09/03/2024 09:34 GMT+7

2 trụ cột mới trong hợp tác Việt - Úc: Giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành trọn vẹn ngày 8-3 tại thủ đô Canberra cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo hàng đầu Úc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với CSIRO - tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới của Úc vào ngày 8-3 - Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc với CSIRO - tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới của Úc vào ngày 8-3 - Ảnh: NHẬT BẮC

Lịch trình hoạt động cho thấy tinh thần "bắt tay ngay vào việc" của người đứng đầu Chính phủ ngay sau khi Việt Nam và Úc tuyên bố nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện một ngày trước đó.

Các trường đại học Úc quan tâm Việt Nam

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Úc đã nhắc đến hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là một trong những trụ cột của khuôn khổ mới giữa hai nước.

"Tất cả đại diện các trường đại học lớn của Úc đều có mặt tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Úc ngày 8-3, một sự kiện đích thân Thủ tướng tham dự" - Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski chia sẻ với Tuổi Trẻ sau sự kiện.

Điều đó cho thấy sự coi trọng và quan tâm tới Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, một lĩnh vực mà Việt Nam đang đứng thứ 6 về tổng số lượng du học sinh và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Úc.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là "quốc sách hàng đầu", phát triển nguồn nhân lực là "một trong ba đột phá chiến lược" của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài (bao gồm Úc) trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục - đào tạo tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhất là bậc đại học.

Với nước Úc, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, dư địa hợp tác là rất nhiều. Do đó, ông đề nghị phía Úc và Việt Nam tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, đại học của hai nước.

Trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ những ngành mà Việt Nam còn thiếu, phía Úc có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng xanh, công nghệ sinh học... và đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Thủ tướng cũng đề nghị phía Úc tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam trong vòng 2-3 năm tới.

"Tôi mong rằng trong tương lai gần chúng ta sẽ được nhìn thấy có thêm nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo, đại học của Úc mở phân hiệu và các hình thức hợp tác, nghiên cứu đa dạng, hiệu quả tại Việt Nam.

Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các dự án ngang tầm khu vực, mang tính biểu tượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", Thủ tướng nhấn mạnh trong tiếng vỗ tay của tất cả những người có mặt tại diễn đàn.

Hợp tác khai thác khoáng sản

Trong cuộc tiếp 4 doanh nghiệp Úc thuộc các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và gạo vào buổi chiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị những tập đoàn này không chỉ đầu tư hay mở rộng đầu tư mà còn chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc phát triển công nghiệp khoáng sản, theo ông, là một nhiệm vụ chiến lược, do đó đòi hỏi nguồn lực và công nghệ hiện đại để phát huy tiềm năng sẵn có. Ông nêu rõ các dự án khoáng sản cần triển khai theo hướng công nghệ cao, khai thác, chế biến sâu, không bán quặng thô và phải tăng cường hỗ trợ, nâng cao giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường với tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc) tán thành với thông điệp của Thủ tướng về việc phải đảm bảo vừa khai thác khoáng sản hiệu quả và giá trị cao, vừa bảo vệ được môi trường.

"Việt Nam có đất hiếm và các công ty Úc có chuyên môn công nghệ thượng nguồn và hạ nguồn. Tuy nhiên, chi phí xử lý, cải cách quy trình đấu thầu và hợp đồng dài hạn là ba thách thức chính", ông Thayer lưu ý.

Trả lời Tuổi Trẻ trước chuyến thăm, Đại sứ Úc Goledzinowski khẳng định với tư cách là nước khai thác và chế biến đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, Úc có thể cung cấp cho Việt Nam "không chỉ công nghệ để thực hiện việc khai thác đất hiếm một cách an toàn mà còn theo cách tốt cho nền kinh tế và cộng đồng".

Ông cũng chỉ ra việc Úc có mối liên hệ chuỗi cung ứng với Nhật Bản và Hàn Quốc, các quốc gia sản xuất chip tiên tiến, nên thông qua hợp tác với Úc, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế để tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Nhiều cơ hội hợp tác khoa học - công nghệ

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO) ngày 8-3 cũng cho thấy một ưu tiên nữa của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ với Úc thời gian tới.

CSIRO là một trong những tổ chức khoa học - công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới. Và trong cuộc gặp ngày 8-3, lãnh đạo CSIRO cùng đại diện Chính phủ Úc đã khẳng định sẽ tăng cường kết nối, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

"Việc nâng cấp quan hệ của hai nước lên cấp cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và khoa học" - giáo sư Ngô Đức Tuấn, phó chủ tịch phụ trách khoa học - công nghệ của Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Úc (VASEA), bày tỏ với Tuổi Trẻ.

Giáo sư Tuấn hy vọng sau chuyến đi này của Thủ tướng, các chương trình hợp tác đang và sắp thực hiện sẽ đi sâu vào thực chất để giải quyết các vướng mắc cụ thể của cả hai nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mô hình sản xuất, kinh doanh...

Doanh nghiệp chiếm 90% thị phần gạo ở Úc muốn mở rộng đầu tư tại Việt NamDoanh nghiệp chiếm 90% thị phần gạo ở Úc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Chiều 8-3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo bốn công ty Úc trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và gạo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên