27/04/2019 09:08 GMT+7

Xử lý nạn lái xe say rượu: Nghiêm hơn, không chỉ với tài xế!

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Cái chết thương tâm của chị lao công Lê Thị Thu Hà (Hà Nội) nối dài nỗi đau khi thần chết nhập vai tài xế say xỉn. Cần sửa luật theo hướng tăng nặng xử phạt và nghiêm túc thực thi pháp luật.

Xử lý nạn lái xe say rượu: Nghiêm hơn, không chỉ với tài xế! - Ảnh 1.

Tài xế điều khiển ôtô không còn làm chủ được tốc độ sau khi đã uống bia nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Láng (ngày 22-4) - Ảnh: CHÍ TUỆ

Một điều ai cũng nhìn nhận là các quy định pháp luật về tội danh liên quan đến người say rượu lái xe chưa đủ sức nặng để răn đe những tài xế có hơi men.

Luật chưa mạnh, làm chưa nghiêm

Làm gì để ngăn chặn tình trạng nhiều người vẫn vô tư lái xe khi say xỉn? Tôi nghĩ đã đến lúc sửa đổi luật theo hướng tăng nặng để răn đe. Cụ thể, có thể xử tội danh lái xe gây chết người trong tình trạng say xỉn là tội cố ý giết người (như cách Thái Lan vừa làm). 

Luật quy định không được điều khiển các phương tiện giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, nhưng nếu ai đó vẫn bất chấp để làm điều này thì đó chính là cố ý.

Luật nước ta có quy định nhiều hình thức xử phạt lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng, có quy định phạt tù nếu tài xế say xỉn tông chết người. Nhưng những quy định hiện hành chỉ nặng về tính giải quyết hậu quả (nếu có gây tai nạn). 

Trong khi luật các nước khác với hành vi này lại mang tính ngăn ngừa hành vi. Phạt tiền thật nặng, tước quyền lái xe, xử lý hình sự hành vi lái xe khi có men rượu là một cách phòng ngừa hiểm họa.

Trong khi chờ đợi có quy định pháp luật mạnh mẽ hơn, cần nhìn lại thực tế việc thực thi các quy định về vi phạm này vẫn còn lơi lỏng. Nhiều sai phạm được du di cho qua hoặc có đủ kiểu có thể "thương lượng" để được xử phạt nhẹ hơn. Lâu dần thành thói quen coi thường pháp luật, coi nhẹ sức khỏe, tính mạng của nhau.

TẠ TƯ VŨ

Chú ý hơn người lái ôtô cá nhân

Không có loại xe nào là "xe điên", chỉ có người lái xe trong trạng thái "điên" vì men rượu, chất kích thích. Cũng mới đây thôi, ngày 22-4, tài xế có uống rượu lái ôtô "lùa" đội âm công khiến 4 người thiệt mạng ở Bình Định, hay vụ một xe đầu kéo tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ tại Long An hồi đầu năm nay. 

Nỗi sợ hãi của người dân còn chưa kịp nguôi. Trong thời gian ngắn liên tiếp những tổn thất nhân mạng vì tài xế có hơi men, những cái chết oan ức cả khi nạn nhân đang ở đám tang, bãi rác.

Mức án nào cho người vi phạm cũng không thể bù đắp tổn thất nhân mạng và nỗi đau của người ở lại. Cần giải pháp ngăn chặn từ sớm những "ma men" hoặc "ma túy" cầm lái phóng bạt mạng trên đường. 

Cơ quan chức năng đã có đợt tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích với tài xế xe tải, xe khách nhưng lại ít chú ý đến người lái xe cá nhân. 

Không ít người đã uống bia rượu nhưng vẫn muốn tự lái xe trong khi họ có thể chọn phương tiện khác an toàn hơn. 

Người lái xe cá nhân không bị áp lực hay ép buộc như tài xế lái xe dịch vụ, xe tải. Nhiều người vẫn vô tư "nạp" rượu bia tùy ý thích và lái xe sau đó do chủ quan, thói quen xem thường pháp luật và an toàn giao thông.

HẰNG NGA

Chuyện từ Thái Lan

Cứ mỗi mùa tết té nước Songkran, trên báo chí Thái Lan lại ngập tràn các bài phản ánh về tình trạng say rượu lái xe. Đây là một dịp lễ mà người người, nhà nhà đều trong tâm trạng hội hè, tiệc tùng.

Các bữa tiệc lớn tiệc nhỏ được tổ chức ở mọi gia đình và diễn ra mỗi ngày cho đến hết tết. Người hay nhậu thì khỏi phải nói, người không thích nhậu, muốn tìm một cái cớ để không phải uống vào dịp này cũng chẳng dễ dàng.

Ngay trước tết Songkran, chính quyền Thái Lan yêu cầu nếu tài xế nào vi phạm, làm chết hoặc bị thương người khác trong dịp tết sẽ bị khởi tố tội giết người hoặc cố ý giết người.

Cá nhân tôi đồng ý với biện pháp mạnh này vì nó thực sự có tác dụng răn đe mạnh mẽ, khiến người ta không dám vì ham vui mà đối diện với hậu quả nặng nề.

Sau tết, số người chết và bị thương của năm 2019 thấp hơn năm 2018. Quy định mới nhưng ít ra đã có sự chuyển biến nào đó trong vấn đề say rượu lái xe.

Ngày lễ tết, tôi chọn nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế các đám tiệc. Tôi hi vọng các biện pháp chế tài mạnh mẽ sẽ được áp dụng nghiêm ở Thái Lan và các quốc gia còn tồn tại tình trạng say rượu lái xe. Chúng ta

không thể xuề xòa mời nhau ly rượu rồi sau đó vô tư tự mình hay để bạn bè tự lái xe về.

Anh Jirawat Sangthong (người Thái Lan, giáo viên)

Kiểm tra nồng độ cồn gần quán bia

Ý kiến bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ Online ủng hộ việc tước bằng lái, xử phạt nặng hơn với hành vi lái xe khi có cồn. Cùng với đó, cần các giải pháp chấn chỉnh việc thực thi các quy định hiện hành.

* Không ngán ngại gì cả, tôi đề nghị sửa luật, tất cả đều có tính tăng thật nặng, khi ý thức quá kém, chỉ có cách chế tài nghiêm khắc thì mới có thể lập lại trật tự an toàn giao thông mà thôi.

(Trung Phạm - phamtrungbmw@...)

* Tôi ủng hộ áp dụng luôn cả xe máy, xe đạp, xích lô... Bất cứ ai lái xe khi có rượu bia đều cần xử phạt nặng.

(Long Hoàng - nguyenhoanglongan@...)

* Phạt nặng, cần thực hiện ngay! Nhiều nước phạt nặng hơn rất nhiều. Dân chúng sẽ ủng hộ 100% vì nó sẽ làm giảm đau thương, mất mát vì tai nạn giao thông.

(ducminhphan@...)

* Cần tăng nặng hình phạt vi phạm giao thông để người ta thấy sợ không dám vi phạm luật, đồng thời cũng phải giám sát lực lượng CSGT, nếu phát hiện nhận tiền để bỏ qua lỗi vi phạm thì sa thải ngay.

(nguyen tu - nguyentutsnl@...)

* Tài xế vẫn lái xe sau khi sử dụng rượu bia vì xử phạt không đủ mạnh, xử phạt quá nhẹ, đến độ người dân quá phẫn nộ.

(nguyenthanhhue - nguyenthaznhhue1950@...)

* Căn cơ nhất hiện nay chính là xử nghiêm lực lượng công an làm nhiệm vụ. Chúng ta có luật mà người thực thi không tuân thủ, dựa vào luật để "làm luật" thì chẳng thể xây dựng được văn hóa giao thông tốt hơn. Quy định CSGT không nhận tiền, vật chất... dưới mọi hình thức, tại sao không?

(ĐỨC LIÊM - ducliem.hcm@...)

* Tài xế say rượu, dùng ma túy gây tai nạn chết người hoặc gây thương tích... cần bị tước bằng lái vĩnh viễn. Tài xế bị kiểm tra có nồng độ bia rượu vượt ngưỡng thì tạm giữ bằng lái kèm phạt tiền, tái phạm thì tước luôn bằng lái, sau nhiều năm mới được học và thi lấy bằng mới. CSGT cứ tổ chức chặn ngay xe gần quán bia để kiểm tra tài xế, không sợ bị phản cảm gì cả, còn hơn để họ gây tai nạn.

(Trần Văn Hét - vanhet852@...)

Tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu đi lao động công ích Tước bằng lái vĩnh viễn, buộc tài xế uống rượu đi lao động công ích

TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ủng hộ các đề xuất trên của lãnh đạo các địa phương và đề nghị đưa vào nội dung sửa đổi các luật, nghị định liên quan nhằm ngăn chặn các vụ tai nạn thảm khốc do tài xế dùng rượu bia, ma túy.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên