05/04/2020 06:00 GMT+7

Vì sao họ cứ liều mình chui vào 'ổ dịch di động khổng lồ'?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Hành khách đi các du thuyền - mà nay được ví như "ổ dịch di động khổng lồ" đa phần là người lớn tuổi. Tấm vé mua trước của họ là số tiền tích góp từ rất nhiều năm nên khi không được bồi hoàn nếu hủy tour, họ đành chấp nhận "liều mình".

Vì sao họ cứ liều mình chui vào ổ dịch di động khổng lồ? - Ảnh 1.

Một hành khách đi trên du thuyền Zaandam bị nghi nhiễm virus corona được đưa tới bệnh viện sau khi tàu cập bến ở bang Florida (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Không bao lâu sau khi chiếc du thuyền sang trọng Zaandam nổi hồi còi dài chào tạm biệt Buenos Aires của đất nước Argentina xinh đẹp, anh Brian Foran - một nhân viên marketing ở New York, nhận được tin nhắn vui vẻ từ cha mẹ là hành khách trên tàu.

Mỉm cười trước hình ảnh hai ông bà đang tận hưởng những thức uống của xứ nhiệt đới trên boong nhưng trong lòng Brian vẫn tồn tại thứ cảm giác bất an khó tả.

Ngày 7-3, tức 5 ngày trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, ông bà Foran - cha và mẹ của Brian - đã có mặt ở Buenos Aires. Mọi thứ cho chuyến hải trình đi dọc Nam Mỹ, xuống cực nam của châu lục và cập bến Chile rồi trở về nhà đã đâu vào đấy từ nhiều tháng trước đó, ngoại trừ một thứ vô hình họ chưa bao giờ nghĩ tới: virus corona.

Ba tuần sau khi tàu Zaandam rời bến, 4 hành khách đã bỏ mạng trên tàu và vài chục người khác có những biểu hiện của căn bệnh đã lây nhiễm hơn 1 triệu người trên thế giới. 

Lòng Brian như lửa đốt trước những tin tức liên quan đến con tàu. Ba người thân của anh đang bị mắc kẹt trên con tàu bị gán danh "tử thần" đã bị hơn một chục nước xua đuổi.

Chuyến hải trình trong mơ đã nhanh chóng biến thành chuyến đi ác mộng của ông bà Foran và nhiều hành khách lớn tuổi khác trên tàu Zaandam. Giống như nhiều hành khách khác đi trên du thuyền, chiếc vé của ông bà đã được đặt mua cách đây nhiều năm, trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

"Có lẽ nhiều người nghĩ cha mẹ của tôi là những người chẳng màng tới thế sự và ích kỷ. Họ không phải như vậy. Họ đã cân nhắc đủ thứ thiệt hơn và liên lạc với đơn vị bán tour. Nhưng lúc đó chưa có khuyến cáo đi lại của chính phủ, hủy tour cũng đồng nghĩa sẽ mất tất cả tiền đã đóng".

Giá vé cho chuyến hải trình trong mơ của ông bà Foran là 3.500 USD/người, một con số không lớn với nhiều người nhưng là nhiều năm dành dụm lương hưu của cặp vợ chồng già.

"Ông bà đã mua chuyến đi này từ mấy năm trước rồi. Sau đó mẹ tôi đi thay hai khớp gối nên phải hoãn lại tới năm nay. Ca phẫu thuật thành công nên với hai người, chuyến đi này giống như một dịp để ăn mừng vậy".

"Tôi đã năn nỉ ông bà đừng đi giữa mùa dịch bệnh như vầy. Lúc đó tình hình ở Nam Mỹ còn ổn, chưa có nhiều ca bệnh như bây giờ và phía công ty cũng chẳng đưa ra khuyến cáo gì. Cha mẹ đã không nghe lời tôi khuyên. Nhưng giờ tôi chẳng muốn trách họ. Tôi chỉ muốn ông bà về New Jersey bình yên và khỏe mạnh", Brian tâm sự với trang Business Insider.

Vì sao họ cứ liều mình chui vào ổ dịch di động khổng lồ? - Ảnh 2.

Du thuyền Zaandam được du thuyền Rotterdam đến giải cứu và tiếp tế sau khi Chile, điểm cập bến dự kiến ban đầu, cấm tàu cập bến vì có người nhiễm bệnh - Ảnh: REUTERS

Những lời tâm sự của Brian có lẽ cũng là lời của nhiều người khác muốn nói hộ cho người thân mình khi họ bị dư luận ném đá. "Đám ngu dốt, ích kỷ đó đáng bị như vậy", một người dùng Twitter nói thẳng. Một người khác lập tức hùa theo và những từ ngữ nặng nề hơn tiếp tục tuôn ra.

Những người trung lập hơn thì cho rằng không nên trách cứ, bởi các diễn biến quá nhanh của đại dịch đã khiến nhiều thứ từ bình thường thành bất thường, từ đúng thành sai chỉ trong chớp mắt.

Chẳng hạn khi cha mẹ Brian bay đến Argentina, chưa có bang nào ở Mỹ ban bố lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Mãi đến ngày 19-3, California mới trở thành bang đầu tiên ở Mỹ yêu cầu người dân ở nhà để chống dịch.

Cha mẹ của Brian có lẽ là những người may mắn. Tổng thống Donald Trump đã can thiệp và yêu cầu Florida cho du thuyền Zaandam cập bến ngày 2-4, chấm dứt 4 tuần lênh đênh vô định của con tàu.

Vì sao họ cứ liều mình chui vào ổ dịch di động khổng lồ? - Ảnh 3.

Một cặp đôi đi trên tàu Zaandam cầu cứu khi bị "giam lỏng" bên trong cabin - Ảnh: REUTERS

Tại sao số ca nhiễm corona ở Mỹ tăng khủng? Tại sao số ca nhiễm corona ở Mỹ tăng khủng?

TTO - Ngày 29-2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do COVID-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở hàng chục, theo kênh CNBC. Nhưng đến ngày 24-3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng vọt lên hơn 46.000 ca, tức tăng gấp 718 lần chỉ trong khoảng 25 ngày.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên