17/10/2023 11:59 GMT+7

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên biển miền Trung

Sáng 17-10, áp thấp trên vùng biển phía tây nam của quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 10h sáng nay 17-10 - Ảnh: NCHMF

Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 10h sáng nay 17-10 - Ảnh: NCHMF

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía tây nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8. Di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 5-10km/h.

Hình ảnh vệ tinh áp thấp nhiệt đới, sắp mạnh lên thành bão số 5

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 10h sáng mai, tâm bão ở trên vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, cường độ bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, hướng vào vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ.

Từ 48 - 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Từ ngày 17 đến sáng 19-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến 40-150mm, có nơi trên 200mm.

Từ chiều 18-10, mưa lớn trên khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có xu hướng giảm dần.

Từ ngày 19-10 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa lớn.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp và mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Chủ động ứng phó mưa lũ

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và mưa lớn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có công điện gửi các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.

Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các địa phương cần chủ động cấm biển và đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại các chòi canh, lồng bè tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai các biện pháp tiêu úng, phòng chống ngập lụt khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Đồng thời kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Hình thế kinh điển đang gây mưa lớn ở miền Trung, liệu có lặp lại lũ lịch sử?Hình thế kinh điển đang gây mưa lớn ở miền Trung, liệu có lặp lại lũ lịch sử?

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, nguyên nhân của đợt mưa ở miền Trung đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra hình thế kinh điển. Tuy nhiên, khả năng cao mưa lũ sẽ không khốc liệt như đợt mưa lũ lịch sử năm 1999.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên