09/12/2019 10:28 GMT+7

Xây dựng đô thị thông minh mà dân còn phóng uế là không chấp nhận được

M.HƯƠNG - T.LONG - THẢO LÊ
M.HƯƠNG - T.LONG - THẢO LÊ

TTO - "Ngay tại một đô thị đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại mà vẫn còn tình trạng phóng uế, xả rác bừa bãi làm hoen ố hình ảnh đô thị là không chấp nhận được", đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ.

Xây dựng đô thị thông minh mà dân còn phóng uế là không chấp nhận được - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng - Ảnh: TỰ TRUNG

Sáng 9-12, Kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM khóa IX bắt đầu phần chất vấn các giám đốc sở. Và giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng là người được chất vấn đầu tiên.

Phải tăng mức phạt hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét tại TP vẫn còn nhiều "điểm đen" ứ đọng rác. Thậm chí, ngay tại một đô thị đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện đại mà vẫn còn tình trạng phóng uế, xả rác bừa bãi làm hoen ố hình ảnh đô thị là "không chấp nhận được".

Ông Khuê cho rằng ngành tài nguyên môi trường cần nghiên cứu đề xuất HĐND TP tăng mức xử phạt.

Xây dựng đô thị thông minh mà dân còn phóng uế là không chấp nhận được - Ảnh 2.

Tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Lưu cho rằng từ đầu năm đến nay, theo báo cáo ngành tài nguyên môi trường chỉ xử lý 4.000 trường hợp vi phạm rác thải, con số đó quá ít, chưa đủ răn đe. Trong khi chúng ta bước ra đường vẫn thấy có tình trạng tiểu bậy, khạc nhổ bừa bãi. “Quy định hiện nay đã có phép phạt đến 7 triệu đồng cho hành vi vi phạm. Ông giám đốc Sở nói như vậy liệu kết quả có quá khiêm tốn không?", ông Lưu chất vấn.

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện có 2 nghị định quy định mức xử phạt hành vi xả rác, gây ô nhiễm. Trong đó, mức phạt quy định từ 500.000 đồng đến 7 triệu đồng. “Tôi cho rằng mức phạt như vậy đã thỏa đáng và có sức răn đe. Vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào”- ông Thắng nêu quan điểm.

Ông Thắng nhìn nhận thực tế lực lượng để giám sát, phát hiện, lập biên bản còn rất mỏng. Như vậy, sắp tới phải tính toán đến việc có thể tăng cường xử lý thông qua hình ảnh từ camera hay không? Hoặc có nên phân cấp thêm cho lực lượng đô thị quận huyện tham gia giải quyết vấn đề này hay không?

Ông Thắng cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu TP những giải pháp quyết liệt hơn trong xử phạt.

Ngân hàng có trách nhiệm gỡ vướng cấp sổ đỏ cho dân chung cư

Cũng trong phần chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, một số đại biểu đã chất vấn về việc hiện nay tại TP.HCM có nhiều chủ đầu tư lấy chung cư thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ - NV) vào ngân hàng, nên không cấp được giấy chứng nhận sở hữu nhà (sổ hồng) cho người dân. Nhiều người mua nhà vào ở, nhưng mỏi mòi chờ chủ đầu tư cấp giấy, quyền lợi cũng bị ảnh hưởng. Trách nhiệm của chủ đầu tư, người dân và nhà nước để tháo gỡ tình trạng này?

Xây dựng đô thị thông minh mà dân còn phóng uế là không chấp nhận được - Ảnh 3.

Mấy năm nay cư dân chung cư Rubyland (Q.Tân Phú) không được cấp giấy chủ quyền nhà vì chủ đầu tư đã đem dự án đi thế chấp ngân hàng - Ảnh: TTO

Trao đổi lại, ông Thắng cho biết, hiện nay TP.HCM đã cấp được 62.000 giấy chứng nhận sở hữu nhà cho 194 dự án trên địa bàn TP. Tuy nhiên còn nhiều chung cư chưa thể cấp được giấy chứng nhận cho cư dân do 3 nhóm nguyên nhân.

Thứ nhất, chủ đầu tư trước khi xây dựng được cấp giấy phép và có quyền thế chấp sổ đỏ để lấy tiền xây dựng. Khi xây dựng xong phải nộp tiền ngân hàng để lấy sổ đỏ ra nộp cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư không nộp tiền vào để lấy sổ đỏ ra làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho dân.

Vừa qua, TP đã phối hợp đề ra giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại những phần tài sản của chủ đầu tư tương ứng, còn sẽ rút ra phần tài sản của người dân đã mua để cấp giấy chứng nhận cho người dân.

"Người dân mua bằng hợp đồng nên theo dõi việc chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận và có trách nhiệm giải quyết bằng hợp đồng trong việc mua bán", ông Thắng khuyến cáo.

Thứ hai, chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép, không nghiệm thu được nên sẽ không cấp giấy chứng nhận. Trường hợp này buộc phải xử lý về vi phạm xây dựng, sau đó mới cấp giấy chứng nhận được cho cư dân. Ngành xây dựng cũng phối hợp với ngành tài nguyên để kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án.

Thứ ba, chủ đầu tư không hoàn thiện phần công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên không được cấp giấy chứng nhận."Hiện nay chúng tôi đã kết hợp Sở Xây dựng đến quý 1-2020 sẽ phân loại các chung cư thành các nhóm để giải quyết xong những chỉ đạo của HĐND TP", ông Thắng nói.

Khi được đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê hỏi về trách nhiệm của các ngân hàng, ông Thắng khẳng định ngân hàng phải có trách nhiệm trong việc "gỡ" cấp giấy cho cư dân. Theo đó, trong nội dung hợp đồng thế chấp có quy định về tiến độ giải ngân, thanh toán khoản vay theo tiến độ xây dựng dự án. Do vậy ngân hàng có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện hợp đồng.

Nhiều người dân Nhiều người dân 'mặc kệ' xả rác, doanh nghiệp 'mặc kệ' xả thải

TTO - Đây thực tế được đưa ra ở hội thảo tham vấn lấy ý kiến về đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường ngày 26-11, tại TP.HCM.

M.HƯƠNG - T.LONG - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên