14/12/2014 11:46 GMT+7

​Ác mộng chờ ngày hành quyết

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Năm 2005, Manuel Velez - một công nhân xây dựng nghèo ở Brownsville, Texas (Mỹ) - dọn đến sống cùng với cô bạn gái mới Acela Moreno.

Manuel Velez vui mừng khi được trả tự do ngày 8-10-2014 - Ảnh: AP

Hai tuần sau đó, phát hiện cậu con trai Angel 11 tháng tuổi của Moreno có dấu hiệu khó thở, Manuel và Moreno đưa bé đến bệnh viện. Tại đây các bác sĩ cho biết bé đã chết. Cảnh sát ập đến nhà bắt giữ Moreno và Velez.

Chờ đợi cái chết

Năm 2009, tòa án kết án tử Velez về tội hành hạ và sát hại trẻ em. Còn Moreno ngồi tù 2 năm và bị trục xuất về Mexico.

Trong năm năm sau đó, người đàn ông nhập cư mù chữ Velez bị dằn vặt bởi cơn ác mộng khủng khiếp nhất: chờ thi hành án tử!

“Tôi đối diện với cái chết từng ngày. Mỗi khi nhắm mắt tôi lại thấy mình bị đưa đi hành hình - ông Velez kể lại trong sợ hãi - Mỗi ngày như thế tôi đều tự đặt câu hỏi vì sao đứa bé chết? Tôi không hiểu được vì sao cuộc đời mình lại bị lâm vào hoàn cảnh thế này”.

Cũng giống như các tử tù khác, việc chờ đợi thi hành án được anh Damon Thibodeaux - người bị nghi oan cưỡng hiếp và sát hại cô em họ - miêu tả như một “cực hình” lớn nhất anh từng trải qua.

“Cuộc sống như một cơn ác mộng. Như thể anh đang đi trên một cây cầu mỏng manh. Anh không biết liệu nó sẽ sập vào lúc nào” - Thibodeaux nói.

“Tôi không muốn ở trong tù. Nhưng tôi biết chỉ có cách duy nhất để thoát khỏi cảnh này - hành quyết” - Thibodeaux kể trên kênh truyền hình CBS về chuỗi ngày khủng khiếp của mình.

Theo tờ Time, không chỉ chịu đựng nỗi sợ cái chết mà những người bị tuyên án tử oan còn chịu sự kỳ thị của chính các nhân viên quản lý nhà lao.

Sabrina Butler, người mẹ trẻ đã bị kết án oan giết chết con đẻ của mình, kể: “Ai cũng nghĩ bạn là người có tội, bạn là người đáng chết. Dưới mắt mọi người, bạn là kẻ sát nhân. Đó là sự tra tấn tinh thần khủng khiếp nhất!”.

“Mày sẽ ở đây cả cuộc đời. Bọn tao sẽ bảo mày khi nào đứng lên, khi nào nằm xuống. Mày sẽ được ăn, được ngủ khi bọn tao ra lệnh. Mày sẽ không bao giờ được ra ngoài” - Sabrina ứa nước mắt khi thuật lại lời nói của một cai ngục với cô.

Còn đối với Randy Steidl (bang Illinois, Mỹ), 17 năm ngồi trong tù chờ chết vì bản án buộc tội ông sát hại cặp vợ chồng trẻ đã như cơn ác mộng kéo dài khiến ông như phát điên.

“Trong 17 năm trời, sự tuyệt vọng đã lên đến đỉnh điểm. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng chỉ có cái chết mới đem tôi ra khỏi xà lim” - Randy kể.

Bài viết về án oan của Randy Steidl trên trang nhất báo Illinois Times  - Ảnh: Illinois Times

Khi các nhà báo và luật sư vào cuộc...

Sabrina Butler, Randy Steidl, Manuel Velez, Damon Thibodeaux... và nhiều người khác sẽ có một kết cục bi thảm nếu như những luật sư của các tổ chức phi chính phủ và các nhà báo không đứng ra đòi công lý cho họ.

Những luật sư giỏi của Chương trình Án tử thuộc tổ chức Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU), chương trình Người vô tội Illinois (IIP) tại Trường đại học Illinois ở Springfield hay các nhà báo của tờ Illinois Times, kênh truyền hình CBS có thể bỏ ra cả năm trời, thậm chí vài năm để theo đuổi một vụ án nếu họ tin rằng người tử tù bị oan.

Trong vụ án Manuel Velez bị kết án tử hình oan vì tội giết con của bạn gái, Maurie Levin - một giáo sư luật Trường đại học Texas - đưa vụ án đến ACLU. Năm 2013, một luật sư xem xét vụ án Velez và phát hiện các luật sư bào chữa cho tử tù này không làm hết chức trách để giải oan cho Velez.

Một nhóm luật sư giỏi có liên hệ mật thiết với ACLU đã tham gia vụ án này. Theo ACLU, ghi chép của các chuyên gia khám nghiệm pháp y bên công tố cho thấy thời điểm bé Angel bị các vết thương dẫn đến tử vong, ông Velez làm việc tại công trình ở Tennessee, cách nơi xảy ra vụ án hàng ngàn dặm.

Nhưng luật sư của Velez lúc bấy giờ là Hector Villarreal và O. Rene Flores lại không đưa chứng cứ này ra trước tòa.

Thậm chí có nhiều chứng cứ cho thấy rằng chính Moreno đã đánh các con cô ấy. Có nhân chứng tận mắt nhìn thấy cô Moreno quẳng bé Angel xuống đất. Tuy nhiên, hai luật sư trên cũng bỏ qua các bằng chứng có lợi cho Velez.

Sự can thiệp của ACLU đã khiến tòa lật lại hồ sơ vụ án của Velez. Ngày 8-10-2014 mới đây, tử tù Velez được trả tự do.

Theo Illinois Times, trong vụ án Randy Steidl bị kết án oan là kẻ đâm chết cặp vợ chồng mới cưới, các luật sư ở văn phòng luật sư Mike Metnick đã tình nguyện bào chữa miễn phí cho Randy.

John Hanlon (luật sư của văn phòng) không thể quên được thời điểm anh và các cộng sự quyết định gửi đơn kiến nghị tòa án xem xét vụ án của Randy. Hanlon đã phải nhờ đến người tin cậy nhất của mình là Paul Wetmore cấp tốc đưa đơn kiến nghị tòa án.

“Sự việc quá cấp bách. Đó là hạn chót nộp đơn kiến nghị. Nếu một tai nạn xảy ra khi Wetmore đang trên đường đến tòa án, vụ án của Randy hẳn phải dừng lại ở đó. Việc xử tử Randy sẽ được thực hiện đúng theo lịch trình và có lẽ bây giờ chúng ta chỉ có thể gặp Randy ở thế giới bên kia” - Hanlon hồi tưởng.

Tiếp ngay sau đó, văn phòng luật sư Metnick gửi ngay một bản sao đơn kiến nghị đến tờ Illinois Times. Phóng viên trẻ Wendy Stassel và phóng viên ảnh Ginny Lee của Illinois Times đã vào nhà tù để nghe câu chuyện của Randy.

Ngày 9-9-1993, vụ án của Randy được đưa lên trang nhất báo Illinois Times. Câu chuyện về một người vô tội bị kết án tử gây xôn xao bang Illinois. Tuy nhiên, nỗ lực của các luật sư, nhà báo vẫn không đạt kết quả gì bởi tòa vẫn bác đơn kiến nghị của Randy và các luật sư.

Các luật sư ở IIP không dừng lại ở đó. Một tuần sau khi câu chuyện về Randy được đăng lại trên tờ Illinois Times, thám tử Bill Clutter và hiện giờ là giám đốc IIP thu gom lại tất cả bài báo cũ của tờ IIllinois Times từ các sạp báo và thực hiện cuộc vận động rửa oan cho Randy.

“Xe tôi chất đầy báo cũ, tôi lái xe đến Chicago. Sáng hôm đó, tôi đã đến trước khi diễn ra cuộc họp về Liên minh Illinois chống lại án tử hình. Tôi đứng dậy, phát báo cho tất cả mọi người trong phòng và chỉ thẳng tấm hình anh Randy Steidl trên tờ báo: Đây là khuôn mặt của một người bị kết án oan”.

Không lâu sau, phóng viên Linda Rockey của tờ Illinois Times viết tiếp câu chuyện về vụ án của Randy. Bài báo được giáo sư báo chí Dave Protess thuộc Trường đại học Northwestern chú ý.

Mùa thu năm 1998, ông Protess thành lập nhóm các sinh viên báo chí điều tra về vụ án Randy Steidl. Theo đề xuất của Protess, chuyên đề truyền hình về án hình sự “48 hours” của đài truyền hình CBS đã đưa phóng sự về vụ án của Randy.

Chương trình được phát sóng trên cả nước và gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ. Năm 2004, tòa án ra lệnh phóng thích Randy sau khi xác định các bằng chứng buộc tội Randy trước đó là vô căn cứ.

________________

Kỳ tới: Gian nan đòi bồi thường

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên