15/04/2024 19:10 GMT+7

Bác bỏ thông tin sai lệch về quyền con người, Việt Nam chuẩn bị đối thoại với các nước

Trước phiên đối thoại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 7-5 tới, Bộ Ngoại giao bác bỏ các báo cáo sai lệch về quyền con người tại Việt Nam, kêu gọi các nước sử dụng các nguồn thông tin đã được kiểm chứng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV ngày 15-4 - Ảnh: DUY LINH

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì cuộc họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV ngày 15-4 - Ảnh: DUY LINH

Chiều 15-4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố báo cáo quốc gia, theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Thông qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.

Nhiều báo cáo không khách quan về quyền con người ở Việt Nam

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết Việt Nam đã chính thức nộp báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV lên Hội đồng Nhân quyền. Dự kiến Việt Nam sẽ tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia tại cơ quan này vào ngày 7-5 tới đây.

Trong phần hỏi đáp, phản hồi đề nghị cho biết bình luận về báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và các bên theo cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết về báo cáo riêng của các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thì phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phát biểu hôm 11-4.

"Một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia. 

Một trong những nguyên tắc cũng mang tính nền tảng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đó là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Chính vì vậy thì tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, đề xuất, kiến nghị vi phạm nguyên tắc này", ông Việt nêu vấn đề.

Về nội dung các báo cáo khác, thứ trưởng Bộ Ngoại giao "bày tỏ sự không đồng tình" với rất nhiều ý kiến, nội dung trong các báo cáo đó.

Theo ông, những báo cáo có rất nhiều nội dung có thể nói là được xây dựng trên các thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.

"Như tôi có nói trước đó, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tham vấn để lấy ý kiến, nhưng các tổ chức đó lại không tham gia vào tiến trình, thậm chí họ không có mặt ở Việt Nam nhưng lại gửi rất nhiều thông tin đánh giá có thể nói là sai lệch về tình hình Việt Nam", ông Việt khẳng định.

Việt Nam đã có một tiến trình, theo ông Việt, có thể nói là tham vấn "rất rộng rãi" với tất cả các bên liên quan để củng cố và xây dựng báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV.

Ngược lại, tất cả các báo cáo khác đã được nộp đến Liên Hiệp Quốc lại không được tiến hành một cách công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như cách của Việt Nam tiến hành đối với báo cáo quốc gia. 

"Chúng tôi hoàn toàn không được tham vấn gì về nội dung của các báo cáo đó", ông Việt nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã trả lời nhiều câu hỏi tại họp báo về quá trình xây dựng báo cáo, vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, những khó khăn và thách thức của Việt Nam - Ảnh: DUY LINH

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã trả lời nhiều câu hỏi tại họp báo về quá trình xây dựng báo cáo, vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, những khó khăn và thách thức của Việt Nam - Ảnh: DUY LINH

Theo ông Việt, trong khi Việt Nam rất minh bạch, công khai, bảo đảm tính bao trùm với sự tham gia của tất cả các bên liên quan thì các báo cáo khác lại không được tiến hành theo cách như vậy.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kế đó nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản của cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch. 

Do đó, ông mong muốn các nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam sẽ cân nhắc, hết sức thận trọng khi sử dụng các thông tin, báo cáo nói trên và sẽ sử dụng những nguồn thông tin đã được kiểm chứng.

"Tôi mong rằng các đại sứ - những người hiện diện tại Việt Nam và được chứng kiến những sự đổi thay, tiến bộ của Việt Nam từng ngày từng giờ - sẽ mang đến các thông tin đầy đủ, khách quan nhất cho chính phủ của các quý vị trong quá trình tham gia trao đổi khuyến nghị đối với Việt Nam tại phiên đối thoại ở Hội đồng Nhân quyền tháng 5 tới", ông Việt bày tỏ tại cuộc họp báo có sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước, một số đại sứ quán nước ngoài.

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm quyền con người

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt thông tin thêm một số điểm nổi bật, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người được nêu trong báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV.

Ông khẳng định với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại tất cả các chu kỳ.

Quá trình xây dựng báo cáo quốc gia được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến nhiều bên. Các ý kiến được đóng góp trực tiếp tại các hội thảo tham vấn của Bộ Ngoại giao, email từ các cá nhân và tổ chức chuyên ngành.

Tính đến tháng 1-2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), và 2 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Từ năm 2019 đến hết tháng 11-2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua. Trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại diện một đại sứ quán nước ngoài đặt câu hỏi tại họp báo - Ảnh: DUY LINH

Đại diện một đại sứ quán nước ngoài đặt câu hỏi tại họp báo - Ảnh: DUY LINH

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 công ước quốc tế về quyền lao động của ILO.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đặc biệt trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019), Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020)...

Từ 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022.

Sau 26 năm kết nối Internet, tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng Internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019).

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam cũng chỉ ra những thách thức còn tồn tại để từ đó đề ra các hướng ưu tiên, nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong đó có xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường nguồn lực cho phát triển bền vững và bao trùm, tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người...

Báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam có nhiều nội dung Báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam có nhiều nội dung 'thiếu kiểm chứng'

Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ thất vọng vì báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV có nhiều nội dung 'sai sự thật, không kiểm chứng'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên