01/07/2014 18:03 GMT+7

Vụ điện thoại bị nghe lén: phần lớn thuê nghe lén đời tư

XUÂN LONG lược ghi
XUÂN LONG lược ghi

TTO - Chiều 1-7, Công an Hà Nội đã thông tin tới báo chí kết quả điều tra ban đầu vụ việc hơn 14.000 điện thoại bị Công ty TNHH Việt Hồng sử dụng thiết bị nghe lén.

Vụ điện thoại bị nghe lén: khởi tố, bắt 4 người Hơn 14.000 điện thoại ở VN bị nghe lén ra sao?Phát hiện chấn động: Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén ở VN

WByZ4EXA.jpgPhóng to
Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông và Công an TP Hà Nội thông tin về việc điều tra vụ nghe lén hơn 14.000 điện thoại di động tại Hà Nội

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng PC45 Công an Hà Nội, cho biết từ kết quả điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên máy vi tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Đồng thời, đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với 4 trường hợp gồm: Nguyễn Việt Hùng - phó giám đốc Công ty; Lê Thanh Lâm - trưởng phòng kỹ thuật; Trần Minh Ngọc - nhân viên hỗ trợ khách hàng; Nguyễn Thị Nga - nhân viên tư vấn khách hàng.

Ông Giáp cho biết, trong 4 trường hợp bị khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra CATP đã bắt tạm giam 3 tháng đối với ba trường hợp, riêng bị can Nguyễn Thị Nga do đang mang bầu nên Cơ quan cảnh sát điều tra CATP áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trả lời báo chí về thực tế sử dụng, bán thiết bị theo dõi, nghe lén điện thoại di động trên địa bàn thành phố như Công ty Việt Hồng, ông Giáp nói: "Có tình trạng rao bán thiết bị này trên địa bàn thành phố. Chúng tôi đã từng thu giữ trên 700 thiết bị có thể dùng để nghe lén như camera, các thiết bị nghe trộm, ghi hình của một công ty vào thời điểm trước đây. Trong thời giao tới Công an Thành phố Hà Nội sẽ làm rất quyết liệt, cương quyết áp dụng quy định của luật để xử ý hình sự những người kinh doanh thiết bị này nếu có dấu hiệu vi phạm".

Theo điều tra ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra CATP Hà Nội xác định, từ tháng 6-2013, bị can Nguyễn Việt Hùng, phó giám đốc Công ty TNHH Việt Hồng, đã chỉ đạo Lê Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Kiều, Lê Sỹ Phán xây dựng, phát triển, cung cấp dịch vụ phần mềm có chức năng giám sát di động (tên gọi Ptracker). Để thực hiện việc giám sát, phải cài đặt phần mềm Ptracker chạy ngầm trên hệ điều hành của điện thoại bị giám sát và thực hiện các chức năng: đọc tin nhắn, nghe lại nội dung các cuộc gọi, lấy danh bạ, xác định tọa độ, vị trí, lộ trình di chuyển.

Ngoài ra, phần mềm Ptracker còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: ghi âm, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G/GPRS. Như vậy, tất cả dữ liệu của máy điện thoại bị giám sát sẽ được phần mềm lưu lại và tải lên máy chủ sau đó chỉ trong khoảng 3-5 phút.

Theo Đại tá Giáp, để phục vụ mục đích này, bị can Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Việt Hồng đã thuê máy chủ được đặt tại công ty điện toán và truyền số liệu VDC. Vì vậy, người sử dụng chỉ cần đăng nhập vào trang web giamsat.vhc.vn của Công ty TNHH Việt Hồng là có thể tiến hành theo dõi lại tất cả dữ liệu trên máy điện thoại của người bị giám sát.

Quá trình điều tra ban đầu cũng xác định các khách hàng của Công ty TNHH Việt Hồng có nhu cầu theo dõi, giám sát các nội dung của các điện thoại cần nghe trộm, giám sát sẽ chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng của Nguyễn Việt Hùng hoặc thanh toán trực tuyến với Công ty cổ phần thanh toán trực tuyến VNPT EPAY bằng cách nạp mã số thẻ cào điện thoại vào hệ thống phần mềm Ptracker.

Cũng theo Đại tá Giáp, trong quá trình kiểm tra, điều tra, các dữ liệu thu thập được còn lưu giữ trong máy chủ, xác định đã có 14.140 tài khoản đã sử dụng góp phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng. Trong máy chủ còn lưu giữ 7447 tài khoản, còn 6693 tài khoản đã bị xóa dữ liệu khỏi máy chủ. Hiện tại, cơ quan điều tra cũng xác định còn 670 khách hàng đang còn thời hạn Công ty Việt Hồng giám sát các thuê bao di động đang hoạt động. “Số tiền mà Công ty Việt Hồng thu về từ hoạt động kinh doanh phần mềm trên khoảng 900 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu điều tra, Công an TP xác định trong vụ án của Công ty Việt Hồng có 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất, nhóm có hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông internet vi phạm điều 226 Bộ Luật Hình sự. Nhóm thứ hai, số dối tượng đã thuê Công ty Việt Hồng sử dụng phần mềm Ptracker để giám sát các máy điện thoại và đời tư của người khác, có dấu hiệu phạm tội “tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác” theo điều 125 Bộ Luật Hình sự” - ông Giáp cho hay.

* Trong tổng số hàng ngàn thuê bao di động bị Công ty Việt Hồng nghe lén, xin ông cho biết có trường hợp nào liên quan đến an ninh quốc gia hay không?

- Để biết được Công ty Việt Hồng nghe cái gì, chúng tôi cũng đang phải nghe lại trong tổng số rất nhiều thông tin họ đang lưu. Chúng tôi đã nghe thử 40 trường hợp đều thấy phần lớn liên quan đến đời tư. Chưa có việc gì liên quan đến an ninh quốc gia và tính mạng con người.

* Công an Thành phố Hà Nội đã có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng này để người dùng điện thoại di động yên tâm hơn?

- Để ngăn chặn việc này ngoài việc tuyên truyền người dân và chúng tôi còn kiến nghị cấp phép có chừng mực nào đó cho đơn vị viết phần mềm như viết cái gì, ở lĩnh vực nào chứ không để quá rộng dẫn đến việc không giám sát được. Chúng tôi cũng đề nghị phải giám sát chặt chẽ việc buôn lậu mang thiết bị điện tử tinh vi vào trong nước. Chúng ta phải xử lý nghiêm và tiêu hủy thiết bị.

Hiện nay, chúng tôi chưa khẳng định ngoài Công ty Việt Hồng còn có công ty nào nữa không. Tuy nhiên, do phần mềm và việc quảng cáo trên mạng vẫn còn thì chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với thanh tra làm rõ hành vi này và nếu vi phạm sẽ bắt giữ, xử ý trước pháp luật.

XUÂN LONG lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên