30/04/2018 15:00 GMT+7

Về nước khởi nghiệp cùng người Việt: trở về vì muốn sống sâu

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Tốt nghiệp ĐH Arizona (Hoa Kỳ) và đồng sáng lập nhiều công ty khởi nghiệp tại Mỹ, chàng trai 8X gốc Đà Nẵng Kevin Tùng Nguyễn quyết định trở về Việt Nam, làm lại từ đầu.

"Hai "tiền bối" mà tôi rất quý mến đã chọn trở về, họ khiến tôi suy nghĩ", Tùng giải thích về lựa chọn năm 2012.

Đau đáu nghĩ về giải pháp cho giới trẻ

Tùng từng là đồng sáng lập công ty phần mềm KSource với văn phòng chính ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) với hơn 200 kỹ sư, khoa học gia… trước khi sáng lập doanh nghiệp xã hội Ivylish, tạo công ăn việc làm cho hơn 60 nghệ nhân tại Việt Nam. 

"100% lợi nhuận của Ivylish được chúng tôi dùng để hỗ trợ cho 2 trại trẻ mồ côi tại Gò Vấp (TP.HCM) và Đà Nẵng", Tùng cho biết.

Thời điểm trở về Việt Nam, Tùng "đầu quân" vào một tập đoàn lớn với vị trí cố vấn thành viên hội đồng quản trị. Cũng lúc này, Tùng nhận ra những vấn đề ở mảng tuyển dụng nhân sự tại VN, đặc biệt ở đối tượng sinh viên, khiến cả nhà tuyển dụng lẫn lao động gặp nhiều khó khăn. 

Đây là những vấn đề mà các trang web tuyển dụng phổ thông thời điểm đó chưa đáp ứng hiệu quả, lại khá tốn kém.

Tùng sau đó quyết định "bắt tay" cùng hai người bạn (một là kỹ sư từ Google và một là chủ tịch của Gifto, ứng dụng từng gọi vốn thành công 30 triệu USD) để lập ra Jobhop, một ứng dụng dùng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, di động để giúp nhà tuyển dụng quản lí hồ sơ hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tìm đúng người phù hợp. 

"Tiện ích của Jobhop là quản lí hồ sơ ứng viên, theo dõi cả quá trình tuyển dụng, nhận xét và đánh giá, tổng hợp các thông tin tuyển dụng", Tùng chia sẻ về điểm khác biệt.

Về nước khởi nghiệp cùng người Việt: trở về vì muốn sống sâu - Ảnh 1.

Kevin Tùng Nguyễn (đứng) trao đổi công việc với các đồng nghiệp tại văn phòng Jobhop - Ảnh: C.NHẬT

Cũng trong thời gian này, nhằm để củng cố kiến thức, Tùng tham gia và hoàn thành chương trình cao học quản lý tại ĐH Stanford (Mỹ). Ứng dụng Jobhop chính thức ra đời vào giữa tháng 7-2017, hiện đạt được những "cột mốc" đáng kể: doanh thu định kì đạt 16.000 USD/tháng, tỉ lệ doanh nghiệp thử nghiệm trở thành đối tác chính thức là 80% với 4.000 công việc tìm được "chủ", doanh thu dự tính trong năm 2018 là hơn 330.000 USD, trở thành đối tác chính thức với hai tập đoàn "khủng" là En-Japan (chủ sở hữu Navigos và Vietnamworks), Getlinks.

"Tham vọng của chúng tôi là đến cuối năm 2019, Jobhop sẽ kết nối thành công với gần 1.500 doanh nghiệp lớn nhỏ và kết nối khoảng 150.000 công việc trong nước, doanh thu đạt 1,4 triệu USD", Tùng chia sẻ.

Khởi nghiệp cần tỉnh táo

Tùng cho biết, linh động thay đổi để thích nghi với đòi hỏi xã hội là một điểm quan trọng trong khởi nghiệp. Nếu như trước đây, công ty tập trung phát triển ứng dụng điện thoại thành một kênh tuyển dụng cho công ty đăng tin trong lĩnh vực dịch vụ, đối tượng nhắm đến là lao động phổ thông thì giờ Jobhop tập trung phát triển công cụ cho doanh nghiệp (đa phần là những tập đoàn lớn, có nhu cầu tuyển dụng quanh năm) cho tất cả mọi ngành. 

Doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với ứng viên (nhắc tình trạng hồ sơ, hẹn phỏng vấn…), ứng viên có những giải pháp giới thiệu bản thân hiệu quả hơn, như dùng video CV (tối đa 1 phút).

Về nước khởi nghiệp cùng người Việt: trở về vì muốn sống sâu - Ảnh 2.

Kevin Tùng Nguyễn (đứng) trao đổi công việc với các đồng nghiệp tại văn phòng Jobhop - Ảnh do nhân vật cung cấp

Khi được hỏi về lý do Jobhop từng từ chối một số lời đề nghị đầu tư từ các quỹ - một nghịch lý khi đây là điều các công ty khởi nghiệp thường nhắm đến, Tùng bộc bạch: "Một suy nghĩ khá phổ biến là startup nào phải gọi được nhiều quỹ đầu tư thì mới thành công. Suy nghĩ này hoàn toàn sai, vì theo tôi tìm hiểu có đến gần 70% startup trên thế giới từng gọi quỹ thành công nhưng vẫn chết".

Từng có nhiều trải nghiệm với khởi nghiệp, Tùng phân tích: "Vấn đề gọi vốn lúc nào, gọi bao nhiêu liên quan đến nhiều yếu tố: tốc độ phát triển thị trường, chi phí tiếp thị để kiếm khách hàng mới, biên lợi nhuận có tốt hay không… 

Trong khi đó, việc điều hành Jobhop không tốn quá nhiều chi phí (các đồng sáng lập không nhận lương, chi phí điều hành mỗi tháng chỉ khoảng 10.000 - 12.000USD)".

Ngoài ra, theo Tùng, các bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu ý một số điểm: "Khi đã gọi vốn từ quỹ, ngoài cổ phần công ty phải chia cho quỹ, công ty startup còn phải dành cho quỹ một số vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị. Điều này rất phức tạp, mất nhiều thời gian. 

Nếu không có kinh nghiệm, startup thành công giai đoạn đầu hoàn toàn có thể mất công ty vào tay quỹ. Theo tôi quan sát, các startup càng có kinh nghiệm sẽ càng trì hoãn việc trên để tập trung vào việc phát triển sản phẩm và kiếm tiền". 

Tùng thẳng thắn chia sẻ, điều quan trọng nhất với các quỹ là doanh thu thu về càng nhanh, càng nhiều thì càng tốt, trong khi điều này không đồng nghĩa startup mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng, chưa kể hướng đi có thể sẽ chệch hẳn so với mục đích ban đầu của các công ty khởi nghiệp.

"Tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định quay về quê hương năm nào. Tôi không nghĩ mình cần sống thật lâu, mà đã sống thì ít ra phải sống thật sâu. Ở Việt Nam, tôi sẽ đóng góp được nhiều giá trị hơn cho xã hội. Tôi thấy cuộc sống ở Việt Nam sâu sắc, ý nghĩa hơn từ việc đang làm lẫn từ những niềm vui bé nhỏ như ăn bánh tráng trộn, bún mắm heo quay, phá lấu…", Tùng hóm hỉnh.

chọn và đi

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"

Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.

Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.

Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.

Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.

Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.

Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...

Nữ đạo diễn Việt kiều 10 năm ở Việt Nam: "Còn yêu nhiều lắm!" Nữ đạo diễn Việt kiều 10 năm ở Việt Nam: 'Còn yêu nhiều lắm!'

TTO - Thuộc thế hệ người gốc Việt sinh ra và trưởng thành tại Mỹ, Jenni Trang Lê nói chị chưa bao giờ hối hận về quyết định trở về lập nghiệp.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên