09/08/2019 10:56 GMT+7

Việt Nam thành nước phát triển, nếu...

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Chuyển đổi số là cơ hội để VN trở thành nước phát triển. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra khả năng trên nhưng nhấn mạnh cần "một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự"...

Việt Nam thành nước phát triển, nếu... - Ảnh 1.

Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số được trưng bày trong ICT Summit 2019 ngày 8-8 - ẢNH: T.HÀ

Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì VN sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Bộ trưởng NGUYỄN MẠNH HÙNG

Nhiều tiện ích và cơ hội từ chuyển đổi số đã được chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin truyền thông VN (ICT Summit 2019) ngày 8-8.

Người dân được ngồi nhà ký hợp đồng

Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho hay với nhu cầu phát triển hệ thống điện mặt trời, mỗi nhà dân có thể trở thành "một nhà máy điện ảo". "Chúng tôi sẽ quản lý hệ thống này bằng công nghệ" - ông Lâm nói.

Theo các tham luận ở ICT Summit 2019, "chuyển đổi số" không còn là công việc của riêng các doanh nghiệp công nghệ mà đang thực sự có mặt trong mọi lĩnh vực, mỗi người dân đều có thể tham gia và hưởng lợi.

Theo ông Võ Quang Lâm, từ năm 2018, EVN đã cung cấp dịch vụ công lên mức độ 4, mức độ cao nhất. Đến nay, người dân ở những địa phương xa xôi nhất như Cà Mau, Hà Giang cũng có thể thanh toán được tiền điện qua các ứng dụng thay vì phải ra ngân hàng. 

"Từ tháng 7-2019, chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp hợp đồng điện tử cho toàn bộ khách hàng ngành điện. Người dân có thể đăng ký hợp đồng điện qua thiết bị di động mà không cần bất cứ hồ sơ giấy tờ nào khác" - ông Lâm nói.

Ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng khẳng định trong lộ trình chuyển đổi số, hệ thống cung cấp dịch vụ mạng Wi-Fi trên các chuyến bay của hãng mua về đã được Bộ Công an và Cục Hàng không cấp phép. "Sắp tới, chúng tôi sẽ khai trương mạng Wi-Fi trên 4 máy bay đầu tiên, sau đó là 20 máy bay khác".

Việt Nam thành nước phát triển, nếu... - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Liên minh chuyển đổi số  để giảm chi phí đầu tư

Ông Dương Trí Thành cho rằng thời gian qua doanh nghiệp Việt phải dùng nhiều giải pháp ngoại giá cao và bày tỏ mong muốn qua việc các doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia Liên minh Chuyển đổi số sẽ cùng nhau xây dựng sản phẩm, tạo ra những giá trị mới cho các doanh nghiệp Việt.

Đánh giá mục tiêu sẽ lọt vào top 40 thế giới, top 4 trong ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu của đề án chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Văn Khoa, tổng giám đốc Tập đoàn FPT, nhìn nhận đây là một mục tiêu đầy tham vọng. 

Từ kinh nghiệm thực tế triển khai chuyển đổi số trong nội bộ từ ba năm qua của FPT, ông Khoa cho hay FPT đã đúc kết và đưa ra phương pháp luận giúp chuyển đổi số đơn giản, hiệu quả, không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. FPT sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các doanh nghiệp ICT là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số tại VN. Do đó phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số.

"Để làm được điều này, một trong những giải pháp quan trọng nhất là VN cần cải cách thể chế và đề ra chính sách thu hút nhân tài toàn cầu..." - bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhấn mạnh.

Không truyền thống, không tuần tự

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, chủ tịch VINASA, cho rằng: "Mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một "điểm đột phá" để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số". Ông Bình cho rằng câu chuyện về quyết tâm xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn là một ví dụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra đề xuất để chuyển đổi số nhanh hơn, đó là "chúng ta sẽ tạo ra các platform (nền tảng) số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng". 

"Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì VN sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận - Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất, mà cái cần chính là thay đổi tư duy".

"Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận" - người đứng đầu lĩnh vực thông tin và truyền thông nhìn nhận.

Ông Hùng cũng cho rằng chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số như: đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số... Đây sẽ vừa là nhà nước đi đầu, vừa là kiến tạo thị trường cho các doanh nghiệp Việt phát triển.

Sẽ phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số

Thứ nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT.

Theo ông Hùng, cần có "khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ".

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm, chuyển đổi từ việc chủ yếu làm gia công sang phát triển sản phẩm, trọng tâm là các platform chuyển đổi số.

Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp tư vấn và chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Cuối cùng, đó là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh đột phá.

Phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT để đẩy nhanh chuyển đổi số Phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT để đẩy nhanh chuyển đổi số

TTO - Phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp thuộc bốn loại doanh nghiệp công nghệ số. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận về chuyển đổi số.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên