18/12/2018 09:53 GMT+7

Ván cờ thế Huawei - kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Không chỉ khiến Bắc Kinh ngày càng kiên định với mục tiêu, vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei thậm chí còn dẫn tới kết quả Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải lệ thuộc nhau vào chip điện tử hay các thành phần khác.

Ván cờ thế Huawei - kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei? - Ảnh 1.

Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc do ông Trump và ông Tập dẫn đầu tại cuộc gặp ngày 1-12 ở Argentina - Ảnh: Reuters

Nhiều người Trung Quốc sẽ coi vụ bắt giữ bà Mạnh là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Trung Quốc tiếp tục sản xuất các hàng tiêu dùng giá rẻ và cản bước Trung Quốc sản xuất các sản phẩm tiên tiến, có giá trị cao.

Giáo sư WU XINBO thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc) nhận xét trong bối cảnh đã có những ý kiến kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ ở Trung Quốc

Vụ bắt giữ giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu không chỉ khiến hình ảnh và uy tín Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn có thể khiến tập đoàn này đánh mất nhiều hợp đồng lớn tại các thị trường quan trọng.

Nhưng bên trong tổng hành dinh Huawei ở Thâm Quyến, một nhóm các kỹ sư bí mật dường như không quá quan tâm tới các mối lo ngại nói trên. Những người này đang nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất: từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây tới chip máy tính với sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.

Những dự án đó không chỉ ảnh hưởng đặc biệt lớn tới tương lai của Huawei mà còn định hình cả tham vọng của Bắc Kinh.

Ông Tập muốn A, Huawei làm tới Z

Hãng tin Bloomberg đã mô tả lại một căn phòng rộng lớn được đặt tên là "Nhà Trắng" bên trong trụ sở Huawei - nơi có rất ít du khách đến tham quan.

Nhưng bên trong phòng mô phỏng - hay còn được gọi là "phòng triển lãm công nghiệp" - một tương lai "kỳ diệu" đã hiện ra, thời đại mà các công ty và chính phủ các quốc gia sử dụng AI và điện toán đám mây của Huawei để xử lý dữ liệu, thúc đẩy doanh số bán hàng, biến các thành phố trở thành một thực thể sống động có thể "nghe và nhìn được mọi thứ".

Doanh số bán các sản phẩm hỗ trợ việc kết nối mạng và thành phố thông minh của Huawei dự kiến đạt con số 10 tỉ USD trong năm 2018, chiếm 1/10 doanh thu của cả tập đoàn.

Khi gia nhập thị trường điện thoại thông minh, Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới - đã khiến giới quan sát sửng sốt khi liên tiếp vượt mặt Apple về thị phần trong đầu năm nay.

Trong quý 3-2018, Huawei tiếp tục giữ vững vị trí số hai thế giới với 14%, chỉ sau Samsung (19%). Hai năm trước đây, Huawei chỉ có 9% thị phần.

Những tham vọng của Huawei đồng bộ với chương trình nghị sự của Chính phủ Trung Quốc, trong đó nổi bật là chiến lược "Made in China 2025".

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành cường quốc đi đầu và tự chủ trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn và Huawei đang chứng tỏ tập đoàn này có thể làm được.

Ông Tập muốn Trung Quốc có dấu ấn lớn trên thị trường thế giới và Huawei đã thể hiện được điều đó với 22% thị phần toàn cầu trong ngành sản xuất thiết bị viễn thông.

Ông Tập muốn Trung Quốc đi từ sản xuất đơn giản tới ngành công nghiệp sinh lợi và đem lại lợi ích cho đất nước và Huawei chứng minh với 92,5 tỉ USD doanh thu năm 2017.

Ông Gus Richard, một nhà phân tích tại Northland Capital Markets, tin rằng vụ bắt giữ con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Huawei sẽ không thể làm chậm các tham vọng của Huawei và Trung Quốc.

Trái lại, nó sẽ khiến Bắc Kinh ngày càng kiên định với mục tiêu và dẫn tới kết quả cuối cùng là Mỹ và Trung Quốc sẽ không còn phải lệ thuộc nhau vào chip điện tử hay các thành phần khác nữa.

Ván cờ thế Huawei - kỳ 4: Vì sao Mỹ ra tay với Huawei? - Ảnh 3.

Bà Mạnh Vãn Chu rời khỏi nơi cư trú ở Canada dưới sự giám sát ngày 12-12 - Ảnh: AFP

Bất thường trong vụ bắt bà Mạnh

11h30 trưa 1-12 ở Vancouver, bà Mạnh bước xuống máy bay để tiếp tục nối chuyến tới Mexico mà không hề biết rằng sẽ bị bắt trong lúc làm thủ tục hải quan.

Đồng hồ lúc này ở Buenos Aires (Argentina) - nơi trong cùng ngày sẽ diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump - đã điểm 16h30.

17h47, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập bước vào phòng họp báo với những tuyên bố đầy kỳ vọng cho cuộc hội đàm sau gần một năm căng thẳng thương mại song phương.

Giờ ở Vancouver lúc này đã quá ngọ, cảnh sát Canada đã không mất nhiều thời gian để tìm thấy người cần tìm.

Trong lúc hai nhà lãnh đạo nâng ly ở Argentina, CFO Huawei có lẽ đã yên vị trong một nhà giam ở Canada. Hơn 20h ở Buenos Aires, lãnh đạo Mỹ - Trung kết thúc bữa ăn tối kết hợp làm việc.

Thế giới thức dậy vào ngày 2-12 với thông tin sốt dẻo: Washington và Bắc Kinh đồng ý đình chiến thương mại trong vòng 90 ngày để tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán.

Tối 5-12, tờ Globe and Mail của Canada trở thành nơi đầu tiên tiết lộ một thông tin chấn động: Mạnh Vãn Chu - con gái của nhà sáng lập Huawei - đã bị bắt tại Canada. Tin truyền nhanh như gió chẳng mấy chốc tràn ngập khắp các mặt báo thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu chính quyền Ottawa thả người ngay lập tức nếu không muốn đối mặt "hậu quả nghiêm trọng". Các phản ứng dồn dập sau đó từ Bắc Kinh khiến nhiều người có cảm giác sự việc như vừa mới xảy ra trong buổi sáng cùng ngày.

Trong cuộc họp báo ngày 10-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích Canada vi phạm thỏa thuận song phương đã ký kết, trì hoãn việc thông báo bắt giữ bà Mạnh.

Đáp trả, Canada khẳng định đã báo lãnh sự quán và đại sứ Trung Quốc tại Canada về sự việc trong cùng ngày CFO Huawei bị bắt, tức ngày 1-12.

Nhiều câu hỏi xuất hiện khi vụ việc bắt đầu tạm lắng. Tại sao thông tin chỉ bị "xì" ra bốn ngày sau khi bà Mạnh bị bắt? Điều gì đã xảy ra trong suốt bốn ngày đó?

Trình tự giờ giấc trong ngày 1-12 cũng cho thấy khả năng cao bà Mạnh đã bị bắt trước khi ông Trump gặp ông Tập. Nhà Trắng không công bố nội dung chi tiết trong cuộc gặp thượng đỉnh - một chất liệu hoàn hảo cho các thuyết âm mưu.

Trong số đó có ý kiến nói rằng tổng thống Mỹ đã cố tình chỉ đạo vụ bắt giữ CFO Huawei ngay trong ngày gặp chủ tịch Trung Quốc để "dằn mặt".

Nó hệt như cách ông Trump đã từng nói nhỏ vào tai ông Tập rằng Mỹ vừa giội gần 60 tên lửa xuống Syria ngay trong lúc cả hai đang cùng dùng bữa tối ở Florida tháng 4-2017.

Một số người Trung Quốc lại cho rằng Washington cố ý không nêu vấn đề trên tại cuộc gặp để sau tất cả các màn tung hô đình chiến, ông Tập sẽ càng rơi vào thế khó xử.

Như cố gắng dập tắt các suy đoán, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 9-12 khẳng định Tổng thống Trump không hề biết vụ bắt giữ trong lúc gặp người đồng cấp Trung Quốc và chỉ được thông báo sau đó.

Ông Kudlow không được tháp tùng ông Trump trong cuộc gặp với đoàn Trung Quốc ở Argentina. Nhưng cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thì có và như ông thừa nhận từ ngày 6-12, ông đã biết trước kế hoạch bắt CFO Huawei, theo CNBC.

Theo Hãng tin AP, Đại sứ quán Canada tại Trung Quốc đã được phép tiếp cận doanh nhân Michael Spavor trong ngày 16-12 sau khi ông này bị bắt giữ tại Trung Quốc.

Trước đó ngày 14-12, đại sứ John McCallum cũng đã gặp được nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig.

Cả hai công dân Canada, ông Michael Spavor và ông Michael Kovrig, bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ ngày 10-12.

Kỳ 5: Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Trung Quốc

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên