11/12/2023 21:02 GMT+7

2 cựu lãnh đạo Khánh Hòa giao đất vàng không qua đấu thầu, đấu giá vì 'không biết quy định'

Phiên tòa ngày 11-12 xét xử bốn bị cáo (là cựu lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến sai phạm ở dự án Nha Trang Golden Gate) tập trung xét hỏi xoay quanh việc cho đầu tư dự án, thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất trái pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - trả lời tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: MINH CHIẾN

Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - trả lời tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: MINH CHIẾN

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đồng ý về chủ trương thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng); ký cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch, mặc dù dự án chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư là sai quy định pháp luật.

Giao dự án không đấu thầu, đấu giá

Tòa hỏi ông Thắng tại sao lại chọn Công ty Đỉnh Vàng là nhà đầu tư khi dự án có sử dụng đất mà không thực hiện đấu thầu.

Ông Thắng nói lúc đó có Công ty Đỉnh Vàng xin xây dựng dự án, đặt vấn đề đầu tư, ngoài công ty này không có công ty nào khác. 

Hội đồng xét xử phân tích việc lựa chọn Công ty Đỉnh Vàng là nhà đầu tư dự án có sử dụng đất mà không thực hiện đấu thầu dự án là vi phạm pháp luật, bên cạnh đó việc áp dụng pháp luật đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại để thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cũng là vi phạm pháp luật.

Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang là nhà đầu tư khi dự án có sử dụng đất mà không thực hiện đấu thầu - Ảnh: MINH CHIẾN

Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang là nhà đầu tư khi dự án có sử dụng đất mà không thực hiện đấu thầu - Ảnh: MINH CHIẾN

Về việc tỉnh thu hồi hai khu đất của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Tổng công ty Điện lực miền Trung để giao doanh nghiệp làm dự án này, tòa cũng phân tích cho thấy các chủ trương, chỉ đạo của ông Thắng là sai.

Cụ thể việc thu hồi khu đất 14.026,7m² của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa là trái quy định, vi phạm về hình thức xử lý nhà đất công sản.

Khu đất này của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa thuộc diện phải xử lý di dời do ô nhiễm; trong các hình thức xử lý đất tại vị trí cũ, không có trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế theo quy định Luật Đất đai 2003.

Vậy nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chỉ đạo để TP Nha Trang thu hồi diện tích đất nêu trên và sau đó giao cho doanh nghiệp.

Việc thu hồi đất đối với khu đất 6.109,2m² do Tổng công ty Điện lực miền Trung sử dụng, để thực hiện dự án khu tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp (Nha Trang Golden Gate) đã vi phạm nghị định của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Tự điều chỉnh quy mô dự án không thông qua Thủ tướng

Ngày 7-10-2015, ông Thắng ký công văn thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch đối với dự án Nha Trang Golden Gate, cho phép chiều cao của khối khách sạn mặt tiền đường Trần Phú đến 43 tầng, khối căn hộ thương mại phía sau đến 56 tầng, quy mô 680 phòng khách sạn, 440 căn hộ du lịch và 3.240 căn hộ thương mại.

Đây là trường hợp trên 2.500 căn hộ, phải xin ý kiến và phải được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng, nhưng UBND tỉnh không thực hiện. Mặc dù Sở Xây dựng đã có ý kiến tham mưu nhưng ông Thắng vẫn ký văn bản thỏa thuận phương án kiến trúc dự án.

Tại phiên tòa, bị cáo Thắng cho hay không biết về quy định dự án có tổng số hơn 2.500 căn nhà ở phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, lúc ký cũng không được nghe tổ tư vấn đưa ra ý kiến.

Hội đồng xét xử chỉ rõ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, văn bản thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch đối với dự án Nha Trang Golden Gate trái với đồ án quy hoạch chung của TP Nha Trang đến năm 2025 (chiều cao tối đa 40 tầng).

"Vụ án bị khởi tố thì tôi mới đọc và thấy nhiều thiếu sót"

Bị cáo Đào Công Thiên thừa nhận những thiếu sót khi làm phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN

Bị cáo Đào Công Thiên thừa nhận những thiếu sót khi làm phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN

Với vai trò phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị cáo Đào Công Thiên đã ký quyết định giao đất, cho thuê đất vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật nhà ở.

Cụ thể giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê, sử dụng đất thương mại dịch vụ nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất.

Tòa hỏi ông Thiên vì sao phụ trách lĩnh vực đất đai, bắt buộc phải hiểu biết các quy định của pháp luật để áp dụng cho đúng, nhưng bị cáo lại ký giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá?

Trả lời, ông Thiên nói rằng lúc ký quyết định giao đất thì không suy nghĩ về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức nào. "Tới lúc vụ án bị khởi tố thì tôi mới đọc và thấy nhiều thiếu sót", ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng cho hay có đọc qua các tờ trình do chuyên viên gửi lên nhưng "chỉ đọc qua và có một số góp ý, chứ không đọc kỹ". Ông nói ông chỉ ký chứ làm lãnh đạo không thể đọc và thẩm định hết các nội dung trình ký, vì đó là việc của các cơ quan tham mưu.

Ngày mai, tòa tiếp tục xét hỏi.

Ngày mai 11-12, 2 cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại hầu tòaNgày mai 11-12, 2 cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại hầu tòa

Theo kế hoạch xét xử, ngày mai 11-12, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bốn bị can là cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về tội “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên