07/04/2018 08:41 GMT+7

Bài học về sự trung thực và người thầy 'tâm lý' của tôi

H.L
H.L

TTO - Kể lại câu chuyện bị thầy 'bóc mẽ' vì ăn cắp chất xám của người khác, bạn đọc H.L chia sẻ: "Đó là câu chuyện nhỏ mà tôi không bao giờ quên trong đời. Cảm ơn thầy Quang - người đã dạy tôi những bài học về nhân cách."

Bài học về sự trung thực và người thầy tâm lý của tôi - Ảnh 1.

Tôi học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội cách đây hơn chục năm (khóa 2004- 2008). Thời đại học, thi thoảng chúng tôi lại phải làm tiểu luận hoặc bài thực hành. Thầy Quang rất nghiêm khắc nên tiết học của thầy luôn trong không khí căng thẳng.

Nhớ hồi đó, chỉ vì ham bóng đá nên tôi quên làm bài tập thực hành thầy giao. Không biết nghĩ gì mà tôi đánh liều chép ở cuốn nọ một ít, ở một bài nghiên cứu khác một ít. Nhưng sự chắp vá ấy đã không qua được mắt thầy...

Hôm trả bài, thầy Quang vẫn giữ vẻ mặt bình thường. Thầy nhận xét một số bài thầy thấy tâm đắc và một số bài dở.

"Khi sai lầm nhỏ mà không được uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời sẽ để mắc sai lầm lớn hơn. Sự trung thực đối với mỗi con người, ở bất cứ thời đại nào cũng đều quan trọng như nhau".

H.L

Sau buổi học ấy, thầy nhắn tôi ở lại. Tự nhiên người tôi toát hết mồ hôi. Nhìn ánh mắt đỏ ngầu của thầy, tôi sợ. Chưa khi nào tôi thấy sợ thầy như khi ấy.

Thầy nhíu mày: "Tôi biết trong bài tiểu luận của em lấy lại nguyên si của những tài liệu nào. Nhưng tôi không muốn cả lớp biết. Tôi muốn cho em cơ hội". Khi đó, tôi run run: "Em xin lỗi thầy. Em sai rồi".

Rồi thầy đặt tay lên vai tôi: "Các em đừng nghĩ việc sao chép bài của người khác là chuyện thường. Bởi sao chép sẽ thành thói quen, lâu dần các em sẽ tự xây dựng tính dối trá như thế. Mà sự thành công không có chỗ cho sự dối trá đâu em".

Dừng lại đôi chút, thầy nói tiếp: "Trong đời làm giảng viên của mình, tôi cũng nhìn thấy không ít em đang đi đánh cắp kiến thức và chất xám của người khác nhưng không phải ai cũng may mắn nhận ra và biết sửa sai".

Rồi thầy lại chậm rãi kể về một người bạn của mình đã mất việc chỉ vì sự dối trá.

Giọng thầy vẫn trầm ngâm: "Em sẽ không thể nhận được sự tin tưởng nếu dối trá. Nay em ăn cắp chất xám của người khác, ngày mai rất có thể em sẽ ăn cắp những thứ khác và rất dễ bị trả giá. Khi đó, không ai cứu em được".

Nghe lời thầy, tôi nhận ra mình đã từng rất thiếu trách nhiệm với bản thân và dễ mắc sai lầm. Những lời dạy của thầy như bài học vỡ lòng về sự trung thực tôi nhận được.

Sau đó, tôi đã chuộc lỗi bằng một bài tiểu luận khác, có thể nói là bài tiểu luận thực chất. Chỉ khi đó, tôi mới cảm thấy thanh thản trong lòng khi đến giảng đường và khi đứng trước thầy - người thầy lớn của tôi.

Có lần thầy cười nói: "Thầy thực sự mừng khi em vẫn giữ tự trọng và lời hứa".

Đó là câu chuyện nhỏ mà tôi không bao giờ quên trong đời. Nếu trước mặt mấy chục sinh viên khác, thầy "bóc mẽ" tôi, có lẽ tôi xấu hổ không còn dám đến giảng đường nữa.

Rồi tôi tốt nghiệp đại học (năm 2008) đến giờ đã tròn 10 năm. Nhưng câu chuyện nhỏ ấy tôi luôn đem theo bên mình, nó nhắc nhớ tôi về cái thuở nông nổi và sai lầm của mình.

Thầy nói đúng, khi sai lầm nhỏ mà không được uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời sẽ để mắc sai lầm lớn hơn. Sự trung thực đối với mỗi con người, ở bất cứ thời đại nào cũng đều quan trọng như nhau.

Cảm ơn thầy Quang - người đã dạy tôi những bài học về nhân cách.

Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'

Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ứckhông phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.

Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1.200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gửi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ ONLINE

Nhớ người thầy quá cố "tào lao xịt bộp" của tôi Nhớ người thầy quá cố 'tào lao xịt bộp' của tôi

TTO - Dù biết mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng người thầy ấy vẫn âm thầm chịu đựng để giảng dạy, truyền cảm hứng cho sinh viên. Giờ đây, dù thầy đã ra đi nhưng chúng tôi luôn khắc ghi công ơn người thầy đáng kính.


H.L
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên