27/03/2019 23:07 GMT+7

Vì sao trang thương mại điện tử robins.vn đóng cửa?

HOÀNG PHI
HOÀNG PHI

TTO - Central Group cho Tuổi Trẻ Online biết đã dừng trang web bán hàng robins.vn và lý do là "xuất phát từ chiến lược tái cấu trúc để thúc đẩy hơn nữa sức tăng trưởng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường Việt Nam".

Vì sao trang thương mại điện tử robins.vn đóng cửa? - Ảnh 1.

Fanpage của website Robins Online tuyên bố đóng cửa

Central Group, tập đoàn Thái Lan sở hữu chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam, cho biết trang robins.vn  có quyết định đóng cửa từ cuối tháng 3 - 2019, tuy nhiên website này vẫn duy trì để phục vụ cho các dự án của CGV trong tương lai.

Không giải thích chiến lược tái cấu trúc cụ thể như thế nào, nhưng Central Group cho biết "sẽ sớm quay lại" với những mô hình bán hàng trực tuyến khác.

Công ty này cũng xác nhận rằng hệ thống các chuỗi cửa hàng thương mại của Robins tại 2 trung tâm thương mại Cresent Mall ở TP.HCM và Royal City tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường.

Thông tin robins.vn đóng cửa gây xôn xao trong cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử khi mà hồi tháng 11 năm ngoái, website bán hàng thuộc Thế Giới Di Động là vuivui.vn cũng tuyên bố kết thúc sứ mệnh của mình.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam, dù được đánh giá là vẫn còn sơ khai, nhưng với tốc độ phát triển lên tới 20-30% mỗi năm, đang là cuộc chơi "đốt tiền" của các đại gia như Shopee từ Singapore, Lazada thuộc Alibaba của Trung Quốc…

Năm 2018, Shoppee nhận thêm 51 triệu USD từ công ty mẹ trong khi Sendo cũng nhận được khoản đầu tư hơn 50 triệu USD trong năm 2018.

Tiki, công ty Việt Nam khởi nghiệp từ bán sách trực tuyến là tiki (tiki.vn) trước đó cũng đã nhận được hơn 40 triệu USD từ nhà bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc.

Trong khi đó, website vuivui.com của Thế Giới Di Động đã lặng lẽ đóng cửa vì không trụ nổi trong cuộc chiến khốc liệt này.

Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới của tỉ phú Jeff Bezos cũng đánh tiếng sẽ tham gia thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Mới đây, tại Singapore, ông Pierre Poignant - Tổng giám đốc tập đoàn Lazada, cho biết, công ty này đang hướng đến việc trở thành một siêu doanh nghiệp điện tử, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 300 triệu khách hàng, tạo ra hơn 20 triệu công việc cho hệ sinh thái thương mại điện tử trong khu vực, với sự tham gia của khoảng 8 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp startup.

Kể từ khi Lazada về tay Alibaba, một cuộc "thay máu" từ công nghệ đến nhân sự đã diễn ra tại Lazada, cùng với đó là khoản đầu tư dồi dào lên tới khoảng 4 tỉ USD.

Theo ông Pierre Poignant, trong thời gian tới hãng này sẽ tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng như logistics và vấn đề thanh toán. Hãng này hiện có 31 nhà kho tại Đông Nam Á và chỉ trong một ngày đã vận chuyển được 1 triệu kiện hàng.

HOÀNG PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên