04/10/2003 10:30 GMT+7

Vietkey Linux chỉ là một phiên bản được địa phương hóa

<FONT face=Arial size=2>N.T</FONT>
N.T

Tôi xin khẳng định Vietkey Linux là một Linux Distro được chính nhóm Vietkey phát triển tại Việt Nam, nhưng sẽ thiếu chính xác khi cho rằng Vietkey Linux là một hệ điều hành sản xuất tại Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này chúng ta hãy tìm hiểu khái niệm Linux cũng như lịch sử của hệ điều hành này.

Nguyễn Đại Quý, trưởng nhóm Vietlug:

* Theo anh, Vietkey Linux co phải là một hệ điều hành made in Việt Nam hay chỉ đơn thuần là một Linux distro ?

Theo tài liệu Linux FAQ của dự án TLDP (The Linux Document Project, http://www.tldp.org/FAQ/Linux-FAQ/), từ "Linux" thường được hiểu theo ba nghĩa bề ngoài thì khá giống nhau nhưng bản chất thì rất khác biệt, và chỉ có những chuyên gia Linux nhiều năm kinh nghiệm mới biết tường tận sự khác biệt này.

Thứ nhất, từ "Linux" được hiểu là phần lõi (kernel) của tất cả hệ thống sử dụng Linux. Phần lõi này quản lí phần cứng, điều khiển các tiến trình trong hệ thống và mang đầy đủ các tính năng, kiến trúc của một hệ điều hành hiện đại, ví dụ như: xử lý song song, bộ nhớ ảo, thư viện liên kết động, quản lí hệ thống mạng thông qua giao thức TCPIP...

Thứ hai, từ "Linux" thường được mọi người hiểu như là "hệ điều hành Linux". Một hệ điều hành bao gồm phần lõi và nhiều chương trình khác mà người sử dụng thêm vào để phục vụ cho công việc của mình.

Và cuối cùng, những công ty phần mềm (đôi khi là những nhóm lập trình viên tự nguyện) thêm vào rất nhiều ứng dụng khác như hệ thống X Window Xfree86, Gnome, KDE, trò chơi và rất nhiều phần mềm khác. Sự kết hợp các phần mềm dựa trên nền tảng hệ điều hành Linux này được gọi là Linux distribution, còn gọi là Linux Distro.

Do đó, Vietkey Linux cũng như hàng nghìn các distro khác trên thế giới chỉ là một phiên bản, bản phân phối (distribution) của một Hệ Điều Hành duy nhất là Linux đã được địa phương hóa (localization), tức là được Việt hóa.

Nếu ai vẫn khăng khăng VietKey Linux là hệ điều hành made in VN thì chúng ta hãy nhìn xem nó là cái gì ?

Sau khi cài bản VK Linux 3.0 thì tôi thấy 90% phần mềm trên đĩa là do lập trình viên nước ngoài viết. Ngay cả cái giao diện cài đặt là anaconda của Red Hat. Vâng, nhóm VietKey đã sửa đổi lại anaconda để chương trình hiển thị tiếng Việt và thêm phần quảng cáo cho VietKey Group trong lúc cài đặt. Nhưng nhóm VietKey đã không viết anaconda từ scratch (viết từ đầu) mà lấy của Red Hat rồi sửa đổi lại. Bản Mozilla và OpenOffice có phải do nhóm VietKey viết không? Thưa không. Nhóm VietKey chỉ dịch sang tiếng Việt thôi. Thế thì trên đĩa VietKey có cái phần mềm nào là hoàn toàn do nhóm VietKey viết không? Thưa không !

Mặc dù có một gói tên là vkconfig. Nhưng thực chất trong gói này là những icons của KDE, themes (Bluecurve của Red Hat), locales files (những tập tin đã được dịch lại sang tiếng Việt từ những phần mềm viết sẵn của lập trình viên trên toàn thế giới) ...v...v.. Vì sao tôi biết được điều này ? Bạn có thể chạy lệnh "rpm -ql vkconfig" trên máy VietKey Linux thì sẽ thấy. Chỉ có phần mềm duy nhất được viết bởi lập trình viên người Vietnam 100% là xvnkb của bạn Đào Hải Lâm (Đào Hải Lâm nói gì ?). Tất cả những phần mềm để điều chỉnh network, bàn phím, mouse, sound card, người dùng, dịch vụ, phần mềm, máy in là sử dụng các gói của Red Hat.

* Theo nhóm Vietkey, Vietkey Linux có kiến trúc khác và nhỏ gọn hơn hẳn so với RedHat 9.0, thậm chí còn có nhiều thành phần mới hơn, ngoài ra giá lại rẻ hơn rất nhiều ? Anh có ý kiến gì vế vấn đề này ?

Theo tôi được biết, hầu hết các Linux Distro trên thế giới đều theo chuẩn của RedHat. Việc chuẩn hóa như vậy đem đến rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, họ có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các distro khác nhau, vì vậy nếu Vietkey Linux của chúng ta có "kiến trúc khác so với RedHat" thì phải chăng chúng ta đang đi ngược lại xu hướng của thế giới ?

Đồng ý VietKey Linux nhỏ gọn hơn Red Hat 9. Chỉ đơn giản là Red Hat 9 có nhiều phần mềm hơn VietKey Linux. Về giá tiền thì dĩ nhiên VietKey Linux rẻ hơn. Đó là việc không thể so sánh giữa thị trường nước ngoài và thị trường VN. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý một điều, sở dĩ giá thành của RedHat Linux cao là do dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ rất tốt. Khi đã mua sản phẩm chính thức của RedHat, bạn sẽ được cung cấp sách vở, tài liệu miễn phí, được hỗ trợ kĩ thuật 24/7, cập nhật các tính năng cũng như sửa chữa lỗi bảo mật nhanh chóng.

Trong cộng đồng mã nguồn mở có một luật "ngầm" theo kiểu "có qua có lại": khi anh đã sử dụng mã nguồn mở miễn phí, anh phải có nhiệm vụ đóng góp chất xám của mình vào cộng đồng. Sự đóng góp của RedHat vào mã nguồn mở là hết sức quan trọng, tiêu biểu là công cụ RPM (RedHat Package Management) được rất nhiều Linux distro khác, kể cả Vietkey Linux sử dụng trong hệ thống của mình. Vậy Vietkey Linux đã đóng góp gì vào cộng đồng mã nguồn mở ? Hơn nữa, Redhat còn cung cấp công cụ cập nhật (up2date) đi kèm với sản phẩm của mình, chỉ cần chạy up2date, với một đường truyền tốt, bạn sẽ được cập nhật các miếng vá cũng như các tính năng sản phẩm mới.

Vì vậy không thể nói là hệ điều hành RedHat là cũ hơn so với Vietkey Linux, người sử dụng RedHat chỉ cần chạy một lệnh hoặc chỉ cần một lần nhấp chuột là có thể cập nhật tất cả phần mềm mới một cách miễn phí. Trong khi đó, người sử dụng Vietkey Linux muốn cập nhật thì phải đợi nhóm Vietkey cho ra đời phiên bản mới.

* Nhóm Vietkey cho rằng tuy họ không tự làm ra hoàn toàn các vật liệu xây dựng ngôi nhà Hệ Điều Hành, nhưng họ sẽ giữ bản quyền bản thiết kế, kiến trúc, hình thể của toàn bộ ngôi nhà đó cũng như thương hiệu của chính ngôi nhà. Ý kiến của anh như thế nào về vấn đề này ?

Kiến trúc của một hệ điều hành chính là cách hệ điều hành đó quản lí phần cứng, bộ nhớ, phân quyền, quản lí hệ thống file...Kiến trúc này đã được thiết kế rất hoàn chỉnh trong lõi của Linux. Sự khác biệt giữa các distro chính là cách thức trình bày, sắp xếp dựa trên nền tảng kiến trúc sẵn có của Linux. Không ai giữ bản quyền kiến trúc của Linux bởi vì nó là chất xám của hàng triệu hacker thực thụ trên thế giới hơn 11 năm qua. Khi nói đến kiến trúc của một ngôi nhà, người ta cũng chỉ nói ngôi nhà này có kiến trúc Pháp, kiến trúc Việt Nam...chứ không ai nói ngôi nhà này có kiến trúc của ông A, ông B nào đó.

Nói về vấn đề bản quyền, tôi xin khẳng định Vietkey sở hữu thương hiệu Vietkey Linux, giữ bản quyền những gì nhóm này tự phát triển từ đầu (build from scratch) cũng như cách thức họ trình bày, sắp xếp sản phẩm của mình. Ngoài ra, nếu nhóm Vietkey tự phát minh ra một kiến trúc hệ điều hành mới thì kiến trúc này thuộc quyền sở hữu của nhóm Vietkey. Trong bài báo của mình tôi không hề phủ nhận điều này.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là luật bản quyền GPL qui định rõ ràng: khi sử dụng chương trình tuân theo GPL để phát triển sản phẩm của mình thì sản phẩm làm ra đó phải tuân thủ theo GPL. Nhóm Vietkey có quyền không mở mã nguồn của các phần mềm do chính họ viết cũng như Vietkey có quyền giữ riêng các cách thiết kế và kiến trúc mới mẻ của mình, nhưng Vietkey phải trả lại những gì họ đã vay mượn của cộng đồng mã nguồn mở khi xây dựng Vietkey Linux. Nếu nhóm Vietkey không công bố mã nguồn những thành phần GPL mà nhóm này sử dụng thì cũng không ai kiện họ, đơn giản là Vietkey Linux sẽ bị tẩy chay trong cộng đồng người sử dụng Linux ở Việt Nam và thế giới.

*Có ý kiến cho rằng nhóm Vietkey xây dựng Vietkey Linux dựa trên lõi Linux cũng tương tự như công ty FPT xây dựng Elead dựa trên chip Intel, do đó nếu Elead được xem là máy tính sản xuất tại Việt Nam thì Vietkey Linux cũng có thể được xem là hệ diều hành sản xuất tại Việt Nam. Anh suy nghĩ như thế nào về vấn đề này ?

Việc so sánh giữa lõi Linux và chip Intel thoạt qua thì có vẻ hợp lý nhưng kì thực chúng rất khác nhau. Sự khác biệt lớn nhất đó là lõi Linux hoàn toàn miễn phí và được phát triển tự nguyện bởi rất nhiều lập trình viên trên thế giới. Trong khi đó kiến trúc Chip Intel là một hệ thống đóng (proprietary system), do chính Intel đầu tư tiền bạc và chất xám để xây dựng nên. Intel giữ bản quyền kiến trúc chip Intel của hãng này, không một ai trên thế giới có thể thay đổi, sửa chữa những kiến trúc này để rồi bán ra ngoài. Chỉ có duy nhất một kiến trúc Chip Intel thuộc sở hữu của hãng Intel mà thôi. Elead, CMS sử dụng Chip Intel để xây dựng lên máy tính của mình, nhưng họ cũng chỉ là đại lý bán lẻ của Intel, họ không hề có quyền tiếp cận và sửa chữa kiến trúc Chip Intel. Trong khi Linux, bắt nguồn từ lõi (kernel), ai cũng có quyền đem ra chế biến lại thành một distro của riêng mình, miễn là tôn trọng bản quyền, rồi từ đó đặt nhãn hiệu cho distro của mình. Đây chính là chức năng đa dạng của mã nguồn mở.

*Xin cám ơn anh.

N.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên