09/10/2021 17:00 GMT+7

Bài toán dinh dưỡng và thể lực học đường: ‘Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành’

THANH HÀ
THANH HÀ

Bữa ăn học đường kết hợp hoạt động thể lực, mô hình đã thực sự tạo nên những thay đổi quan trọng trong việc nâng tầm vóc Việt, sẽ khó thành công nếu không có sự đồng hành của các doanh nghiệp có tâm và có tầm.

Bài toán dinh dưỡng và thể lực học đường: ‘Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành’ - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội nghị tổng kết Mô hình điểm - Ảnh: TH

Đánh giá này được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Tổng kết triển khai Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 8-10.

95% trẻ đạt chuẩn thể lực

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thanh Đề cho biết, mô hình bữa ăn học đường, được thực hiện theo Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020, là mô hình đầu tiên có sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực nhằm giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam.

Đó là tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi, hay thừa dinh dưỡng (thừa năng lượng do hoạt động thể lực ít) dẫn đến thừa cân, béo phì. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tỉ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị (9,8% trẻ em ở thành thị dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì).

Bài toán dinh dưỡng và thể lực học đường: ‘Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành’ - Ảnh 2.

Năm học 2020-2021, Mô hình điểm được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố và sẽ mở rộng ra 20 tỉnh, thành phố khác trong năm học này - Ảnh: TH

Thêm vào đó, công tác giáo dục thể chất và thể dục thể thao tại các trường học hiện còn nhiều khó khăn, chỉ khoảng 20% số trường tiểu học có giáo viên chuyên trách giáo dục thể chất, 17% số trường có nhà tập thể dục thể thao. Các trường mầm non hầu hết không có giáo viên thể dục thể thao chuyên trách…

Ngày 8-1-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" (Đề án 41).

Mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam (Mô hình điểm) là cách làm sáng tạo để thực hiện quyết định này.

Sau hơn một năm triển khai chương trình, từ tháng 6-2020 đến nay, tại 10 tỉnh thuộc 5 vùng sinh thái (thành thị, nông thôn, miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Nam Bộ) cho thấy đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh với trên 95% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, phụ huynh đánh giá hài lòng. 

Đặc biệt, 95,4% phụ huynh học sinh đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ, ít nhất 60 phút/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO.

Bài toán dinh dưỡng và thể lực học đường: ‘Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành’ - Ảnh 4.

Mô hình cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tận dụng triệt để các nguồn thực phẩm tại địa phương để giá thành bữa ăn hợp lý nhất - Ảnh: TH

Các số liệu điều tra về dinh dưỡng và thể chất cuối kỳ cho thấy các hoạt động của mô hình đã có tác động tốt đến sự phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ (ít nhất 95% học sinh mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn thể lực theo đánh giá của mô hình). 

100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế cho rằng các hoạt động của mô hình đã góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc cho trẻ.

Đáng chú ý, bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, doanh nghiệp tiên phong khởi xướng Đề án "Dinh dưỡng người Việt" và đồng hành với Bộ GD&ĐT xây dựng, triển khai Mô hình điểm, cho rằng: Kết quả thực nghiệm bữa ăn tại 10 tỉnh thành thuộc năm vùng sinh thái đã phát huy được lợi thế vùng miền, sử dụng thực phẩm tự nhiên tại địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp vùng. Đồng thời, thông qua bữa ăn học đường đã cân chỉnh cho bữa ăn trong gia đình cũng như cho cả dinh dưỡng cho người Việt nói chung.

Còn theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, "cái được lớn nhất" là việc triển khai mô hình đã thay đổi nhận thức của không chỉ cán bộ quản lý, giáo viên mà cả phụ huynh, với ba trụ cột: Dinh dưỡng, nâng cao thể lực và điều kiện tổ chức thực hiện, đồng thời, tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ. 

"Mô hình điểm đã thực sự tạo ra "cuộc cách mạng" về giáo dục thể chất gắn liền chất lượng bữa ăn dinh dưỡng, qua đó giúp tầm vóc người Việt có cơ hội ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới", ông Quốc đánh giá.

"Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành"

Từ những kết quả đạt được, đại diện các Sở GD&ĐT cũng như các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nhân rộng mô hình này. Dự kiến, sẽ có thêm 20 trường triển khai mô hình trong năm học 2021 - 2022.

Trong bối cảnh nhận thức của xã hội về Mô hình điểm vẫn chưa đồng đều, kể cả ở đội ngũ lãnh đạo quản lý tại một số địa phương; cơ sở vật chất nhiều trường học vẫn còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực gồm các giáo viên thể dục, nhân viên nhà bếp chưa bảo đảm, nhiều nơi còn thiếu và yếu…, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân kiến nghị, cần tăng cường truyền thông trong xã hội, đặc biệt với phụ huynh để đồng hành cùng nhà trường trong việc triển khai Mô hình điểm, qua đó thúc đẩy xã hội hoá.

Bài toán dinh dưỡng và thể lực học đường: ‘Khó thành công nếu thiếu doanh nghiệp đồng hành’ - Ảnh 5.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, đơn vị đồng hành thực hiện Mô hình điểm - Ảnh: TH

"Để Mô hình về dinh dưỡng kết hợp thể lực học đường được nhân rộng thì cần có đào tạo, truyền thông sâu rộng cho toàn xã hội đồng tình, đặc biệt là hai đối tượng gồm: 1. Giáo viên, cán bộ dinh dưỡng - những người đang chăm sóc học sinh và 2. Phụ huynh. Mô hình là tiền đề để Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường" - Bà Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 41 của Chính phủ cho rằng, để Mô hình thành công, bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, không thể thiếu vai trò đồng hành có trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới sẽ đẩy mạnh xã hội hoá.

"Đặc biệt, Tập đoàn TH đã tiên phong và đồng hành với chương trình từ khi bắt đầu triển khai đến nay và sẽ tiếp tục đồng hành trong thời gian tới để tổng kết và nhân rộng mô hình tới 20 tỉnh thành khác trong cả nước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, mô hình thực nghiệm thành công sẽ gắn kết với Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025 mà Chính phủ phê duyệt mới đây và giao Bộ GD&ĐT xây dựng đề án. Hiện, Bộ đã cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng xong để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Đề án cũng đưa ra tiêu chí, quy chuẩn rõ ràng cho bữa ăn học đường, gắn kết dinh dưỡng với vận động thể chất cho học sinh.

Những cảm xúc đặc biệt trong buổi khai giảng đặc biệt Những cảm xúc đặc biệt trong buổi khai giảng đặc biệt

TH School là ngôi trường ghi dấu ấn đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình giáo dục toàn diện theo chương trình tiên tiến của thế giới, kết hợp với giá trị truyền thống của Việt Nam.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên