09/07/2020 10:40 GMT+7

Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần 'đò'

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Vịnh Hạ Long (thuộc Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) cùng nằm trên vùng biển nhưng khách tham quan không thể đi một tour hai vịnh.

Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần đò - Ảnh 1.

Tàu du lịch hoạt động trên vịnh Lan Hạ, Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Muốn tham quan vịnh Hạ Long, phải đến Quảng Ninh, còn tham quan vịnh Lan Hạ phải đến Hải Phòng khiến du khách thêm tốn kém, mất sức.

Tàu du lịch của hai địa phương vẫn chưa thể "xuôi chèo" qua lại hai vịnh này. Đến bao giờ hai tỉnh thành này mới có thể ngồi lại với nhau, cùng hợp tác để thôi làm phiền du khách?

“Tình trạng “ngăn sông cấm chợ” giữa vịnh Lan Hạ và Hạ Long diễn ra từ trước năm 2014. Mặc định lâu nay là sự “phân vùng” du lịch mà các đơn vị lữ hành buộc phải chấp hành.

Chị Nguyễn Thị Bình (hướng dẫn viên du lịch)

Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần đò - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đã đi Lan Hạ, không được đến Hạ Long và ngược lại...!

Ông Nguyễn Tiến Tùng - giám đốc Công ty TNHH du lịch khám phá Cát Bà (Hải Phòng) - cho biết nhiều doanh nghiệp có tàu du lịch hoạt động trên vịnh Lan Hạ đã rất nhiều lần kiến nghị và báo chí cũng đã phản ánh, nhưng đến nay tình trạng "ngăn sông cấm chợ" giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long vẫn tồn tại.

Khách du lịch từ vịnh Hạ Long muốn tham quan cả vịnh Lan Hạ nhưng không thể xuôi chèo đi tới vì vịnh Lan Hạ thuộc địa bàn Hải Phòng. 

"Tôi không hiểu tại sao cả hai vịnh đều là của Việt Nam nhưng lại bị ngăn cấm qua lại dù tàu của chúng tôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật. Làm du lịch đòi hỏi sự kết nối liên thông với nhau nhưng nhiều năm nay hai tuyến vịnh này lại chưa làm được" - ông Tùng nêu.

Anh Phạm Minh Toàn (31 tuổi, du khách quê Thái Bình) cho biết tranh thủ các chương trình kích cầu du lịch ở nhiều địa phương hiện nay, vừa qua anh đưa gia đình đi khám phá vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ nhưng sau đó phải bỏ tour đi vịnh Lan Hạ vì thấy tốn kém chi phí đi lại lẫn thời gian. 

"Ban đầu tôi cứ nghĩ hai vịnh nằm sát nhau như thế thì tàu có thể thông thương qua lại nhưng chủ tàu cho biết không thể đi được. Nếu vi phạm mà bị phát hiện là bị phạt nặng" - anh Toàn chia sẻ.

Thực tế hiện nay du khách từ vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) muốn sang Hạ Long sẽ phải đi tuyến tàu cố định từ Gia Luận, đặt chân lên Tuần Châu (Quảng Ninh) rồi từ đây mới có thể tham quan vịnh Hạ Long. 

Cũng có cách khác là đi bằng đường bộ từ Hải Phòng qua cầu Bạch Đằng để sang cảng Tuần Châu rồi mới đi tàu tham quan vịnh Hạ Long.

"Có những tour chúng tôi đưa du khách nước ngoài, khi đi đến điểm giáp ranh giữa hai vùng vịnh, du khách ngỏ ý muốn được đi tiếp đến điểm bên kia để trải nghiệm thêm. Tuy nhiên chúng tôi rất khó xử, đành phải từ chối mà không biết giải thích thế nào cho hợp lý khi cả hai vịnh đều là của Việt Nam nhưng lại không thể đưa du khách qua lại được" - chị Nguyễn Thị Bình, hướng dẫn viên du lịch một đơn vị lữ hành tại Cát Bà, chia sẻ.

Vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ cùng một vùng biển nhưng muốn thăm phải qua 2 lần đò - Ảnh 4.

Du khách sau khi tham quan vịnh Lan Hạ nếu muốn sang vịnh Hạ Long phải đi đường bộ từ Hải Phòng sang cảng Tuần Châu (Quảng Ninh) mới có thể tham quan được - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bỏ "ngăn sông cấm chợ", bàn mãi không ra

Về những vướng mắc trên, ông Hoàng Quang Hải - giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh - cho biết sở được UBND tỉnh giao làm đầu mối chủ trì để xây dựng quy chế phối hợp quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và Lan Hạ. 

Tỉnh Quảng Ninh cũng đang rất sốt ruột, muốn thúc đẩy, giải quyết sớm những vướng mắc cũng như hoàn thiện quy chế hoạt động chung của hai địa phương trên cùng vùng biển. Thế nhưng đến nay vẫn còn một số điểm hai địa phương chưa thống nhất được.

Ông Trần Mạnh Hùng - trưởng phòng quản lý vận tải và phương tiện Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh - cho biết phản ảnh của doanh nghiệp liên quan việc tàu du lịch ở vịnh bên này không thể sang vịnh bên kia một cách dễ dàng là đúng. Đến nay hai địa phương vẫn đang tìm hướng giải quyết việc này.

Trước đó, từ cuối năm 2019, giữa ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã ký kết kế hoạch số 01, tập trung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kết nối giao thông giữa hai địa phương. Trong đó, có phát triển giao thông đường bộ lẫn tăng cường quản lý đội tàu du lịch hoạt động liên quan giữa vịnh Hạ Long và Lan Hạ.

"Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh đã chủ động xây dựng dự thảo quy chế và hoàn thành lấy ý kiến các sở, ban ngành liên quan. Dự thảo cũng đã trình UBND tỉnh cho ý kiến trước khi gửi sang Hải Phòng để lấy ý kiến, cùng triển khai thực hiện" - ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, gần đây nhất vào ngày 11-6, hai sở giao thông vận tải Hải Phòng và Quảng Ninh đã làm việc thống nhất hợp tác về phát triển đường bộ nhưng về phần dự thảo quy chế quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long - Lan Hạ hiện nay vẫn còn 5 điểm chưa thống nhất.

Tháng 3-2020, Quảng Ninh đã gửi dự thảo quy chế hoạt động chung sang Hải Phòng và Hải Phòng cũng đã lấy ý kiến lần một để có phản hồi. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung hai bên chưa thống nhất. 

Cụ thể như việc quản lý luồng tuyến tham quan, tại vịnh Hạ Long của Quảng Ninh có một số tuyến đang quá tải nên tỉnh này đề xuất không cho thêm tàu của Hải Phòng vào các tuyến này.

Chính việc trên khiến Hải Phòng không đồng tình. Phía Hải Phòng đặt vấn đề: tại sao tàu Quảng Ninh sang được luồng tuyến tham quan ở vịnh Lan Hạ nhưng tàu Hải Phòng lại bị hạn chế, không được vào một số tuyến của vịnh Hạ Long.

Vì sao chưa có tiếng nói chung!?

Lý giải việc đưa ra các đề xuất nói trên trong dự thảo quy chế, ông Hùng cho biết tại vịnh Hạ Long ngoài hoạt động theo Luật đường thủy nội địa còn bị chi phối bởi Luật di sản với các khuyến cáo của Unesco về vùng lõi, vùng đệm của di sản. 

"Vấn đề gìn giữ môi trường vịnh và hoạt động khai thác vịnh Hạ Long theo Luật di sản được Quảng Ninh đặt lên hàng đầu. Do đó thời gian qua tỉnh cũng chủ trương không cho đóng mới, phát triển đội tàu nên nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã phải tìm sang Hải Phòng để đóng tàu rồi hoạt động tại vịnh Lan Hạ" - ông Hùng nói.

Ngoài ra, còn có điểm chưa đồng thuận khác giữa hai tỉnh thành hiện nay liên quan đến vấn đề số lượng tàu, tiêu chuẩn chất lượng tàu. Bởi theo thực tế, tiêu chuẩn mà Quảng Ninh áp dụng đối với tàu du lịch hoạt động tại vịnh Hạ Long đòi hỏi cao hơn so với quy định chung cũng như tại Hải Phòng.

Có ý kiến cho rằng việc kết nối hai tuyến vịnh bị "tắc", khó giải quyết một phần cũng là do giá vé tham quan, dịch vụ tàu trên vịnh Lan Hạ hiện nay đang thấp hơn khoảng một nửa so với vịnh Hạ Long. Điều này vô hình trung dẫn tới việc du khách sẽ đổ về vịnh Lan Hạ nhiều hơn vịnh Hạ Long sau khi hai tuyến vịnh này được kết nối với nhau.

Trả lời về ý kiến trên, ông Hùng cho rằng việc này là có. Tuy nhiên điều này lại không ảnh hưởng đến việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động tàu du lịch. Bởi khi quy chế này hoàn thành sẽ xây dựng các điểm tuyến, số lượng tàu qua lại để hai bên cùng giám sát, quản lý và đưa ra giá hợp lý. 

"Toàn bộ dự thảo chúng tôi tiếp tục chuyển sang Hải Phòng để lấy ý kiến lần hai. Hiện chúng tôi vẫn chờ UBND TP Hải Phòng có ý kiến để xem xét điểm nào hai bên đã thống nhất, điểm nào chưa thống nhất, tiếp tục ngồi với nhau để giải quyết" - ông Hùng cho hay.

Tháo gỡ những điểm chưa thống nhất

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc đến nay vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp để quản lý đội tàu du lịch, gây khó khăn cho việc kết nối du lịch giữa Hạ Long với Lan Hạ, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết vấn đề này TP đang giao cho Sở Du lịch chủ trì và tới đây sẽ liên hệ với Quảng Ninh để xem xét các nội dung còn vướng mắc.

Cũng theo ông Nam, trước đây lãnh đạo TP Hải Phòng đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh nhưng vẫn còn một số yếu tố về kỹ thuật, chất lượng tàu và luồng tuyến mà hai bên chưa thống nhất nên chưa giải quyết được.

"Thời gian tới tôi sẽ có cuộc làm việc lại với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để cùng tìm hướng tháo gỡ những điểm còn chưa thống nhất" - ông Nam nói.

Việt Nam có một Hạ Long thứ hai ở Hải Phòng: Lan Hạ Việt Nam có một Hạ Long thứ hai ở Hải Phòng: Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ bao quanh đảo Cát Bà, TP Hải Phòng vừa được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới công nhận là một trong những vịnh biển đẹp của thế giới.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên