24/06/2019 10:50 GMT+7

Vũ khí Mỹ bán chạy tại châu Âu nhờ căng thẳng với Nga và Iran

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ cho biết nhu cầu về máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa và nhiều loại vũ khí khác tăng cao bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ - châu Âu.

Vũ khí Mỹ bán chạy tại châu Âu nhờ căng thẳng với Nga và Iran - Ảnh 1.

Nườm nượp người tham quan Triển lãm hàng không Paris ngày 22-6 - Ảnh: REUTERS

"Iran là 'đối tác làm ăn' tốt nhất của chúng tôi. Mỗi khi họ làm những chuyện như bắn hạ máy bay Mỹ, họ lại làm gia tăng cảm giác bị đe doạ" - Hãng tin Reuters ngày 24-6 dẫn lời một lãnh đạo cấp cao trong ngành sản xuất vũ khí tại Mỹ.

Theo các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, lo ngại về Iran và Nga giúp họ hốt về những đơn hàng béo bở.

Năm nay, chính phủ Mỹ đã gửi một phái đoàn cấp cao, gồm cả Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, đến Triển lãm hàng không Paris diễn ra vào tuần trước, nơi có khoảng 400 doanh nghiệp Mỹ chào bán vũ khí trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran tưởng chừng sắp bùng nổ.

Lockheed Martin, Boeing và nhiều nhà sản xuất vũ khí hàng đầu khác đều cho biết họ nhận được nhiều đơn hàng tại triển lãm năm nay. 

"Cả hai triển lãm trước đều không có mấy đơn hàng. Hiện tại châu Âu là thị trường phát triển nhanh nhất của Lockheed Martin" - ông Rick Edwards, người phụ trách mảng quốc tế của Lockheed Martin, cho biết đã giành được đơn hàng bán chiến đấu cơ F-35 cho Bỉ và có thể sẽ là Ba Lan.

Trong khi lo ngại của châu Âu về Nga đã có từ lâu, các diễn biến căng thẳng gần đây với Iran cũng được dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu vũ khí của châu Âu trong thời gian tới.

Vũ khí Mỹ bán chạy tại châu Âu nhờ căng thẳng với Nga và Iran - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) cũng xuất hiện tại Triển lãm hàng không Paris 2019 - Ảnh: REUTERS

"Châu Âu thật sự là đối tác lớn của chúng tôi lúc này. Đó là sự thay đổi lớn trong vài năm, thậm chí chỉ 18 tháng gần đây" - ông Ralph Acaba, chủ tịch mảng hệ thống phòng thủ kết hợp của Tập đoàn vũ khí Raytheon Co, tiết lộ. 

Tập đoàn này dự kiến chốt một thỏa thuận hàng trăm triệu USD với Đức trong năm nay. Trong khi đó, Boeing cũng kỳ vọng trúng đơn hàng chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet tại Đức, Thụy Sĩ và Phần Lan.

Ông Edwards và giới lãnh đạo trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Mỹ cho biết căng thẳng thương mại Mỹ - châu Âu hầu như không ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ.

Trung tướng Charles Hooper - giám đốc Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng thuộc Lầu Năm góc, cho biết châu Âu chiếm đến 1/4 giao dịch vũ khí với nước ngoài (tổng trị giá 55,7 tỉ USD) mà cơ quan này xử lý trong năm 2018. 

Theo ông Hooper, chính quyền Mỹ cũng đang đẩy nhanh việc thông qua các giao dịch vũ khí và đẩy mạnh việc bán vũ khí cho đồng minh.

Thế giới càng biến động, Mỹ càng bán nhiều vũ khí Thế giới càng biến động, Mỹ càng bán nhiều vũ khí

TTO - Lần đầu tiên sau 5 năm, năm 2016 đánh dấu việc tăng doanh số bán vũ khí trở lại trên toàn thế giới, các nhóm hưởng lợi chủ yếu thuộc Mỹ và Tây Âu.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ châu Âu vũ khí Iran Nga