​Bài thuyết trình và lớp học tuyết

KIỀU BÍCH HƯƠNG 14/03/2015 01:03 GMT+7

Ông lão ở đầu phố đứng trước cổng chờ tôi đi qua, ngập ngừng hỏi: “Cháu tôi học lớp 6 như con gái lớn nhà cô. Mấy tuần nữa chúng có bài thuyết trình, đề tài giới thiệu một quốc gia trên thế giới bạn quan tâm. Cháu tôi chọn Việt Nam. Một ý tưởng hay, cô giúp chúng tôi chuẩn bị tài liệu được không?”.


Trẻ em cuối cấp tiểu học ở Bỉ tham gia lớp học tuyết tại vùng Ramsau am Dachstein (Áo) - Ảnh: Siegrid Schoolheikant

Khó từ chối đề nghị dễ thương như vậy. Tôi không thạo tiếng địa phương, chỉ giúp giải thích vấn đề này, phát âm mấy từ kia chẳng hạn. Ông cháu hàng xóm vẫn phấn khởi ra mặt, hào hứng chuẩn bị suốt một tháng trời.

Từ lớp 4 (khoảng 9-10 tuổi) bọn trẻ ở Bỉ bắt đầu thực hiện nhiều bài thuyết trình, vào lớp cuối của hệ tiểu học tỉ lệ bài thuyết trình dày hơn. Thỉnh thoảng ông cháu hàng xóm lại chạy sang: “Cô ơi, dạy cháu đếm từ một đến mười bằng tiếng Việt”, “Đọc tên ông chủ tịch nước thế nào cho chuẩn?”...

Sự nhiệt tình của một già một trẻ lây sang tôi. Sau buổi thuyết trình, cô bé Lucy phấn khởi báo cáo với tôi: “Cháu đếm xong từ một đến mười cả lớp vỗ tay ầm ầm”. “Cô giáo có nhận xét gì không?”. “Cô bảo bài thuyết trình hay phải giống du lịch qua màn ảnh nhỏ. Phần thuyết trình của em thú vị đến nỗi không “du khách” nào ngủ gật”.

Tôi nằng nặc bảo Lucy cho tôi xin tập tài liệu bài thuyết trình về Việt Nam. Tập tài liệu ấy đây. Một đôi đũa từ tập tài liệu rơi ra. Cách hướng dẫn chuẩn bị tài liệu của cô giáo và ông nội, khả năng thực hiện bài thuyết trình của cô bé 12 tuổi làm tôi hồi hộp, thích thú như được khám phá điều gì rất mới mẻ, hấp dẫn về chính quê hương mình.

“Xin chào cả lớp. Đất nước tôi giới thiệu với các bạn hôm nay là Việt Nam nằm ở Đông Nam Á. Họ chọn màu đỏ và ngôi sao vàng làm cờ tổ quốc. Người Việt nổi tiếng nhất lập ra chế độ dân chủ cộng hòa cho nước này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước đương thời là ông Trương Tấn Sang.

Trước khi kể các bạn nghe mối quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia; trước khi nói về những con sông như Mê Kông, sông Hồng bồi đắp phù sa cho cánh đồng lúa tươi tốt; trước khi so sánh dân số Việt Nam đông gần gấp mười lần Bỉ; trước khi cho các bạn xem ảnh cô dâu mặc áo dài ngày vu quy đẹp ra sao...;

hãy để tôi tiết lộ điều này: chúng ta tiêu euro, tại Việt Nam sử dụng tiền đồng. Một euro đổi được khoảng 25.309 đồng, nghĩa là nếu bạn và tôi có 40 euro sang Việt Nam chúng ta có thể được gọi là triệu phú rồi!”.

Tôi không hề gieo rắc vào đầu Lucy ý tưởng tiền tiêu vặt trong túi bọn trẻ có thể trở thành triệu phú tiền đồng ở Việt Nam. Tự ông cháu họ nghĩ ra.

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam, ông cụ mày mò trên Internet, in những dòng chữ to tướng về năm dấu trong tiếng Việt để Lucy thuyết trình: cùng là từ Ma (tức con ma), thêm dấu hỏi thành Mả (ngôi mộ), dấu nặng thành Mạ (minh họa ảnh nhổ mạ cấy lúa), dấu huyền thành Mà (nhưng mà), dấu ngã thành Mã (con ngựa), dấu sắc thành Má (đôi má em bé)...

Đã xong bài thuyết trình phong phú kiến thức xã hội, cặp sách nhẹ tênh nhưng Lucy và con gái lớn nhà tôi lại khoác lên lưng những chiếc balô cồng kềnh sang Áo tham gia lớp học tuyết trong cái giá lạnh -80C. Chuyến đi một tuần đánh dấu quá trình trưởng thành mới, chia tay hệ tiểu học.

Mấy tháng trước bọn trẻ tự bưng bê phục vụ khách mệt nhoài trong Ngày hội spaghetti ở trường gây quỹ cho lớp học này. Phải tự kiếm tiền để dã ngoại.

Phụ huynh cũng trưởng thành hơn qua lớp học tuyết: ngồi nhà tin tưởng con mình sẽ vượt qua thử thách 12 tiếng đồng hồ trên xe buýt từ Bỉ qua Đức rồi mới đến Ramsau am Dachstein - vùng trượt tuyết nổi tiếng của Áo.

Lên giường ngủ lúc 21g để 8g30 có mặt bên bàn ăn sáng và sẵn sàng bốn giờ học trượt tuyết mỗi ngày. Không liên lạc điện thoại, ngày thứ ba bọn trẻ được phát giấy và tem viết thư gửi về nhà: “Học siêu vui, ăn siêu ngon. Con chỉ mong được ở đây lâu hơn để giảm cân, quần áo rộng hẳn ra”.

Trở về từ lớp học tuyết, đứa nào cũng cứng cáp hẳn, hứng khởi bước vào những tháng cuối học kỳ, chuẩn bị thi cử. Dịp này, bọn trẻ thường hay hỏi: “Có cần học điều này để thi không?”. Nhiều giáo viên ở Bỉ đã theo gương thi sĩ Herman de Coninck - người từng là giáo viên, luôn trả lời: “Không. Học điều này cho cuộc sống”.           

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận