19/06/2022 13:43 GMT+7

Vì sao tiền ảo lao dốc không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Dù hơn 2.000 tỉ USD đã bị "bốc hơi" khỏi thị trường các đồng tiền mã hóa (tiền ảo) trong vài tháng qua, các chuyên gia vẫn tin rằng nó không gây ra tác động lớn đến nền kinh tế. Vì sao vậy?

Vì sao tiền ảo lao dốc không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế? - Ảnh 1.

Ngày 19-6, giá bitcoin là 18.475 USD, giảm 32,59% trong vòng 7 ngày qua - Ảnh: REUTERS

Sự hỗn loạn của thị trường tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư hoảng sợ bán tháo, qua đó làm "bốc hơi" đã quét sạch hơn 2.000 tỉ USD giá trị của các đồng tiền này chỉ trong vài tháng qua.

Đài CNBC nhận định, cuộc khủng hoảng trong thị trường tiền mã hóa sẽ không giảm, trong bối cảnh giá các đồng tiền ảo giảm mạnh, các công ty sa thải nhân viên hàng loạt và một số tên tuổi lớn trong ngành đã lụn bại.

Cuộc khủng hoảng đột ngột này làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể kích hoạt một cuộc suy thoái rộng lớn hơn đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chủ ngân hàng nói với CNBC rằng họ không lo lắng về tác động trực tiếp của khủng hoảng tiền mã hóa đến nền kinh tế, vì các đồng tiền này không được dùng để thế chấp vay nợ trong đời thực.

Joshua Gans, nhà kinh tế tại Đại học Toronto, Canada, cho biết: "Mọi người không thực sự sử dụng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp để vay nợ trong thế giới thực. Do đó, cuộc khủng hoảng tiền mã hóa chỉ gây ra rất nhiều thiệt hại về giấy tờ. Còn trong danh sách các rủi ro với nền kinh tế, rủi ro do tiền mã hóa ở mức thấp".

Với hầu hết các loại tài sản truyền thống, nhờ giá trị của chúng​​ ổn định tương đối trong một khoảng thời gian, chúng có thể được sử dụng để thế chấp vay tiền.

Nhưng với tiền mã hóa, do giá trị của chúng biến động quá lớn, chúng không được dùng để mua tài sản trong thế giới thực.

Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ hiếm hoi như trường hợp Công ty MicroStrategy đã thực hiện một khoản vay trị giá 205 triệu USD kỳ hạn 3 năm, thế chấp bằng 19.466 bitcoin, vào tháng 3-2022 với Ngân hàng tiền số Silvergate.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Morgan Stanley, việc cho vay tiền mã hóa hầu hết đều diễn ra giữa các cá nhân hoặc công ty trong cộng đồng đầu tư vào tiền mã hóa.

Do đó, rủi ro lan tỏa từ sự mất giá của tiền mã hóa với hệ thống ngân hàng truyền thống, giao dịch chủ yếu bằng đồng USD "có thể hạn chế".

Với người lao động, làm công ăn lương ở Mỹ, họ cũng không nắm nhiều tiền mã hóa.

Theo Goldman Sachs, tỉ lệ sở hữu tiền mã hóa trong các hộ gia đình ở Mỹ không cao, chỉ 0,3% so với 33% hộ có chơi cổ phiếu, nên ảnh hưởng của việc tiền mã hóa mất giá là không lớn nếu so với ảnh hưởng của sập thị trường chứng khoán. Số người nắm tiền mã hóa thực chất phân phối rải rác trên toàn cầu.

Một số nhà phân tích ở Phố Wall thậm chí còn tin rằng sự sụp đổ của các dự án tiền mã hóa là điều tốt vì nó giúp "loại bỏ" những lỗ hổng rõ ràng trong mô hình này.

Ngày 19-6, giá bitcoin, đồng tiền có giá trị lớn nhất trong các đồng tiền mã hóa, là 18.475 USD, giảm 32,59% trong vòng 7 ngày qua.

Tiền ảo và chứng khoán lao dốc trong căng thẳng Nga-Ukraine Tiền ảo và chứng khoán lao dốc trong căng thẳng Nga-Ukraine

TTO - Các rủi ro liên quan tới căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine làm chao đảo cả thị trường chứng khoán lẫn tiền ảo. Giá Bitcoin đã có lúc lao xuống mức dưới 43.000 USD/btc trong ngày 11-2.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên