29/09/2021 09:04 GMT+7

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: 'Chúng tôi ấm lòng'

NHƯ BÌNH - MINH HUỲNH
NHƯ BÌNH - MINH HUỲNH

TTO - Bữa trưa của những người đang điều trị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 TP Thủ Đức và Bệnh viện Lê Văn Thịnh ngày 28-9 đặc biệt hơn bởi đó là những tô phở đến trên những 'Xe phở yêu thương' do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 1.

Sáng 28-9, "Chuyến xe phở yêu thương" đã mang những phần phở nóng đến với nhân viên y tế, tình nguyện viên và bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 và Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hơn 1.000 tô phở nóng hổi do chính các chủ quán phở tận tay chuẩn bị đã được chuyển đến những thực khách đặc biệt, tiếp sức kịp thời trong những ngày khó khăn với dịch bệnh.

"Lâu lắm mới được ăn phở ngon như vầy"

Một khoảng sân trường của khu ký túc xá Trường cao đẳng Công thương TP.HCM (TP Thủ Đức, TP.HCM) vào sáng 28-9 trở thành "bếp dã chiến" - nơi những nồi nước phở được đun nóng, hương thơm thu hút bất kỳ ai đi ngang qua. Đây cũng là điểm tập kết của 1.000 tô phở với bánh phở đã trần sẵn, rau thơm, cọng hành được tỉa sạch, xếp ngăn nắp trong các tô giấy trên những miếng thịt bò béo ngậy, đầy ắp.

"Hôm nay mình ăn phở nha", tiếng thông báo của những tình nguyện viên trong giờ phát cơm trưa nhanh chóng thu hút nhiều bệnh nhân F0 bước ra thềm cửa. Hôm nay, bữa trưa được giao sớm hơn và cũng đặc biệt hơn bởi đó là những tô phở bò nóng hổi, thơm phức, đổi món cho những phần cơm hộp 3 món quen thuộc.

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 2.

Phở được chở tới bằng "xe cứu thương" để phục vụ cho nhân viên y tế và bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Anh Trịnh Xuân Bách, bệnh nhân F0 đang điều trị, đón nhận tô phở nóng từ các tình nguyện viên và tươi rói nói: "Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ nên ngóng nè. Phở là món ăn yêu thích của tôi nhưng từ hồi giãn cách đến nay chưa được chạm tô phở nào. Chỉ cần nghĩ đến cảm giác được đi ăn phở trở lại là thấy đã lắm rồi", anh Bách dí dỏm. Vào đây điều trị hơn 10 ngày, triệu chứng bệnh cải thiện đáng kể, các bữa ăn cũng cảm thấy ngon hơn trước nhưng, theo anh Bách, được ăn phở lúc này mới "xịn xò".

Ở căn phòng kế bên, nhìn con trai ăn phở một cách ngon lành, chị Châu, mẹ bé Bảo Trọng (12 tuổi), không ngừng nhắc con "từ từ thôi kẻo nghẹn" mà không giấu được niềm vui. "Tôi âm tính rồi, bé thì vẫn chưa khỏi nên ở lại đây cùng con. Lâu lắm rồi chưa được ăn phở ngon vậy, mình bị bệnh có người chuẩn bị các bữa ăn là vui rồi, được ăn cả phở nữa rất quý", chị Châu chia sẻ.

Có những F0 đang bị mất mùi nhưng vẫn hít một hơi thiệt dài trước tô phở nóng hổi rồi mới thưởng thức. "Cả mấy tháng rồi chưa được ăn phở. Dù không ngửi được hay cảm nhận hết vị ngon do đang bị bệnh nhưng tôi biết phở rất ngon vì hai người cùng phòng cứ gật gù khen. Phở quá trời thịt luôn. Cảm ơn mọi người lắm", chị Bùi Thị Kim Oanh, bệnh nhân F0, chia sẻ.

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 3.

Chiếc xe thường ngày để thiết bị y tế, nay được tình nguyện viên trưng dụng để chuyển phở lên tận phòng cho các F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ăn thật ngon để thật nhanh khỏe

Anh Lại Văn Dương, điều dưỡng đội phản ứng nhanh Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), là một trường hợp khá đặc biệt. Nhiễm phải virus trong quá trình làm nhiệm vụ, anh vào Bệnh viện dã chiến số 2 để điều trị và đang trong những ngày chờ xét nghiệm âm tính để trở lại làm việc cùng đồng nghiệp. Hôm nay có dịp thưởng thức phở, anh Dương cười vui nói: "Ở đây được chăm lo rất tốt, các món ăn cũng được thay đổi liên tục nhưng lâu lắm mới được cầm tô phở nóng hổi như vậy. Ăn thật ngon để thật nhanh khỏe".

Nhiều người xì xụp húp tô phở nóng ngay khi nhận được phần ăn từ các tình nguyện viên và còn tranh thủ xin thêm một phần phở để ăn tiếp cho "đã thèm". "Hồi ở nhà, cứ mỗi lần bị bệnh mà ăn bát phở nóng vào là khỏe người ra. Giờ ở đây được ăn phở ngon, có thêm sức khỏe nên ăn hẳn hai bát" - chú Nguyễn Đức Uyên, bệnh nhân F0, nói.

Cũng có bệnh nhân "sốt ruột" khi tình nguyện viên chưa kịp phát đã ra cửa nhắc khéo: "Ở đây chưa có phở anh ơi". Bữa trưa hôm nay ở khu bệnh viện dã chiến này vì thế cũng sôi động hơn mọi ngày.

Ấm lòng những tô phở yêu thương

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 4.

Các y bác sĩ xếp hàng nhận phở khi nghe tin "xe phở yêu thương" đến bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: KIM ÚT

Để có những tô phở chất lượng này, từ tờ mờ sáng các chủ quán phở tham gia chương trình Xe phở yêu thương của báo Tuổi Trẻ đã bắt tay vào chuẩn bị, sắp xếp. Cả khâu "chua" nhất là vận chuyển cũng phải tính toán rất kỹ.

Dù mới mở lại quán phở được mấy ngày, quán còn nhiều bộn bề, chị Nguyễn Ngọc Khánh Thy (chủ quán Phở Thy) không giấu được sự háo hức khi tận tay múc những bát phở nóng cho các y bác sĩ, bệnh nhân F0. "Tôi mong những người thưởng thức phở hôm nay cảm thấy ấm lòng. Mình không làm được những điều lớn lao, nhưng thông qua những tô phở ngon cũng hy vọng đóng góp được điều gì đó thật ý nghĩa", chị Thy chia sẻ.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, vui mừng vì bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ nhận thêm được sự quan tâm từ cộng đồng. Giá trị tinh thần là rất lớn, động viên những người đang xa nhà, đang trong thời gian giãn cách bớt cô đơn. 

"Thời gian qua, những hoạt động chống dịch cứ lặp đi lặp lại và chiếm hết cuộc sống của các y bác sĩ và dường như họ quên đi những thói quen khác trong cuộc sống. Thưởng thức phở trong những ngày bận rộn cũng là cách "nghỉ giải lao" lành mạnh, để sau đó chúng tôi có thêm sức mạnh, quyết tâm tiếp tục hoạt động chống dịch phía trước", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 5.

Các tình nguyện viên đưa phở lên tận phòng cho các bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến số 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Khởi động Ngày của Phở bằng "Xe phở yêu thương"

Năm nay là năm thứ 5 chương trình Ngày của Phở (12-12), do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, được tổ chức. Theo nhà báo Cao Huy Thọ, trưởng ban điều hành chương trình Ngày của Phở "ở tuổi lên 5" chương trình đã chọn cách khởi động đặc biệt. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chương trình đã diễn ra sớm để kịp thời thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa, mang những tô phở ngon "tiếp sức" bệnh nhân F0, để cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch dắt nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bằng chương trình "Xe phở yêu thương", Ngày của Phở năm nay sẽ bước đầu mang đến 5.000 tô phở phục vụ y bác sĩ tuyến đầu cùng các bệnh nhân F0 trong ba ngày cuối tháng 9-2021.

Ấm lòng hàng trăm y bác sĩ và F0

pho

Cán bộ nhân viên y tế thưởng thức phở nóng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: MINH HUỲNH

Giữa trưa nắng gắt, đông đảo những "người hùng" áo trắng đã cùng xắn tay áo để bê những thùng phở, những túi nước dùng to đùng xuống điểm tập kết.

Trong ngày ra quân đầu tiên của "Xe phở yêu thương", xe chở Phở 34 Cao Thắng bị vướng nhiều trạm chốt chặn trên đường. Dù xe về đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh trễ hơn dự định hơn 45 phút, nhưng hàng trăm y bác sĩ vẫn xếp hàng dài để chờ đợi.

"Phở hấp dẫn quá!", "Mấy tháng rồi mới được nhìn thấy phở"... là những tiếng đồng thanh thốt lên giữa hàng trăm bóng lưng khoác màu áo trắng. Nhiều người không kịp giờ ăn trưa, đành chạy đi mua ca để đựng tạm nước dùng, chờ khi nào được nghỉ sẽ dành thời gian thưởng thức phở sau thời gian dài giãn cách.

Là một trong những bác sĩ bận rộn với ca trực sáng nay, bác sĩ Nguyễn Vũ Trúc Anh, đơn vị hô hấp Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết rất ngạc nhiên khi thấy mùa dịch khó khăn mà vẫn cầm được trên tay tô phở đủ gia vị, rau xanh. "Tôi đã được thưởng thức một tô phở khá đầy đặn, vừa ăn. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng khi các anh chị mang phở đến với thái độ rất nhiệt tình, nồng hậu", bác sĩ Trúc Anh xúc động nói.

Còn anh Lê Khắc Duy - điều dưỡng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, một trong những người thưởng thức phở sau cùng - cho biết nghe tin "Xe phở yêu thương" về đến bệnh viện, anh nôn nao lắm nhưng không thể bỏ ngang công việc. "Thật bất ngờ là dù xuống trễ nhưng phở vẫn rất ngon. Cộng thêm sự nhiệt tình của Phở Phú Gia khiến tôi và những người làm việc tại đây quên cả mệt mỏi…", anh Duy chia sẻ.

Là đơn vị được ban tổ chức huy động tăng cường sang phục vụ thêm Bệnh viện Lê Văn Thịnh vào những giờ chót, anh Nguyễn Xuân Chính ở tiệm Phở Phú Gia cho biết anh không thấy vất vả hay cực nhọc dù trưa nắng nóng cộng với các bếp lửa cháy đỏ rực khiến mồ hôi trên người anh nhễ nhại.

Được nấu phở trở lại sau hơn hai tháng quán phải tạm ngưng hoạt động để tuân thủ phòng chống dịch đã rất vui, mà được nấu để phục vụ những bệnh nhân F0, các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch thì niềm vui này càng lớn hơn. Khoảng 300 phần phở được chuẩn bị từ sáng sớm để phục vụ cho các thực khách đặc biệt này đảm bảo ngon nhất, nóng hổi nhất.

Trong điều kiện giãn cách hiện nay, theo anh Chính, khó khăn nhất để có một nồi phở ngon là việc chuẩn bị nguyên liệu. Thịt bò tươi, hành, ngò vừa khó mua, giá lại đắt gấp đôi so với ngày thường. "Thật sự nói không khó khăn thì không đúng, vì thiếu thốn nhân sự mùa dịch, nguyên vật liệu tìm mua khó khăn, di chuyển cũng gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi thấy nỗi vất vả của mình trong hôm nay không thấm tháp gì so với sự hy sinh suốt nhiều tháng qua của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu, hay nỗi khổ sợ bệnh tật của hàng trăm bệnh nhân chẳng may mắc COVID-19. Nên tôi luôn sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng ban tổ chức trong mọi hoạt động" - anh Chính nhấn mạnh và khẳng định dù khó khăn nhưng chất lượng các tô phở đem đến chương trình này không giảm sút mà chắc chắn phải ngon hơn.

Dù vậy, anh Chính vẫn mong đến ngày có thể đón được khách trở lại quán để thưởng thức phở ngay tại quán.

Theo nhà báo Cao Huy Thọ - trưởng ban điều hành Ngày của Phở "ở tuổi lên 5", 5.000 tô phở phục vụ y bác sĩ tuyến đầu cùng các bệnh nhân F0 trong ba ngày cuối tháng 9-2021 là những tô phở yêu thương bởi nó không chỉ là một món ăn quốc hồn quốc túy mà trong đó có cả tấm lòng của những người yêu phở. Dù đó là những tô phở tặng hay nấu giùm cho chương trình, nhưng tất cả đều đồng tình với phát biểu trong cuộc họp chuẩn bị của anh Trung - chủ nhân Phở Phú Gia - là phải làm sao để tô phở mang đến các y bác sĩ và bệnh nhân không khác gì khi đến quán mình thưởng thức, không khác gì tô phở nấu cho ba mẹ ăn!

pho 2

Chị Ngọc Quyên (26 tuổi) thưởng thức phở bò thương hiệu phở nổi tiếng khi đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (TP Thủ Đức) vào sáng 28-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bà Mai Thị Ngọc Bích (chủ tiệm Phở Thái Hưng):

Khó đong đếm được giá trị những tô phở yêu thương

Từ khi gắn bó với Tuổi Trẻ thông qua cuộc thi "Hoa hồi vàng", chúng tôi được tham gia rất nhiều chương trình xã hội đầy ý nghĩa bằng sự đóng góp là những tô phở ngon lành. Vì vậy, ngay khi báo Tuổi Trẻ mở chương trình "Xe phở yêu thương", nhóm nấu tham gia cùng góp sức với 500 phần phở.

Trong suốt thời gian dịch bệnh, tiệm vẫn nấu phở tình nguyện cho các bệnh viện, nhưng nấu phở trong một chương trình đặc biệt này tinh thần khác lắm và được rất nhiều người ủng hộ. Khó có thể đong đếm giá trị của những tô phở này vì ý nghĩa cộng đồng, tương trợ nhau lớn lắm, lúc này mình đóng góp được gì là vui lắm. Sau dịch, chúng tôi cũng nghĩ nhiều hơn về bán phở online để phở có thể đi xa hơn, để đến với nhiều người thích ăn phở hơn.

Chị Nguyễn Tiêu Bích Trân Trân (chủ tiệm Phở 34 Cao Thắng):

Mong mọi người ăn phở ngon, sớm khỏe mạnh

Là một trong những thí sinh đoạt giải Hoa hồi vàng 2019 trong chương trình Ngày của Phở do báo Tuổi Trẻ tổ chức, tôi rất vui khi được nấu phở phục vụ cho bệnh nhân F0 và đội ngũ tuyến đầu chống dịch và ủng hộ 1.000 tô phở. Điều vui nhất là các nhà cung cấp khi nghe nấu phở tình nguyện cũng chủ động cung cấp giá tốt nhất, ai cũng muốn xắn tay chia sẻ lúc này.

Tôi chỉ mong mọi người được ăn phở thật ngon, những tô phở nóng sẽ giúp họ nhanh chóng hồi phục và sớm được trở về nhà, đoàn tụ cùng gia đình.

Xe phở yêu thương đến bệnh viện dã chiến: Chúng tôi ấm lòng - Ảnh 11.
Phở ngon chất chứa yêu thương tiếp sức tại bệnh viện dã chiến Phở ngon chất chứa yêu thương tiếp sức tại bệnh viện dã chiến

TTO - Sáng 28-9, 'xe phở yêu thương' do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã đem hàng nghìn tô phở thơm ngon đến bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 2 TP Thủ Đức và bệnh viện Lê Văn Thịnh, nhằm phục vụ các y bác sĩ tuyến đầu và các bệnh nhân COVID-19 tại đây.

NHƯ BÌNH - MINH HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên