13/07/2017 11:00 GMT+7

​190 triệu USD cho các chương trình dân số, sức khỏe sinh sản

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã thành công trong việc hỗ trợ Chính phủ giải quyết các nguyên nhân sâu xa gây ra bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và ứng phó với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Trong vòng 40 năm, Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ tài chính cho Việt Nam với tổng số tiền lên tới 190 triệu USD và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho chính phủ và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường tiếp cận của người dân tới các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thu thập dữ liệu dân số và phát triển có chất lượng cao, giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới, xây dựng năng lực quốc gia trong xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách dựa trên bằng chứng về các lĩnh vực trên.

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, năm 1977, Chương trình hợp tác đầu tiên giữa chính phủ Việt Nam và Quỹ được xây dựng. Đến nay, Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã cùng đồng hành và thực hiện 9 chương trình hợp tác, với thời gian 5 năm cho mỗi chương trình và với tổng số gần 100 dự án. Các dự án này được triển khai ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương (tại 12 tỉnh trên toàn quốc).

Nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết mang tính lâu dài trong vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc luôn chú trọng tới chương trình nghị sự về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã thành công trong việc hỗ trợ Chính phủ giải quyết các nguyên nhân sâu xa gây ra bất bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới và ứng phó với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Thêm vào đó, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã nâng cao nhận thức của người dân và đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, tăng cường năng lực cho các đối tác thông qua việc xây dựng một cơ chế phối hợp quốc gia trong phòng chống bạo lực gia đình.

Tại Việt Nam, tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2,09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67% trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009, và hiện đã giảm xuống 58,3/100.000 vào năm 2016.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu: khoảng 214 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển còn thiếu các phương tiện tránh thai an toàn và hiệu quả. Hầu hết những phụ nữ này sống ở 69 nước nghèo nhất trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại sẽ cứu sống được nhiều phụ nữ do ngăn chặn được gần 67 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm được 1/3 số ca tử vong mẹ hàng năm (tức giảm khoảng 100.000 ca trong tống số 303.000 ca chết toàn cầu 1 năm).

Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tốt hơn, bao gồm kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, có thể thúc đẩy nền kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững, bằng cách trao quyền cho phụ nữ để họ có thể hoàn thành việc học tập, tham gia vào lực lượng lao động được trả lương, làm việc hiệu quả hơn, có thu nhập cao hơn và tăng tiết kiệm và đầu tư. Ngoài ra, nếu tăng thêm 1 USD cho các dịch vụ tránh thai so với mức chi hiện tại thì chi phí chăm sóc liên quan đến thai nghén sẽ giảm xuống 2,3 USD.

Nguồn: Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên