31/12/2018 11:51 GMT+7

70 Năm Tây Tiến - Kỳ cuối: Khúc quân hành bi tráng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - 'Nhiều năm đã trôi qua rồi nhưng những cựu binh Tây Tiến chúng tôi vẫn rưng rưng xúc động khi trở lại cung đường hành quân thuở nào'.

70 Năm Tây Tiến - Kỳ cuối: Khúc quân hành bi tráng - Ảnh 1.

Các chiến binh Tây Tiến - Ảnh tư liệu Trung đoàn 52

"Tôi vẫn nhớ như in dòng suối chiều hôm vang tiếng cười đồng đội, rồi nhớ cả mùi khói bếp vương trên vách đá Hòa Bình mà Quang Dũng đã viết thành hai câu thơ: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" - người lính già Nguyễn Hoàng Sâm bâng khuâng tâm sự...

Tuy không rền vang như Điện Biên Phủ nhưng máu lửa Tây Tiến cũng nhiều, nhiều lắm...

Cựu binh Nguyễn Xuân Sâm

Lịch sử một đoàn quân

Nhắc nhớ một thời chiến chinh, những người lính năm xưa cho rằng bài thơ Tây Tiến là bức tranh bi tráng vẽ lên cuộc quân hành miền rừng thiêng nước độc của trung đoàn Tây Tiến. Tuy nhiên, người trẻ thời nay nếu chỉ đọc bài thơ này cũng chưa thật sự hiểu hết sự khốc liệt của Tây Tiến như thế nào.

Trong kỷ yếu Nhớ về đoàn quân Tây Tiến, nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu, người lính một thời kháng Pháp, viết lại rằng: "Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời... 

Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Pháp đánh xuống Sơn La. Ở Bắc Lào, Pháp đánh chiếm Xiêng Khoảng, kiểm soát dọc sông Mã. Đầu năm 1946, Pháp chiếm giữ Hát Lót, Mai Sơn, cho lính dù nhảy xuống Mộc Châu, Hòa Bình. 

Lính bộ binh Pháp đánh gọng kìm từ Sơn La, Pa Háng xuống. Lực lượng khác đánh lên từ Xuân Mai, Hòa Bình, Chợ Bờ, Suốt Rút... kiểm soát gắt gao đường số 6. Âm mưu "chia để trị", lập các xứ Thái, xứ Mường tự trị, ngăn chặn quân cách mạng.

Trước diễn biến quân sự - chính trị phức tạp này, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập các đơn vị vũ trang hành quân ngay lên Tây Bắc, phối hợp với dân quân địa phương để ngăn chặn kế hoạch của Pháp. 

Đó là những cuộc hành quân hùng tráng của các người lính trẻ. Ngay tên đơn vị họ cũng không gọi số hiệu mà cứ gọi tên những người chỉ huy dũng cảm như đại đội Anh Đệ - Tuấn Sơn, đại đội Hoàng Khải Tiến, đại đội Ngô Duy Phiên, Đỗ Du, Trần Độ - Xích Vân, bạch binh Đề Thám...".

Lịch sử chính thức của Tây Tiến bắt đầu từ ngày 27-2-1947 khi trung đoàn mang tên này được thành lập ở Mai Châu, Hòa Bình, nhưng thật ra từ cuối năm 1945 và cả năm 1946 đã có nhiều đội tiền phương hành quân lên Tây Bắc và sang thượng Lào. 

Trong đó, đội hành quân đầu tiên chính là đại đội mang tên hai người chỉ huy Anh Đệ - Tuấn Sơn với 160 người lính trẻ Hà Nội...

"Mùa thu năm 1948, Quang Dũng đã sáng tác bài thơ Tây Tiến ngay trên đường hành quân. Chiến sĩ - nhà thơ này lột tả sâu đậm nét hào hùng, bi tráng của đời lính tháng năm ấy, nhưng còn nhiều trận đánh mà anh không kể hết. Tuy không rền vang như Điện Biên Phủ nhưng máu lửa Tây Tiến cũng nhiều, nhiều lắm..." - người cựu binh Nguyễn Xuân Sâm đã ở tuổi 90 nhớ lại.

Từng là người lính bảo vệ lễ Quốc khánh 2-9-1945, từ đó ông cùng những chiến sĩ Tây Tiến đi thẳng lên rừng thiêng nước độc trong đại đội tiền phương đầu tiên Anh Đệ - Tuấn Sơn. Đã tham chiến bao nhiêu trận mạc? Người lính đầu bạc Xuân Sâm cũng như bao cựu binh Tây Tiến khác chẳng thể nhớ chính xác nổi vì nhiều, nhiều quá. 

Đánh ở Chiềng Cồng, Mường Lát, Lào. Đánh ở Mai Châu, Đà Bắc, Phương Lâm, Kỳ Sơn, Cao Phong, Vạn Mai, Bãi Sang, Chiềng Sại, Mường Bi, Mường Lồ, Bãi Sang, Suối Rút, Dốc Cun, Xóm Trại... trên núi rừng Tây Bắc.

Khi trở lại đồng bằng sông Hồng, trung đoàn Tây Tiến (lúc này còn gọi là trung đoàn 52) lại tiếp tục giao chiến ác liệt với các lực lượng lính Âu Phi tinh nhuệ, được trang bị các loại vũ khí hạng nặng và có không quân yểm trợ. Những trận đánh vang dội ở Yên Ninh, Yên Thổ, chợ Cầu Đôi, chợ Cổng, chợ Tầm Phương, Hạ Đồng...

70 Năm Tây Tiến - Kỳ cuối: Khúc quân hành bi tráng - Ảnh 3.

Các cựu binh Tây Tiến và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu Ban liên lạc TT

Những tên tuổi anh hùng

Lực lượng Tây Tiến đến từ nhiều thành phần khác nhau. Có học sinh, sinh viên Hà Nội mang theo thơ và đàn ra chiến trường mà chưa biết bắn súng. Có binh sĩ chế độ cũ, có cả dân anh chị ở Hải Phòng và những thanh niên dân tộc trước đó chỉ biết nương rẫy. 

Ngoài một số ít đã được huấn luyện, đa số tân binh còn chưa biết cách cầm súng. Tuy nhiên, trải qua nhiều trận mạc trên đường hành quân, trung đoàn Tây Tiến đã trở nên thiện chiến và trở thành lực lượng đáng gờm đối với quân Pháp.

Những chứng nhân trận mạc một thời còn sống như các cựu binh Nguyễn Hoàng Sâm, Nguyễn Xuân Sâm cho rằng điều quân Pháp e ngại nhất ở các chiến binh Tây Tiến chính là sự dũng cảm. 

Sự dũng cảm từ những sinh viên Hà Nội với lời thề "non sông chưa thái bình thì chưa về", kể cả sự dũng cảm của những dân anh chị gia nhập Việt Minh vẫn cuộn dòng máu yên hùng, coi cái chết nhẹ như không. 

Điều đặc biệt là ngay từ giai đoạn đầu của quân đội Việt Nam này đã xuất hiện nhiều chỉ huy giỏi được nể phục, nhiều tướng lĩnh đã đi vào quân sử như Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Văn Phác, Anh Đệ, Phùng Thế Tài...

Đối phó với hỏa lực áp đảo của Pháp, nhiều trận họ tổ chức đánh tập trung toàn trung đoàn, lấy lửa chọi lửa, máu chọi máu. Nhưng cũng có nhiều trận họ chia nhỏ đơn vị lợi dụng hiểm địa, đánh phục kích, tập kích, phòng ngự trận địa, luồn càn. 

Chiến thuật biến hóa linh động như đánh chia cắt, vu hồi, thọc sâu, luồn sâu, nội ứng, hóa trang, phối hợp địch vận, độn thổ đánh bất ngờ của đặc công... Có nhiều trận trung đoàn đánh tiêu diệt một bộ phận đối phương rồi rút lui bảo toàn lực lượng. Nhưng cũng có nhiều trận đánh của lính Tây Tiến ngay cả lính dù thiện chiến của Pháp cũng phải rút lui...

Đến giờ, những cựu binh Tây Tiến còn sống vẫn nhớ về trận đánh đầu năm 1947 để chống trả lính dù Pháp theo đường số 6 tấn công vào Mai Châu, Hòa Bình. 

Hai tay súng thiện nghệ của trung đoàn là Tạ Đình Đề và Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) thoắt ẩn thoắt hiện ở dốc Đẹt giúp đồng đội ghìm chặt một mũi lính dù Pháp. Hai ông di chuyển như sóc, nổ súng liên tục. Đối phương tưởng họ đang giao tranh với nhiều tay súng bắn tỉa, đành rút lui...

70 Năm Tây Tiến - Kỳ cuối: Khúc quân hành bi tráng - Ảnh 4.

Tên đường Tây Tiến được đặt ở thành phố Hòa Bình - Ảnh: Hoàng Sâm

Thiếu tướng Hoàng Sâm hi sinh

Sau cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, trung đoàn Tây Tiến về tiếp quản Hải Phòng rồi chi viện chiến trường miền Nam, tham chiến nhiều trận đánh ác liệt ở chảo lửa Trị Thiên, Tây Nguyên. Trong đó có những trận đánh hết sức khốc liệt ở Cửa Việt, đường 9 - Quảng Trị. Thiếu tướng Hoàng Sâm, tức Trần Văn Kỳ, một chỉ huy của lính Tây Tiến thời ấy, đã hi sinh ngày 1-2-1968 ở chiến trường B4, Trị Thiên.

70 năm Tây Tiến - Kỳ 5: "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" 70 năm Tây Tiến - Kỳ 5: 'Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm'

TTO - "Ai cũng có tình yêu, và những người lính Tây Tiến tuổi đôi mươi cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy mà Quang Dũng đã viết: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" - cựu binh Tây Tiến 93 tuổi Nguyễn Hoàng Sâm cho biết.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên