16/11/2023 08:08 GMT+7

APEC với các nền kinh tế đang phát triển

Mô hình đồng thuận của APEC là điều rất hấp dẫn với các nền kinh tế đang phát triển. APEC 2023 tại Mỹ là cơ hội để những nền kinh tế này chia sẻ những lo ngại, thu hút sự chú ý để tìm kiếm hỗ trợ không chỉ từ lĩnh vực công mà còn từ khối tư nhân.

Các bộ trưởng APEC trong cuộc họp  ngày 14-11 - Ảnh: AFP

Các bộ trưởng APEC trong cuộc họp ngày 14-11 - Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2023, sự kiện mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có bài phát biểu quan trọng, đã diễn ra trong ngày 15-11 (theo giờ Mỹ, tức rạng sáng 16-11 theo giờ Việt Nam). Chủ tịch nước cũng đã tiếp Liên minh các doanh nghiệp Mỹ - APEC và phát biểu tại Bàn tròn kết nối doanh nghiệp, địa phương về công nghệ cao trong ngày 15-11.

Tiếng nói của Việt Nam được coi trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Erin Murphy thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ khẳng định Việt Nam sẽ có tiếng nói quan trọng tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần này. Bởi lẽ những vấn đề phát triển mà Việt Nam theo đuổi rất phù hợp với xu hướng chung của khu vực và chủ đề của APEC 2023.

Theo bà Murphy, Việt Nam là một nền kinh tế có tầm quan trọng ngày càng tăng trên thế giới, phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và có năng lực trong nhiều ngành sản xuất quan trọng bao gồm dệt may, điện tử và chất bán dẫn cũng như y tế.

"Việt Nam đang hướng tới xanh hóa nền kinh tế và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo - hai vấn đề then chốt của APEC và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Việc tham gia cả hai nền tảng này sẽ giúp Việt Nam là một phần của cuộc đối thoại để góp phần đưa ra giải pháp giảm lượng khí thải carbon", chuyên gia về châu Á của CSIS nhận định.

Việc APEC hoạt động dựa trên mô hình đồng thuận, theo giới phân tích, là một trong những điều hấp dẫn với các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực. Sẽ không có sự áp đặt nào và với nhiều ủy ban, cấp làm việc, những cuộc thảo luận tại APEC không chỉ là dịp để các nền kinh tế thành viên trực tiếp chia sẻ quan điểm, khó khăn mà còn lắng nghe kinh nghiệm từ những thành viên khác.

Bà Murphy tin rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội góp tiếng nói và thu hút sự chú ý, không chỉ cho nước mình mà còn cho các nền kinh tế đang phát triển khác.

Ngoài tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự kiến cũng sẽ dự phiên họp cấp cao về IPEF. "Việt Nam và Indonesia sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ các cuộc thảo luận về chuyển đổi năng lượng vì mỗi nước đang tìm cách xây dựng năng lực trong nước để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Họ sẽ cần cả nguồn tài chính công và tư và với sự tham gia của các nền kinh tế lớn hơn cùng các lãnh đạo doanh nghiệp APEC, đây là cơ hội để thảo luận sâu hơn về cách thực hiện quá trình chuyển đổi đó", bà Murphy nhận định.

Những đóng góp bước đầu của Việt Nam

Tại Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC lần thứ 34 diễn ra ngày 14-11 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị các thành viên APEC đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và quản lý tài nguyên thiên nhiên. 

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện và tuyên bố của hội nghị.

Trong đó, các bộ trưởng đã nhất trí thông qua các khuyến nghị về cải cách cơ cấu APEC. Họ cũng kêu gọi các thành viên đẩy nhanh triển khai các cam kết của APEC, nhất là Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình về kinh tế số/kinh tế Internet, Khuôn khổ và kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai, Lộ trình chống IUU trong nghề cá, Lộ trình về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm.

Trước đó, tại Hội nghị bộ trưởng tài chính APEC ngày 13-11 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đại diện cho Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận về tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại đây, đại diện Việt Nam đã nêu sáng kiến liên quan việc triển khai nhanh nguồn kinh phí đầu tư chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho chuyển đổi năng lượng. Đây là những vấn đề mà các nền kinh tế đang phát triển khác cũng quan tâm, trong đó có Indonesia.

Lãnh đạo Mỹ, Trung gặp nhau bên lề APEC

Một sự kiện đáng chú ý tại APEC 2023 là cuộc gặp bên lề hội nghị giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 15-11 (rạng sáng 16-11, giờ Việt Nam). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai ông sau gần một năm kể từ Hội nghị G20 ở Indonesia năm ngoái.

Thông điệp của Washington là muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và không muốn phân tách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nêu rõ thông điệp trước cuộc gặp là muốn ổn định và cải thiện quan hệ song phương thì hai bên phải làm việc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam đề xuất 3 ưu tiên hợp tác APECViệt Nam đề xuất 3 ưu tiên hợp tác APEC

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu 3 đề xuất ưu tiên hợp tác tại Hội nghị Liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34 (AMM 34).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên