27/10/2017 16:55 GMT+7

Xúc tiến đầu tư ở Khu Công nghệ cao TP.HCM: tầm nhìn chiến lược

T.D.V
T.D.V

Sau 15 năm, kể từ ngày thành lập (24/10/2002 – 24/10/2017), Khu Công nghệ cao TP.HCM (Saigon Hi-Tech Park) trở thành quần thể sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao với nhiều tên tuổi lớn trong nước và tầm thế giới.

Xúc tiến đầu tư ở Khu Công nghệ cao TP.HCM: tầm nhìn chiến lược - Ảnh 1.

Khu Công nghệ cao TP.HCM

Khu Công nghệ cao TP.HCM (viết tắt là SHTP) hiện ra cơ ngơi của một quần thể sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao với nhiều tên tuổi lớn trong nước và tầm thế giới như Intel, Samsung, Nidec, FPT, Jabil, Sonion, Sanofi, Nipro, Sonion, Datalogic, Nanogen, United Healthcare…

Tính đến hết tháng 9/2017, Khu Công nghệ cao TP.HCM (viết tắt là SHTP) đã cấp 128 giấy phép cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt "cơ ngơi" trên diện tích rộng lớn 913 hecta (thuộc địa bàn Q.9, TP.HCM).

TS. Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban Quản lý SHTP chia sẻ: "Quỹ đất của SHTP đã hết. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển Khu Công viên khoa học Thành phố để tiếp tục đón nhận những dự án công nghệ cao có ý nghĩa về chất và lượng cho Thành phố".

TS. Lê Hoài Quốc hồ hởi: "Năm 2017, sẽ có 12 dự án đến từ Hoa Kỳ, Nhật, Hà Lan, Đức... đầu tư vào Khu Không gian Khoa học và khu sản xuất của SHTP với tổng vốn đầu tư 651 triệu USD".

Trải thảm đỏ cho tương lai

Ông Phạm Chánh Trực, vị Trưởng ban đầu tiên của SHTP không thể quên những kỷ niệm của những ngày đầu tiên khi cùng với lãnh đạo TP.HCM, các Bộ ngành, kể cả cùng với các đời nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải làm "xúc tiến đầu tư" tại nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp… và đặc biệt là Hoa Kỳ.

"Cứ đi, cứ tổ chức những hội nghị khách hàng để giới thiệu về mô hình SHTP với những ưu đãi với những vị diễn giả đặc biệt như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Phan Văn Khải…", ông Phạm Chánh Trực kể lại.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Trưởng phòng Xúc tiến Đầu tư của SHTP, muốn doanh nghiệp nước ngoài biết đến SHTP, phải tìm cơ hội tiếp cận với các tổ chức quốc tế như JETRO, KOTRA, EUROCHAM…, lãnh sự quán các nước như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Singapore, Đức…; hội nghị xúc tiến đầu tư của các nước ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brunei, Philippines); hội nghị xúc tiến đầu tư tại Frankfurt (Đức), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản); hội nghị thường niên của Hiệp hội các Khu Công viên Khoa học Thế giới (IASP)... để giới thiệu, quảng bá hình ảnh SHTP.

SHTP cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến; đặc biệt là trong 4 năm (2011, 2014, 2015 và 2016) tích cực xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ để mời gọi các nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) về nước…

Không chỉ trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng chính sách, cơ chế ưu đãi hấp dẫn, bà Lê Bích Loan, phó trưởng ban Ban Quản lý SHTP cho rằng, "phải có chiêu mời gọi mới đạt được mục đích"!

Bà Loan phân tích: "Một xu hướng có tính quy luật: khi những "dự án tỷ đô (USD)" được công bố, các dự án vệ tinh và công nghiệp hỗ trợ sẽ theo vào. Bằng chứng, sau khi dự án tỷ đô của Intel xuất hiện (giai đoạn I của SHTP), hàng loạt nhà cung ứng xuất hiện.

Sau dự án 2 tỷ USD của Samsung (giai đoạn 2), nhiều doanh nghiệp vệ tinh của Hàn Quốc, Việt Nam… đã xuất hiện, như: New Hanam, Minh Nguyên…".

Tính tới tháng 9/2017, SHTP đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 128 dự án, trong đó: lĩnh vực Vi điện tử - CNTT – Viễn thông có 35 dự án, lĩnh vực Công nghệ Sinh học có 20 dự án, lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ có 15 dự án, lĩnh vực Cơ khí chính xác và Tự động hóa có 12 dự án, lĩnh vực Vật liệu mới - Năng lượng mới có 4 dự án, công nghiệp hỗ trợ có 15 doanh nghiệp...

Khi giai đoạn 1 của SHTP kết thúc, Ban Quản lý SHTP đã thể hiện "tầm nhìn chiến lược của mô hình công nghệ cao" bằng cách đặt ra những yêu cầu cao hơn cho các nhà đầu tư, như: phải xây dựng và tổ chức hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), nâng giá trị nội địa hóa để phát triển khối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Đồng thời, Ban Quản lý SHTP đã thể hiện trách nhiệm khi ban hành nhiều chính sách để chia sẻ, động viên các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu, như Chương trình thương mại hóa sản phẩm đang thực hiện.

Khi chuyển sang thực hiện giai đoạn 2, SHTP có những dự án lớn. Trong năm 2015, theo Trưởng ban Lê Hoài Quốc có 3 giấy phép quan trọng: giấy chứng nhận điều chỉnh vốn cho Samsung Electronics từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD, cấp 15 ha đất để tổ chức giáo dục Fulbright xây dựng "một trường đại học tốt nhất thế giới tại Việt Nam" và dự án Saigon Silicon City.

Theo TS. Quốc, dự án Saigon Silicon City đã khởi công, ban đầu dự án này có 15 doanh nghiệp người Việt tại Hoa Kỳ ở ba lĩnh vực: giải pháp phần mềm, giải pháp trí tuệ và gia công thiết bị.

"Mục tiêu của Saigon Silicon City là tạo ra không gian cho cộng đồng doanh nghiệp phụ trợ với các tập đoàn lớn đang có mặt tại SHTP", TS. Quốc nói.

Dù chưa có những dự án "tỷ đô" nhưng năm 2017 đã đánh dấu những thành công của SHTP trong hoạt động xúc tiến đầu tư khi có những dự án đến từ Silicon Valley (Hoa Kỳ). Trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ tháng 7/2017, SHTP trao giấy phép đầu tư cho ba doanh nghiệp Mỹ gốc Việt. Đó là công ty KNT Asia với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD, Onsky Asia với số vốn đầu tư 27 triệu USD và trung tâm phát triển phần mềm Reqes với vốn đầu tư 1 triệu USD. 

Xúc tiến đầu tư ở Khu Công nghệ cao TP.HCM: tầm nhìn chiến lược - Ảnh 4.

Nghiên cứu của Nanogen

Tiếp sau những dự án này, nhiều hoạt động bỗ trợ tích cực như: tập đoàn Allied Telesis và công ty SSC (SHTP) ký kết xây dựng trung tâm quản lý điều hành (Smart Center) với số vốn đầu tư 50 triệu USD trong khuôn viên SSC.

Dù tiếp nhận các dự án đầu tư với những điều kiện khắt khe hơn nhưng quan điểm của SHTP là  "Cam kết hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động". Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ cam kết sẽ đầu tư tại SHTP mà còn đánh giá "SHTP là một điểm đến hấp dẫn hiện nay và tương lai".

Năm 2013, SHTP có 8 dự án, trong đó 6 dự án trong nước và 2 dự án nước ngoài (FDI). Năm 2014 được đánh giá là thời điểm kêu gọi nguồn vốn đầu tư lớn nhất. Dù chỉ có 8 dự án (5 dự án trong nước, 3 dự án FDI) nhưng giá trị là 2,23 tỷ USD (phần vốn FDI là 2,14 tỷ USD) vì có dự án của Samsung.

Từ năm 2015 cho đến 2017, mức vốn kêu gọi đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD/ năm. Như năm 2015 có 27 dự án (18 dự án trong nước, 9 dự án FDI) có tổng vốn 886 triệu USD (riêng FDI là 368,5 triệu USD). Năm 2017 có 31 dự án (18 dự án trong nước, 13 dự án FDI) có số vốn đăng ký là 869,7 triệu USD, trong đó vốn FDI là 364 triệu USD.


Giá trị sản xuất của SHTP đã tăng trưởng đều đặn với mức năm sau gấp đôi năm trước. Năm 2010 giá trị sản xuất chỉ đạt 0,5 tỷ USD, năm 2011 là 1 tỷ USD, năm 2012 trên 2 tỷ USD, năm 2013 là 2,85 tỷ USD, năm 2014 là 3,25 tỷ USD, năm 2015 là 4,6 tỷ USD. Năm 2016 giá trị sản xuất là 7,6 tỷ USD. Năm 2017, dự kiến giá trị sản xuất của SHTP ước chừng 12 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo vào năm 2020, giá trị sản xuất của SHTP là 20 tỷ USD.
T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên