02/01/2013 08:27 GMT+7

2 tháng và 20 triệu

LÊ TÂN SƠN
LÊ TÂN SƠN

TT - Từ ngày 1-1-2013, các website nhạc số lớn, chiếm thị phần thống lĩnh tại Việt Nam đã đồng loạt thu phí tải nhạc theo thỏa thuận với MV Corp.

YpZk6Vef.jpgPhóng to

Qua hai tháng thử nghiệm (triển khai từ ngày 1-11-2012), tổng số tiền MV Corp thu được qua các trang nhạc online như Zing Mp3, Nhạc Của Tui, Nhạc Vui, Sóc Bay, Keeng... đạt gần 20 triệu đồng. Đây được xem là trận thảm bại trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền trên thế giới trực tuyến nếu biết rằng doanh thu nhạc chờ (phần lẽ ra rất nhỏ của nhạc số nói chung) của tổng thị trường hiện lên tới 50 tỉ đồng/tháng.

Sau nhiều năm được các website chiêu đãi món tải nhạc miễn phí, vào ngày 1-11-2012 cộng đồng Internet xôn xao khi bảy trang nhạc công bố sẽ chính thức thu phí tải nhạc với mức 1.000 đồng/lượt. Nhiều chủ sở hữu tác phẩm khấp khởi mừng vì dẫu biết số tiền thu được, sau khi chia năm xẻ bảy, không còn được bao nhiêu, nhưng vẫn là tiền đề để tiến tới một thị trường lành mạnh, nơi họ có thể kiếm được tiền từ sản phẩm của mình thay vì bị xài chùa như bấy lâu.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Sau một tháng thu phí, số tiền thu được chỉ dừng ở mức hơn 15 triệu đồng. Sang tháng thứ hai, mức thu đạt chưa tới 5 triệu đồng. Ai có thể ngờ được trang nhạc hàng đầu Việt Nam là Zing Mp3 với cả chục triệu thành viên chỉ thu được vỏn vẹn 6 triệu đồng phí tải nhạc và trang lớn thứ hai là Nhạc Của Tui chỉ thu được 3 triệu đồng, thấp hơn cả trang Keeng chưa mấy tên tuổi (thu 8 triệu đồng). Theo nhận định của người trong giới, đây là điều hoàn toàn bình thường bởi khách hàng và cả chính các website đã thử nghiệm đủ, thôi tò mò và cũng đã có cách đối phó nên không còn lý do gì để phải chi tiền.

Với những phần mềm chuyên dụng như IDM (Internet Download Manager), người ta có thể dễ dàng tải được ca khúc bất kỳ trên các trang nhạc số. Các phần mềm như Zing Mp3, Nhaccuatui, Socbay 4U cũng cho phép khách hàng thoải mái tải nhạc không mất tiền, tải luôn cả những bài đang bán. Hơn nữa, khi hầu hết giới trẻ hiện không còn nghe nhạc trên đĩa mà chủ yếu nghe trực tuyến trên máy tính hay điện thoại thì họ sẽ chẳng cần phải mua nhạc nếu vẫn được nghe miễn phí như xác nhận của các chủ website.

Được xếp vào top những trang web có lượng truy cập cao nhất Việt Nam, mức giá để đặt một banner quảng cáo tiêu chuẩn trên Zing Mp3 lên đến 63 triệu đồng/tuần (hơn 250 triệu đồng/tháng). Con số này sẽ tăng gấp đôi nếu banner thuộc nhóm rich media (đa phương tiện) mở rộng. Ngay cả khi phải trả mức giá ngất trời đó thì khách hàng quảng cáo vẫn chưa được độc quyền vị trí mà phải chia sẻ với hai đơn vị khác. Tuy xếp “chiếu dưới” khá xa so với Zing Mp3, đơn giá để đặt một banner quảng cáo trên trang Nhạc Vui cũng lên đến 41 triệu đồng/tuần. Khi nguồn thu chủ yếu của các website này vẫn nhờ vào quảng cáo, lượt truy cập của khách hàng (theo công bố của Nhạc Của Tui là hơn 100 triệu lượt/tuần) là lẽ sống thì họ không việc gì phải “đuổi bớt” khách hàng bằng việc thu phí tải nhạc hay thu phí nghe online như yêu cầu đầy bức thiết của giới ca sĩ.

Nhìn vào những con số biết nói bên trên, điều chúng ta có thể hình dung là hành trình đến văn minh, đến “nghe có ý thức” vẫn còn rất xa. Chính tổng giám đốc MV Corp Đỗ Mạnh Tuân cũng phải thừa nhận rằng dẫu biết trước chuyện thu phí sẽ khó nhưng có đâu ngờ lại khó đến thế này. Khó, bởi những người hiện hưởng lợi nhiều nhất trong việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc, tức các website và bạn yêu nhạc, vẫn chưa muốn thay đổi.

LÊ TÂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên