26/10/2018 16:59 GMT+7

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Ân triêm khô cốt di truyền cổ/ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim" (Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ/Giữ được tàn hồn lại thấy nay) - đó là lời khắc trên trụ đá ở nghĩa trủng Hòa Vang có từ năm Tự Đức thứ 19 (1866).

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 1.

Tưởng niệm những người ngã xuống vì chống Pháp để bảo vệ độc lập tại nghĩa trủng Hòa Vang - Ảnh: TRIỀU SA

Đây là nơi an nghỉ của hơn 1.000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp.

Những "nghĩa trủng"

Dẫn chúng tôi đi đúng một vòng nghĩa trủng rộng hơn 4.000m2, cụ bà Nguyễn Thị Hai, người dân làng Khuê Trung, dừng lại trước phần bia cổ có ghi chữ "Nghĩa trủng Hòa Vang". "Đó là văn bia khắc tên và lời dụ của vua từ năm 1866" - bà Hai nói.

Ban đầu nghĩa trủng (tức nghĩa trang theo tiếng Hán) được lập tại làng Nghi An (nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), nơi đóng trại của đại quân triều Nguyễn. Sau đó di dời về làng Khuê Trung năm 1920 khi người Pháp làm sân bay Đà Nẵng.

Khi quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam, lại phải dời nghĩa trủng đến chỗ hiện nay cũng thuộc phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ).

Thắp nắm nhang nghi ngút khói, bà Hai nói đây là nghĩa trang đầu tiên trên cả nước chôn cất những anh hùng, nghĩa sĩ đầu tiên chống Pháp.

Những người lớn tuổi ở làng Khuê Trung và Nghi An như bà Hai không biết đến ghi chép trong chính sử nhưng với họ, ngày 16-3 âm lịch hằng năm là ngày làng làm lễ tế Tiền hiền làng và dâng hương tưởng niệm vong linh nghĩa sĩ hi sinh trong buổi đầu đánh Pháp.

Trong bảng chỉ dẫn thông tin về di tích cấp quốc gia (được công nhận năm 1999) có ghi do trong điều kiện chiến tranh, việc quy tập mai táng nghĩa sĩ hi sinh lúc đó chỉ tạm thời.

Khi Đà Nẵng được yên bình, nhân dân đã lập các nghĩa trủng và quy tập các hài cốt, xây đắp mộ cho những chiến sĩ, nghĩa quân vong trận.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, việc thành lập nghĩa trủng này là theo ý tưởng của vua Tự Đức, vị tổng tư lệnh cuộc chiến Mậu Ngọ (1858-1860).

Cái độc đáo nhất chỉ riêng Đà Nẵng mới có là ngay sau khi kết thúc chiến tranh Việt - Pháp không lâu, lần đầu tiên ở nước ta, hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia - nghĩa trủng Phước Ninh và nghĩa trủng Hòa Vang với gần 3.000 phần mộ - được thành lập để làm nơi yên nghỉ cho các quan quân triều đình và một số thường dân Đà Nẵng đã vị quốc vong thân.

Không như nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh nay đã được dời một phần để nhường đất cho công cuộc mở mang thành phố.

Nhưng vẫn còn đó, ngay bên trục đường đắt giá nhất một không gian tôn vinh khí phách của những người vị quốc vong thân.

"Cần làm sao để trải qua thời gian dâu bể, dẫu cái nghĩa trủng xưa có thể chỉ còn một chút dấu tích nhưng người đời vẫn nhận ra đây không chỉ là di sản máu xương của quân dân Đà Nẵng 160 năm trước, mà còn là tấm lòng và trách nhiệm của người Đà Nẵng hôm nay đối với những bậc tiền nhân" - ông Tiếng nói như tâm sự.

Nghĩa địa quân viễn chinh

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 2.

Nghĩa địa Y Pha Nho theo cách gọi của người dân Đà Nẵng là chứng tích cho cuộc xâm lăng bất thành vào Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nằm dưới chân núi Sơn Trà ngay lối ra cảng biển Tiên Sa là một nghĩa địa đặc biệt nằm lẫn khuất dưới những bóng cây sứ già. Nó độc đáo, khác biệt với mọi nghĩa địa trên dải đất hình chữ S này không chỉ bởi lối kiến trúc xây mộ mà còn vì danh tính của những người nằm dưới ba tấc đất.

Bên dưới hàng chục ngôi mộ thập tự giá có bia khắc rất rõ thời điểm qua đời của những người quá cố: năm 1858-1859-1860.

Đó là năm mà những chiến thuyền nổ súng bắn phá vào mảnh đất bên sông Hàn. Còn những người ngã xuống ở đây không ai khác chính là những sĩ quan và binh lính của liên quân viễn chinh.

Ở chính diện nghĩa địa này là một nhà nguyện chưa đầy 30m2, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức Công giáo. Bên trong có khắc ghi dòng chữ tiếng Pháp: "Tưởng nhớ những chiến sĩ Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly. Chết những năm 1858, 1959, 1960 và đã chôn tại nơi này".

Bước đến bậc tam cấp dẫn vào nhà nguyện, ông Hồ Tấn Tuấn, giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết phía sau khu vực này trước đây có lối đi vào hầm chôn tập thể của những binh sĩ tử trận được hốt hài cốt từ các nơi mang về. Riêng khu vực phía trên khuôn viên là nơi chôn của các sĩ quan.

Ông Tuấn kể: "Ngày trước đây là hầm mộ có lối vào, hài cốt binh sĩ các nơi được mang về trong các hòm kẽm chôn chung. Sau này xương cốt lộ ra nhiều quá, người dân mới trám ximăng lấp hầm lại".

Với người Đà Nẵng, lâu nay họ vẫn dùng cách gọi "nghĩa địa Y Pha Nho" (español - Tây Ban Nha) để chỉ khu vực này. Nhưng lần giở những tư liệu lịch sử, đây lại là mồ chôn tập thể của hơn 1.000 quân viễn chinh đa phần đến từ Pháp.

Đây có thể xem là chứng tích của cuộc xâm lăng VN sau hơn 18 tháng gây chiến. Sau khi quân Pháp cuốn gói khỏi VN đã để lại chứng tích "một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá" này - theo cách nói của sử gia người Pháp P. Héduy trong cuốn Lịch sử Đông Dương.

Không có con số thống kê đầy đủ tổn thất của giặc, nhưng những nấm mồ quân viễn chinh chôn rải rác khắp chân núi bán đảo Sơn Trà với số lượng lên tới hàng ngàn là có thể hiểu cuộc chiến của Pháp gây ra tại Đà Nẵng đã gây thiệt hại về người như thế nào cho họ.

Theo nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô, có nhiều sử liệu có thể khẳng định đây là một "đồi hài cốt" qua thư của hiệu trưởng Trường Viễn Đông Bác Cổ gửi toàn quyền Đông Dương ngày 25-5-1921.

Trong thư có đề nghị cho tu sửa khu nghĩa địa này: "Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng".

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - kỳ 3: Chứng tích máu xương - Ảnh 3.

Hình tư liệu về quân nhà Nguyễn trong buổi đầu đánh Pháp

Theo bi ký của nghĩa trủng Phước Ninh lập năm Tự Đức thứ 29 (1876), thì án sát Quảng Nam Nguyễn Quý Linh và lãnh binh Trương Tải Phú đã chọn đất ở làng Phước Ninh để làm nơi quy tập hài cốt của những nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hi sinh ở trận Pháp đánh chiếm Đà Nẵng trong những năm 1858-1860.

Quản cơ Nguyễn Lân cùng hiệp quản Nguyễn Đồ đã chỉ huy quân lính tìm được hơn 1.500 ngôi mộ, bốc hài cốt vào những quách bằng sành, đưa về mai táng tại đây.

Kỳ tới: Phục dựng thành Điện Hải

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên