26/06/2019 12:11 GMT+7

YouTube không 'dọn' clip độc, doanh nghiệp đừng quảng cáo!

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với các doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới chiều 25-6.

YouTube không dọn clip độc, doanh nghiệp đừng quảng cáo! - Ảnh 1.

Nguồn: theo tổ chức ANTS - Nội dung: ĐỨC THIỆN - Đồ họa: T.ĐẠT

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế... và đại diện các công ty quảng cáo, các doanh nghiệp có nhãn hàng quảng cáo trên YouTube, Google.

Cố tình vi phạm để kiếm tiền

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) - cho biết YouTube đang chia sẻ 55.000 video, clip có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật, phát tán tin giả.

Tuy YouTube đã phối hợp gỡ 8.000 clip theo đề nghị của Bộ Thông tin và truyền thông trong thời gian qua, nhưng ông Lâm đánh giá "quá trình xử lý này thụ động, chỉ khi chúng tôi báo YouTube mới xử lý, còn tranh luận, thảo luận rất nhiều mới gỡ. YouTube chỉ gỡ từng link, không gỡ kênh vi phạm nên không hiệu quả".

Ông Lâm cũng công bố một thông tin gây chú ý là "có nhiều YouTuber Việt Nam chủ động vi phạm pháp luật để kiếm tiền ở thị trường Việt Nam và cả thị trường nước ngoài. Ví dụ 10 đồng tiền vi phạm trên các kênh tiếng Việt của YouTube thì những vi phạm từ Việt Nam là 5,8 đồng".

Những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nội dung vi phạm pháp luật trên các trang tiếng Việt trên YouTube gia tăng là do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.

Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, những vi phạm trên YouTube gây ra thiệt hại quy mô lớn trên cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Quảng cáo của hàng trăm thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất hiện trong những clip vi phạm pháp luật.

Một nguồn tiền lớn từ các doanh nghiệp Việt vô hình trung đang chảy vào "nuôi" những kênh vi phạm pháp luật Việt Nam thông qua việc xuất hiện quảng cáo trên những kênh này.

Mặt khác, Google, YouTube đang có cơ chế cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp nên Nhà nước không thu được thuế từ nguồn tiền này.

YouTube không dọn clip độc, doanh nghiệp đừng quảng cáo! - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu. Bởi vậy, tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các bạn, các doanh nghiệp chi tiền vào đâu. Các bạn hãy cân nhắc mỗi hành động của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Không dọn clip độc, dừng quảng cáo

Ông Nguyễn Tuấn Anh - đại diện Shopee Việt Nam, một doanh nghiệp bị dính quảng cáo trên YouTube vào những clip có nội dung vi phạm pháp luật - chia sẻ: "Việc này đã ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Chúng tôi đã yêu cầu dừng quảng cáo của Shopee trên YouTube, Google cho đến khi xử lý được vấn đề này".

Tương tự, đại diện một số thương hiệu lớn như Yamaha Việt Nam, VNG... cũng cho biết đã kiên quyết yêu cầu YouTube và các đại lý quảng cáo xử lý triệt để tình trạng xuất hiện quảng cáo của mình trên các clip có nội dung vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Tân - tổng giám đốc VCCorp, một trong những nguyên nhân dẫn đến quảng cáo bị xuất hiện trên nội dung xấu, độc là do doanh nghiệp chưa có thói quen trả tiền cho việc quảng cáo trên nội dung sạch, thường có chi phí cao hơn so với quảng cáo tự động.

Để bảo vệ an toàn và giá trị thương hiệu, theo ông Tân, các doanh nghiệp nên sẵn sàng trả chi phí cao hơn để mua quảng cáo trên những kênh lành mạnh.

Trước những vấn đề được đặt ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp cần ủng hộ ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung; kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan trên không gian mạng.

"Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào. Doanh nghiệp muốn đi xa thì phải tử tế" - ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông để giải quyết việc ngăn chặn dòng tiền mà Google trả cho các video xấu, độc.

Một số yêu cầu của Bộ Thông tin và truyền thông với YouTube

- Báo cáo đầy đủ về kinh doanh quảng cáo ở Việt Nam, ví dụ tính năng bật kiếm tiền (chia thu nhập quảng cáo).

- Phải định danh kênh YouTube tiếng Việt, chỉ những kênh không vi phạm pháp luật mới được trả tiền quảng cáo, những kênh đã vi phạm không được chia sẻ nguồn tiền quảng cáo.

- Bỏ tính năng suggest (đề nghị) đối với các kênh mà bộ đã thông báo vi phạm.

- Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây…

Thương hiệu Việt vi phạm pháp luật vì... YouTube Thương hiệu Việt vi phạm pháp luật vì... YouTube

TTO - Mặc dù hàng loạt thương hiệu lớn của Việt Nam đã được cảnh báo và tìm cách gỡ bỏ quảng cáo trong các clip có nội dung xấu độc trên YouTube nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên