25/08/2019 16:33 GMT+7

Xôn xao quanh chuyện '30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm'

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Trước ý kiến cho rằng thả hoa đăng xuống biển gây ô nhiễm môi trường và làm mất giá trị Phật giáo, thượng tọa Thích Tục Khang - trưởng ban tổ chức đại lễ Vu Lan tại Cát Bà - cho rằng những ý kiến đó chưa phản ánh hết sự việc diễn ra.

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 1.

Hoa đăng trên vịnh Lan Hạ trong đêm đại lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày 10-8 - Ảnh: THÀNH TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-8, thượng tọa Thích Tục Khang - ủy viên Ủy ban quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phó trưởng ban trị sự kiêm trưởng ban quốc tế Phật giáo thành phố Hải Phòng, trưởng ban trị sự Phật giáo huyện Cát Hải - cho rằng thông tin mà một số người nêu trên trang Facebook cá nhân chưa phản ánh hết quá trình diễn ra đại lễ Vu Lan vừa qua tại huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng.

Thả hoa đăng trên đảo Cát Bà đã diễn ra 5 năm nay

Theo đó, gần đây một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc thả hoa đăng xuống biển, xuống sông đang là một dạng biến tướng của đạo Phật. Việc làm này cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường...

Thượng tọa Thích Tục Khang phản biện: Việc thả hoa đăng trên biển là một phần quan trọng nối tiếp trong lễ hội Vu Lan báo hiếu vừa qua.

Tại đại lễ Đêm hoa đăng kính mừng Đại lễ Vu Lan Cát Bà 2019 diễn ra đêm 10-8 đúng là có 3 vạn hoa đăng được thả trên vịnh Lan Hạ, nhưng sau khi kết thúc ban tổ chức đã thu gom lại chứ không có chuyện để trôi ra biển gây ô nhiễm môi trường.

Nói thêm về việc thả hoa đăng, thượng tọa Thích Tục Khang cho biết một trong những danh hiệu của Đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là hào quang của Ngài chiếu pháp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử.

Ánh sáng còn tượng trưng cho trí huệ, Ngài dùng trí huệ để giáo hóa chúng sanh, từ trong đêm tối nhờ vào ánh sáng trí huệ mà thoát khỏi vô minh tăm tối.

Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện.

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Tục Khang truyền đăng cho Phật tử Cát Bà trong đại lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh: THÀNH TRUNG

Đèn có thể làm nhỏ như quả cam hoặc to như bánh xe, có thể xếp thành 7 tầng, thắp suốt 49 ngày đêm thành tâm cầu nguyện thì mọi việc được an lành.

Trong ý nghĩa đó, việc thả đèn hoa đăng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau.

Thượng tọa Thích Tục Khang cũng cho biết tại huyện đảo Cát Hải, khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi dịp lễ Vu Lan báo hiếu đều thả hoa đăng, song những năm trước ít hơn, chỉ khoảng 1 vạn đèn và đều được thu gom sau đó.

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 3.

Hoa đăng sau khi được thả chưa được thu gom kịp thời, trôi nổi trên vịnh Lan Hạ vào ngày 11-8 - Ảnh: FACEBOOK

'Không còn hoa đăng trôi lênh đênh sau ngày 11-8'

Ông Nguyễn Công Hòa - giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà - cũng khẳng định việc thả hoa đăng là có nhưng trong ngày hôm sau (11-8) các hoa đăng đã được thu gom lại chứ không như thông tin trên mạng xã hội cho rằng ban tổ chức để cho 3 vạn hoa đăng "lênh đênh", trôi dạt ra biển gây ô nhiễm môi trường,...

Theo ông Hòa, từ trước khi diễn ra chương trình đại lễ Vu Lan thu hút hàng vạn người dân, du khách trên huyện đảo tham gia thì phía bên ngoài vịnh đã được ban quản lý vịnh chuẩn bị hệ thống phao quây để ngăn các hoa đăng có thể trôi ra biển.

"Đêm hoa đăng diễn ra thành công, tạo bầu không khí gắn kết yêu thương giữa mọi người trong sự hoan hỉ. Việc thả hoa đăng theo cá nhân tôi thì đây cũng là nguyện vọng của không chỉ một mà là hàng ngàn, hàng vạn người dân. Vấn đề là cách chúng ta thực hiện làm sao để vừa thỏa mãn được tâm nguyện vừa giữ gìn được môi trường" - ông Hòa nói thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên trong 3 ngày vừa qua - đặc biệt khu vực vịnh Lan Hạ - không còn tình trạng hoa đăng hay các tấm phao xốp có chứa hoa đăng trôi nổi trên mặt vịnh.

Được biết, tại Việt Nam đèn hoa đăng là một sản phẩm văn hóa độc đáo của phố cổ Hội An.

Trước đây, hằng tháng vào ngày 14 âm lịch, tại Hội An thường tổ chức tái hiện đêm phố cổ và hoa đăng được thả trôi dọc theo sông Hoài sáng lung linh cả một khúc sông dài và trở thành biểu tượng của dòng sông nằm giữa đô thị cổ nhỏ bé.

Ngoài ở Hội An, nhiều nơi khác trên cả nước cũng thường tổ chức thả hoa đăng vào các dịp quan trọng với ý nghĩa gửi gắm ước nguyện, mong muốn những điều tốt đẹp đến với gia đình, bản thân,...

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 5.

Hàng vạn hoa đăng được thả trên sông Sài Gòn vào dịp Đại lễ Phật Đản diễn ra tháng 5-2019 - Ảnh: FACEBOOK

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 6.

Hoa đăng thả tại khu vực Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam dịp Đại lễ Phật đản 2019 - Ảnh: NAM TRẦN

Xôn xao quanh chuyện 30.000 hoa đăng thả xuống vịnh Lan Hạ gây ô nhiễm - Ảnh 7.

Các Phật tử thả hoa đăng xuống hồ Tam Chúc trong đêm 13-5 nhân dịp Đại lễ Phật Đản 2019 được tổ chức tại đây - Ảnh: NAM TRẦN

Chấn chỉnh hoạt động thả hoa đăng, vàng mã trên sông Hương Chấn chỉnh hoạt động thả hoa đăng, vàng mã trên sông Hương

TTO - Thời gian gần đây việc rải vàng mã và các loại hoa đăng làm bằng kim loại xuống sông Hương đã khiến dòng sông thơ mộng này có nguy cơ bị ô nhiễm môi trường, nguồn nước và nhiều hệ lụy về sau.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên