08/12/2019 12:27 GMT+7

Vì sao vợ được ví là ‘cơm’, còn bồ là ‘phở’?

NGỌC HIỂN - N.BÌNH
NGỌC HIỂN - N.BÌNH

TTO - Phở luôn ăn nóng mới ngon, hấp dẫn trong khi cơm có khi ăn nóng nhưng cũng lắm khi ăn nguội, phở còn đắt hơn cơm… Có phải vì thế mà phở được gọi là ‘bồ’?

Vì sao vợ được ví là ‘cơm’, còn bồ là ‘phở’? - Ảnh 1.

Thực khách xếp hàng chờ ăn phở tại các gian hàng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều nơi trên thế giới mạo danh... phở

Giáo sư, tiến sĩ Lưu Duẩn đã đưa ra ví von dí dỏm về câu chuyện dân gian thường nói về cơm và phở ẩn ý ám chỉ vợ và bồ dưới góc nhìn ẩm thực tại buổi tọa đàm "Để hương phở bay xa" vào sáng 8-12 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với  tổ chức trong khuôn khổ Gala Ngày của phở 2019.

Theo ông Duẩn, xét về tiêu chí dinh dưỡng thì "cơm no hơn phở, ăn cơm an toàn hơn ăn phở", nhưng về hương vị thì "phở nhiều màu sắc hơn, hương vị có thể thay đổi được so với cơm chỉ màu trắng tinh". 

Bên cạnh đó, phở luôn ăn nóng mới ngon, hấp dẫn trong khi cơm có khi ăn nóng nhưng cũng lắm khi ăn nguội. Xét về góc độ kinh tế, phở đắt hơn cơm và về góc độ văn hóa thì ăn cơm lại bền hơn ăn phở. Do đó, giáo sư Duẩn cho rằng đây là cách ví von dân gian song rất hợp lý, hợp tình để tạo nên giá trị của của phở.

Giáo sư Lưu Duẩn kể rằng mỗi khi đi nước ngoài, ông rất tò mò đến các cửa hàng phở ở nước ngoài để nếm trải phở. Tuy nhiên, ông Duẩn cho rằng tuy là "phở nhưng không phải là phở", bởi có nhiều nơi mạo nhận phở Việt nhưng mùi vị, cách thức chế biến, trang trí… không thể gọi là phở.

Do đó, giáo sư Lưu Duẩn cho rằng để là phở đúng của người Việt thì phải có bánh phở, làm từ bột gạo mà không phải sợi bún, sợi mì như nhiều nơi vẫn bày bán. 

Vì sao vợ được ví là ‘cơm’, còn bồ là ‘phở’? - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đánh giá về giá trị dinh dưỡng của phở, giáo sư Duẩn cho rằng phở có quá nhiều giá trị, đầy đủ chất đạm, béo, vitamin… và khẳng định việc quảng bá phở Việt ra nước ngoài thì điều tiên quyết phải "định vị" sản phẩm nào là phở để tránh sự mạo nhận về phở. 

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực phẩm TP.HCM, cho rằng cho rằng trên thế giới nếu nhắc đến phở là nghĩ ngay đến Việt Nam và phở đã là đặc sản mang tính "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam. 

Ông Lê Tân - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, cho rằng trong văn hóa ẩm thực, nếu thực khách trên thế giới ăn phở nhưng không biết ẩm thực này xuất phát từ đâu, hồn cốt của phở thế nào thì thực khách sẽ không mặn mà. 

Do đó, ông Tân cho rằng dù đã "bay cao, bay xa" nhưng cần phải quảng bá phở mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới để giúp cho thực khách "không những ăn phở mà phải nói về phở, không chỉ nói về phở mà phải kinh doanh về phở trên thế giới". 

Sự kiện Ngày của phở báo Tuổi Trẻ tổ chức 3 năm qua cùng Công ty CP Acecook Việt Nam, theo ông Tân, "là nỗ lực tuyệt vời để quảng bá phở", đồng thời đề xuất thực hiện con đường phở trong Ngày của phở tiếp theo để tổ chức ở Nguyễn Huệ, thực khách được ăn phở miễn phí.

Vì sao vợ được ví là ‘cơm’, còn bồ là ‘phở’? - Ảnh 3.

Từ sáng sớm, nhiều khách hàng để dành ngày cuối tuần đến Ngày của phở để cùng thưởng thức, quảng bá cho món ăn ngon, lành - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhà báo Cao Huy Thọ cho rằng mang phở ra thế giới là sứ mệnh mà báo Tuổi Trẻ sẽ cùng góp sức, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng nhận các góp ý, các hiến kế của người Việt khắp thế giới để giúp phở Việt bay xa.

Từ phía khán đài tham dự, chia sẻ câu chuyện đưa hương vị phở bay xa, ông Huỳnh Thu, giảng viên ĐH Bách khoa, cho rằng khi phát triển phở Việt hôm nay cần hiểu thêm lịch sử của phở Việt, từ những bát phở không người lái đến việc giữ gìn những tô phở truyền thống và phát triển để có được những hương vị khác nhau, đầy đủ như hiện nay. 

"Chúng tôi vẫn thường nói "Phở Việt kiều", đó là phở hòa quyện giữa Bắc, Nam và sự hài hòa, gia giảm vị phở theo cách ăn của người nước ngoài. Phở Việt kiều vẫn giữ được hương vị truyền thống của phở nhưng là sự điều chỉnh tuân theo chuẩn mực quốc tế, điều này sẽ giúp phở bay xa", ông Thu nói thêm về chuyện muốn đưa phở ra nước ngoài thì cũng phải "biết người, biết ta".

Những khán giả tham gia tọa đàm cũng đặt những bài toán khác khác cho ban tổ chức như làm sao để phở phổ biến hơn trong đời sống Việt Nam thông qua sáng kiến tổ chức Phở học đường. Đưa phở vào học đường, giúp các em học sinh được thưởng thức những tô phở ngon, đúng hương vị truyền thống, từ đó yêu thích món ăn này và cùng xây dựng giá trị phở cho tương lai.

Vì sao vợ được ví là ‘cơm’, còn bồ là ‘phở’? - Ảnh 4.

Khách mời hưởng ứng các trò chơi trong chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

NGỌC HIỂN - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên