa rực rỡ, nhiều người sẽ nghĩ mỗi năm có mấy lần vui. Nhưng thử hỏi người dân Đà Nẵng xem trong suốt thời gian tổ chức lễ hội pháo hoa ở thành phố này không khí có ngột ngạt hơn không?

Mới đây, sau những vụ cháy rừng, người dân Úc lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch bắn pháo hoa nhân dịp quốc khánh và cả năm mới của chính phủ. Với họ, khói bụi sinh ra từ những trận cháy rừng đã tác hại đến người dân và ảnh hưởng cả nước khác, không nên gây thêm ô nhiễm.

So lại thực tế chất lượng không khí tại Việt Nam, màn sương mờ mịt, bụi mịn đang thử thách sức khỏe của người dân nhiều đô thị cả nước. Sau đêm pháo hoa, chúng ta lại trở về với thực tế năm mới này, chúng ta vẫn đi dưới bầu trời ô nhiễm gia tăng, chưa có giải pháp kéo giảm.

Chúng ta chúc nhau những gì, cùng ước vọng gì trong năm mới? Mọi thành công, thăng tiến, tiền bạc… sẽ không trọn vẹn hạnh phúc khi còn đó nỗi lo mỗi hơi thở chúng ta đang bị đe dọa bởi không khí độc hại vây quanh. Riêng tôi, ước vọng lớn nhất là chất lượng sống tốt hơn cho cộng đồng, trước tiên là chuyện không khí trong lành hơn, bớt những bàn tay xả rác, đi lại an toàn, trật tự.

Đẹp và độc

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Đánh giá môi trường và nước (IDAEA-CSIC) công bố trên tạp chí Journal of Hazardous Materials cho biết, nghiên cứu về độc tính đã chỉ ra rằng khói của pháo hoa ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đặc biệt đối với những người bị hen suyễn và mắc các bệnh về tim. Khi pháo hoa được châm lửa và phóng lên trời, nó giải phóng các hạt bụi, các loại khí gây ô nhiễm môi trường như NOx, SOx... Màu sắc khác nhau và các hiệu ứng của pháo hoa được tạo ra bằng cách thêm kim loại vào thuốc súng.

Cùng với pháo hoa là rất nhiều khói và các hạt kim loại nhỏ (rất nhỏ, từ vài micron, thậm chí bé hơn) và con người hoàn toàn có thể hít phải chúng.

Nhiều nghiên cứu các nước khẳng định chuyện pháo hoa gây ô nhiễm không khí nhiều ngày sau đó. Khi xác pháo rơi xuống đất, những hạt hóa chất lẫn vào trong đất hoặc trôi ra sông và ao hồ. Khói từ pháo hoa làm tăng sự hiện diện của các hạt kim loại trên bầu trời.

Những người sống ở các thành phố có thể hít phải một lượng đáng kể khói bụi từ việc ùn tắc, khói xe và thuốc lá, lượng khói dày đặc do pháo hoa càng làm tình trạng này trầm trọng hơn.

Đường về trung tâm Sài Gòn ken đặc người trước giờ bắn pháo hoa Đường về trung tâm Sài Gòn ken đặc người trước giờ bắn pháo hoa

TTO - Tối 31-12, hàng ngàn người dân đổ về trung tâm TP.HCM để xem pháo hoa, đón giao thừa khiến cho nhiều tuyến đường kẹt cứng người.

NGUYÊN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên