25/12/2019 21:55 GMT+7

Xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD, CPTPP có hiệu lực lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành công thương

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD, CPTPP có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chính thức được ký kết là 3/10 sự kiện nổi bật ngành công thương năm 2019 vừa công bố tối 25-12.

Xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD, CPTPP có hiệu lực lọt top 10 sự kiện nổi bật ngành công thương - Ảnh 1.

Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tối 25-12, Bộ Công thương công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành công thương năm 2019, với bình chọn đầu tiên dành cho việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỉ USD trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Các sự kiện tiếp theo được xếp hạng như sau:

2. Việt Nam thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết.

3. Công tác quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, xuất xứ được củng cố, góp phần quan trọng ổn định thị trường.

4. Thực hiện kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia trên phạm vi toàn quốc được chính thức khai trương vào ngày 9-12-2019 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

5. Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngành.

6. Sự tăng trưởng bứt phá của thương mại điện tử đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

7. Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện, với chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm) - theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019.

8. Việt Nam thành công trong việc sản xuất máy biến áp nguồn dự phòng 500kV công suất 467 MVA.

9. Quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực.

10. Việt Nam đạt được bước phát triển đột phá về năng lượng mặt trời với với công suất đưa vào vận hành lên tới gần 5.000 MW.

Trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành được xếp hạng nói trên, Bộ Công thương lý giải cho sự kiện xếp thứ 2 khi thực hiện mở cửa hội nhập một cách mạnh mẽ hơn với Hiệp định CPTPP và EVFTA chính thức được ký kết là "dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới".

Hay với sự kiện xếp thứ 7 đề cập đến "Chỉ số tiếp cận điện năng tiếp tục được cải thiện", Bộ Công thương dẫn kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại báo cáo Doing Business 2019 cho thấy chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm), tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4 và nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP. Đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế, cũng như duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện.

Cụ thể tại Việt Nam, khách hàng chỉ cần thực hiện 4 thủ tục, thấp hơn trung bình số thủ tục các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,2 thủ tục). Độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch về giá điện được Doing Business của Ngân hàng Thế giới đánh giá đạt 7/8 điểm, ngang bằng các nước nhóm 4 ASEAN.

"Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi mà năm 2019 chứng kiến sự tụt hạng của một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore từ vị trí thứ 16 xuống vị trí thứ 19 thế giới, Philippines tụt xuống đứng thứ 6 khu vực sau Brunei", Bộ Công thương thông tin.

Đáng chú ý, sự kiện xếp thứ 9 "quá trình tái cơ cấu lực lượng quản lý thị trường đã đạt được những kết quả tích cực" cũng được Bộ Công thương đưa vào bảng xếp hạng, dù Tổng cục Quản lý thị trường phải mất gần 1 năm để "xếp chỗ" cho hơn 6.500 cán bộ kể từ khi được thành lập vào tháng 8-2018.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên