10/03/2023 21:49 GMT+7

17 cán bộ ngân hàng tiếp tay 'siêu lừa' chiếm đoạt 430 tỉ như nào?

17 cán bộ của ba ngân hàng bị đưa ra xét xử với cáo buộc giúp sức cho “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 430 tỉ đồng.

17 cán bộ ngân hàng tiếp tay siêu lừa chiếm đoạt 430 tỉ như nào? - Ảnh 1.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ của ba ngân hàng tại phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 10-3, phiên tòa xét xử kỳ án "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ của ba ngân hàng bắt đầu phần thẩm vấn.

Trước đó, hội đồng xét xử dành hơn một ngày để đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài 170 trang.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 người, trong đó có 17 cựu cán bộ ngân hàng, bị TAND Hà Nội xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

17 cựu cán bộ ngân hàng trong vụ án bị cáo buộc bỏ qua nhiều bước, không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo là khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng; lập tờ trình cấp tín dụng khi hồ sơ thiếu sót, giả mạo, chưa qua thẩm định.

"Bị cáo không thẩm định lại, cứ thế ký"

Bản cáo trạng được viện kiểm sát công bố tại tòa cho thấy Nguyễn Thị Hà Thành từng có thời gian dài giao dịch tại các ngân hàng, dẫn được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền với số lượng lớn nên được các nhà băng này xem là "khách hàng VIP".

Từ tháng 6 đến tháng 11-2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản vay nên đã cùng đồng phạm và cấu kết với một số cán bộ ngân hàng, giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỉ đồng.

Ba ngân hàng bị lừa tiền trong vụ án này gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VAB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Mở đầu phần xét hỏi, chủ tọa thẩm vấn các hành vi của nhóm cựu cán bộ ngân hàng NCB. Theo cáo trạng, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành đã câu kết với các cán bộ tại đây thực hiện bốn vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 47,5 tỉ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp, Trung tâm giao dịch Vạn Xuân, Ngân hàng NCB) khai cho Nguyễn Thị Hà Thành vay theo hình thức thế chấp nên "chỉ cần thẩm định tài sản thế chấp đó một lần".

Theo lời khai của Trung, các lần vay sau nhân viên ngân hàng này "không thẩm định lại" mà "cứ thế ký".

Trung biện minh rằng "đó là quy định của ngân hàng nên mình không làm sai".

17 cán bộ ngân hàng tiếp tay siêu lừa chiếm đoạt 430 tỉ như nào? - Ảnh 2.

Trong số 26 bị cáo có 17 cựu cán bộ ngân hàng bị đưa ra xét xử với cáo buộc giúp sức "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành - Ảnh: DANH TRỌNG

Lời khai của bị cáo Trung còn cho thấy nhân viên ngân hàng này thậm chí còn không đi gặp chủ tài sản thế chấp là ông Đặng Nghĩa Toàn để xác nhận họ có muốn dùng tài sản của mình là các sổ tiết kiệm gửi 50 tỉ tại NCB để thế chấp cho Hà Thành vay tiền hay không.

Cấp trên của Trung là Trần Thị Hoa - cựu phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của NCB - khai khi được nhân viên trình duyệt cấp tín dụng cho công ty của Hà Thành vay cũng không kiểm tra.

Thậm chí, Hoa còn đốc thúc Trung liên hệ ngay quầy giao dịch, mở tài khoản cho công ty của Hà Thành là Eurocell để giao dịch.

Cả Hoa và Trung đều không nắm được thông tin công ty "sân sau" của Hà Thành (Eurocell) đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đã ngừng hoạt động.

Dùng pháp nhân của công ty đã dừng hoạt động để vay tiền ngân hàng

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (nguyên giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) cho biết không có ý kiến gì với cáo buộc Tùng giúp sức cho Hà Thành trong một số vụ lừa đảo tại ba ngân hàng.

Tuy nhiên, Tùng khẳng định "bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì".

Theo lời khai, Tùng và Hà Thành cùng làm ăn, nên quen biết nhau và bị cáo là người đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam.

Năm 2017, công ty trên dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Tùng và Hà Thành đã sử dụng pháp nhân của công ty này để vay tiền của ba ngân hàng.

Tùng lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, biên bản đối chiếu công nợ của Eurocell và một công ty khác, đồng thời ký giả chữ ký của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn và lăn giả dấu vân tay trên các chứng từ để làm hồ sơ vay tiền.

Tại tòa, Nguyễn Thanh Tùng cho rằng việc vay bằng tài sản thế chấp với pháp nhân trên là hợp lý.

Bị cáo cũng nhiều lần vay tiền cho Hà Thành và đều được nhân viên các ngân hàng duyệt hồ sơ. Tùng khai đồng ý giúp Hà Thành trong việc vay tiền các ngân hàng nhưng "không hưởng lợi gì".

Bị cáo Đỗ Minh Đức, giám đốc phát triển khách hàng miền Bắc của PVcombank, khai khi Nguyễn Thị Hà Thành muốn làm hồ sơ vay vốn từ sổ tiết kiệm 52 tỉ đồng gửi tại ngân hàng, Đức giao Bùi Văn Tuấn đi gặp ông Toàn để xác minh.

Theo lời khai của Đức, do cấp dưới báo cáo lên hồ sơ vay tiền của Hà Thành đã đầy đủ nên bị cáo này ký phê duyệt tờ trình cấp tín dụng và giải ngân cho vay.

Đức khẳng định không biết việc Tuấn đã để cho Hà Thành giả mạo chữ ký của ông Toàn trong hồ sơ vay. "Bị cáo ký duyệt do tin tưởng cấp dưới, thấy hồ sơ đầy đủ", Đức khai.

Trong khi đó, cấp dưới của ông Đức là Bùi Văn Tuấn lại khẳng định đã báo cáo với cấp trên đầy đủ và được Đức đồng ý.

Đối chất tại tòa, bị cáo Đức phủ nhận lời khai của cấp dưới và cho rằng "lời khai của Tuấn là gian dối".

Khi được hỏi về trách nhiệm của mình, Đức phân trần: "Theo suy nghĩ, nhận thức của bị cáo, với vai trò là giám đốc phát triển khách hàng, để xảy ra vụ việc làm hồ sơ giả lừa đảo ngân hàng bị cáo thấy mình có trách nhiệm, rất hối hận và hối tiếc".

Vụ ‘siêu lừa’ 430 tỉ đồng: Người gửi tiền ngân hàng không liên quan hành vi lừa đảoVụ ‘siêu lừa’ 430 tỉ đồng: Người gửi tiền ngân hàng không liên quan hành vi lừa đảo

Ngày mai 26-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử kỳ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 430 tỉ của ba ngân hàng. Nhiều cán bộ ngân hàng cũng phải hầu tòa vì tiếp tay “siêu lừa”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên