28/07/2023 08:26 GMT+7

Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh tế Việt Nam có lợi gì?

L.THANH
và 1 tác giả khác

Đề xuất áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư gián tiếp...

Theo Tổng cục Thuế, LG là một trong 122 tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh: NAM TRẦN

Theo Tổng cục Thuế, LG là một trong 122 tập đoàn đa quốc gia thuộc đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh: NAM TRẦN

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Các "ông lớn" Samsung, Intel, LG, Foxconn... bị ảnh hưởng

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính lý giải thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng chính sách thuế này có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, nếu thuộc đối tượng áp dụng nhưng đang chịu mức thuế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%.

Cũng theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm.

Trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vào năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỉ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết đến nay cả nước hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%.

Điển hình là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỉ USD. Và với việc áp thuế tối thiểu toàn cầu, những "ông lớn" FDI này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn 14.600 tỉ đồng chênh lệch thuế

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đang có 619 tập đoàn công ty đa quốc gia (có 1.017 công ty thành viên tại Việt Nam) có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên, tức nằm trong diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu chính sách này được áp dụng từ năm 2024.

Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỉ đồng. Trong đó, Hàn Quốc có 18 tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, ước tính số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 là hơn 10.700 tỉ đồng.

Với 36 tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam, số thuế chênh lệch phải nộp ở Nhật Bản năm 2024 hơn 250 tỉ đồng.

Còn một số nước và vùng lãnh thổ khác có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam gồm Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Hong Kong, Hà Lan, Malaysia, British Virgin Islands, Vương quốc Anh có số thuế chênh lệch phải nộp ở nước đầu tư là hơn 3.560 tỉ đồng.

Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 mà các nước khác áp dụng, phần thuế chênh lệch năm 2024 ước trên 14.600 tỉ đồng sẽ được nộp về quốc gia có công ty mẹ.

Nên việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 không chỉ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung mà còn giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

"Trong thực tế, thời gian qua nhiều nước có các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài khiến hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận diễn ra ngày càng phức tạp.

Các doanh nghiệp đã lợi dụng các cơ hội để chuyển lợi nhuận từ nước có thuế suất cao sang nước có thuế suất thấp hơn, từ đó xảy ra tình trạng thất thu thuế", vị này cho biết.

Doanh nghiệp nào chịu thuế tối thiểu toàn cầu?

Từ ngày 1-1-2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, có hiệu lực.

Đến nay, 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận với chính sách thuế này. Theo đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu là 15%.

Sẽ có chính sách hỗ trợ bổ sung

Tại cuộc họp chuyên đề về pháp luật do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 26-7, các ý kiến đều thống nhất sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của VN. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong báo cáo xin ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu thu hút vốn FDI, bởi chính sách ưu đãi thuế mà các "ông lớn" FDI đang được hưởng tại VN sẽ không còn nữa.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, áp dụng với những doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm, doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng...

Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Các chính sách cần đủ hấp dẫn và tương xứng với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Các khoản hỗ trợ này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách nhà nước, như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng.

Mức hỗ trợ đầu tư cụ thể được thực hiện trên cơ sở Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ...

Chính phủ thống nhất trình Quốc hội về áp thuế tối thiểu toàn cầuChính phủ thống nhất trình Quốc hội về áp thuế tối thiểu toàn cầu

Các ý kiến thống nhất việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên