09/01/2019 11:37 GMT+7

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Để đối phó với Mỹ và đồng minh, quân đội Nga chủ trương máy bay và xe tăng không người lái sẽ giữ vai trò trung tâm trong các chiến dịch quân sự tương lai của Nga.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Korsar - Ảnh: RBTH

Tháng 5-2018, Nga đã trình làng Korsar - máy bay không người lái chiến đấu đầu tiên của Nga. Korsar nặng 200kg, vận tốc bay đến 150km/h, ngoài nhiệm vụ trinh sát, chở hàng còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất với tên lửa chống tăng Ataka.

Korsar có thể hoạt động cách người điều khiển đến hơn 200km.

Robot tiêu diệt quân IS

Hiện nay Korsar đang trong giai đoạn sản xuất hàng loạt và sẽ trải qua giai đoạn thử nghiệm trên chiến trường Syria.

Nga sẽ phát triển các đơn vị chiến đấu robot có khả năng can thiệp đến mọi khu vực khủng hoảng.

(Thứ trưởng Quốc phòng Nga VALERY GERASIMOV)

Trong chiến tranh, không thể chiến thắng chỉ với không quân. Muốn đạt thắng lợi cuối cùng cần phải sử dụng bộ binh. Do đó, ngoài gia tăng mức độ tự động hóa của máy bay không người lái, quân đội các nước đều chú trọng phát triển robot chiến đấu trên bộ.

Nga cũng không ngoại lệ. Quân đội Nga đang thử nghiệm nhiều loại robot sát thương tự động, từ robot loại nhỏ tiêu diệt khủng bố, robot phá mìn đến robot loại lớn sử dụng trong chiến đấu chống tăng.

Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga thành lập đơn vị robot chiến đấu Platform-M. Đây là loại robot đa năng được điều khiển từ xa làm nhiệm vụ trinh sát, phát hiện và vô hiệu hóa mục tiêu cố định cũng như di động, khai hỏa yểm trợ bảo vệ căn cứ hoặc tấn công nhằm kiểm soát khu vực đô thị bị đối phương chiếm đóng.

Robot được trang bị một súng máy Kalashnikov, bốn súng phóng lựu hoặc tên lửa chống tăng.

Đến ngày 20-12-2015, lần đầu tiên trên thế giới, đơn vị robot chiến đấu của Nga đã được triển khai tấn công cứ điểm đối phương. Hôm đó quân đội Syria mở cuộc hành quân đánh chiếm tháp Syriatel cao 754m tại tỉnh Latakia.

Quân đội Nga triển khai một đơn vị robot gồm sáu robot Platform-M và bốn robot Argo có các máy bay không người lái quan sát hỗ trợ. Các kỹ thuật viên Nga làm nhiệm vụ giám sát tại trung tâm kiểm soát.

10 robot đi trước, đến cách mục tiêu 150m thì bị quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn cấp tập. Các robot định vị các vị trí nổ súng rồi bắn trả bằng súng máy và súng phóng lựu. Các mục tiêu bị tiêu diệt, lúc này bộ binh Syria mới can thiệp tảo thanh an ninh khu vực.

Kết quả có 70 tên IS thiệt mạng, 4 binh sĩ Syria bị thương.

Tương tự Platform-M, Argo là tổ hợp robot đa năng có thể làm nhiệm vụ trinh sát, yểm trợ tấn công trên biển và trên bộ, canh gác, vận chuyển đạn dược và quân nhu. Argo được trang bị một súng máy 7,62mm PKT, ba súng phóng lựu chống tăng RPG-26 và hai súng phóng lựu RGG-2.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga - Ảnh 3.

Robot Platform-M đã được triển khai chiến đấu lần đầu tiên ở Syria vào tháng 12-2015 - Ảnh: AP

Thử nghiệm xe tăng không người lái ở Syria

Năm 2016, quân đội Nga đã triển khai các đơn vị robot Platform-M và Uran làm nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài các căn cứ tên lửa hạt nhân liên lục địa.

Robot bánh xích đa năng Uran-9 là thế hệ robot mini cực chất đã được trình làng trong lễ duyệt binh ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít 9-5-2018 tại Matxcơva.

Gọi đúng hơn đây là xe bọc thép không người lái làm nhiệm vụ trinh sát và yểm trợ bộ binh. Đây cũng là lần đầu tiên robot tham gia lễ duyệt binh.

Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov cho biết trước đó Uran-9 đã được thử nghiệm trong chiến đấu thực tế tại Syria và đã chứng minh hiệu quả.

Uran-9 được trang bị hỏa lực mạnh gồm tên lửa đất đối không Igla-S với tầm bắn 6km, tên lửa chống tăng, pháo 30mm và súng máy, đủ sức tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, pháo tự hành và kể cả máy bay trực thăng. Robot có thể hoạt động cách xa người điều khiển 3km.

Các nước đã triển khai phổ biến máy bay không người lái trong các cuộc xung đột nhưng hầu hết xe tăng không người lái đều chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm, do đó robot Uran-9 được xem là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chạy đua chế tạo vũ khí sát thương tự động.

Ngoài robot Uran-9 còn phải kể đến tổ hợp robot bánh xích cực kỳ hiện đại Nerekhta điều khiển từ xa. Cuối tháng 12-2017, Đài truyền hình Zvezda (Nga) đã phát hình cuộc thử nghiệm robot này.

Robot có thân bọc thép, dài 2,5m, rộng 1,6m, cao 90cm, nặng gần 1 tấn, được trang bị súng máy hạng nặng Kord, súng máy Kalashnikov, súng phóng lựu AG-30 và có thể trang bị vũ khí hạng nặng như pháo chống tăng.

Robot có ba môđun dùng để chiến đấu, vận tải và trinh sát. Quân đội Nga đã đưa robot Nerekhta tham gia cuộc tập trận ZAPAD 2017 ở Belarus hồi tháng 9-2017.

Tổ hợp xe bọc thép trinh sát mặt đất Vikhr của Nga được giới thiệu năm 2016 lại có đặc điểm vừa điều khiển từ xa nhưng khi cần binh sĩ vẫn ngồi trong xe điều khiển như xe tăng thông thường.

Vikhr nặng 15 tấn được phát triển trên khung xe tăng BMP-3. Vikhr được trang bị tận răng với pháo tự động 30mm 2A72, súng máy 7,62mm PKTM, tên lửa chống tăng Cornet-M, có thể đánh mục tiêu trên bộ và trên không.

Xe tăng bán tự động thuộc loại siêu khủng có lẽ là xe T-14 Armata được giới thiệu lần đầu vào năm 2015. T-14 Armata nặng 57 tấn (xe tăng T-62 Việt Nam đang sử dụng chỉ nặng gần 40 tấn), di chuyển với vận tốc 75km/h, trang bị pháo 125mm nạp đạn tự động và tên lửa chống tăng Sokol-1.

Điều đặc biệt là tháp pháo hoạt động hoàn toàn tự động. Tổ lái ba người ngồi trong khoang bọc thép bên dưới tháp ngăn cách với kho đạn.

Phó giáo sư Thierry Berthier ở Đại học Limoges (Pháp) đánh giá đây là bước đầu tiến tới mục tiêu tự động hóa hoàn toàn, xe tăng hạng nặng sẽ được kiểm soát từ xa mà không cần tổ lái.

Vũ khí sát thương tự động - Kỳ 3: Máy bay và xe tăng không người lái của Nga - Ảnh 4.

Xe tăng T-14 Armata của Nga có tháp pháo hoạt động tự động tại lễ duyệt binh năm 2015 - Ảnh: Reuters

2025: 1/3 quân số của Nga là robot

Năm 2015, Nga đã triển khai học thuyết quân sự mới chủ trương loại trừ con người khỏi khu vực xung đột tức thì và thay vào đó là robot.

Dự kiến đến năm 2025, Nga sẽ thay thế hơn 1/3 quân số bằng robot. Đi đầu trong kế hoạch thay binh sĩ bằng robot là Tập đoàn Kalashnikov (nổi tiếng với súng AK-47).

Tháng 7-2017, Kalashnikov thông báo chương trình phát triển các đơn vị vũ khí sát thương tự động có khả năng thăm dò, phát hiện và tự động xử lý mục tiêu.

Kalashnikov đã nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái tự quyết định tiêu diệt mục tiêu hay súng máy PK dựng trên tháp pháo sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đầu tháng 7-2017, Tổng thống Putin đã từng tuyên bố: "Trí tuệ nhân tạo đại diện cho tương lai không chỉ của Nga mà toàn nhân loại. Trí tuệ nhân tạo bao gồm nhiều khả năng to lớn cùng với nhiều đe dọa khó lường. Ai đứng đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới".

Kỳ tới: Máy bay không người lái của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên