16/04/2024 05:55 GMT+7

Bài toán vỉa hè TP.HCM: Giải càng chậm càng rối

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã được ngành chức năng dự kiến thu phí vỉa hè, nhưng thực tế tiến độ triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng.

Vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5, TP.HCM) bị chiếm dụng giữ xe hai bánh - Ảnh: TỰ TRUNG

Vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt (quận 5, TP.HCM) bị chiếm dụng giữ xe hai bánh - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhà bạn tôi ở một khu cư xá tại TP Thủ Đức, nơi đường nhựa rộng 8-16m, vỉa hè mỗi bên 3,2m, đã lát gạch nhiều năm qua. Phần vỉa hè lâu nay vẫn biến thành "của riêng" khi nhà ai cũng bày cây kiểng, trồng rau, bày bàn ghế ngồi hóng mát sáng chiều, có nhà cột thú cưng ra vỉa hè.

Người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Bây giờ quá nhiều người sắm ô tô và lại để xe trên vỉa hè và lòng đường. Đi bộ có khi phải đi ở phần tim đường.

Ai giành người ấy được?

Nhà bạn tôi không bày biện bất cứ vật gì trên vỉa hè. Vỉa hè trống thành nơi quay đầu xe ô tô rồi, gần đây thành "bãi đậu xe" cho cả chục xe máy của khách bên quán cà phê nhà đối diện.

Khách của quán tự nhiên dựng xe ngang dọc y như sân nhà họ và ồn ào nói cười bất kể sáng trưa chiều tối mỗi khi đến và rời đi.

Hai tháng trước, khi UBND phường phát phiếu lấy ý kiến, gia đình bạn tôi đã ghi không đồng ý cho thuê vỉa hè với lý do vỉa hè là lối vào ra của những nhà mặt tiền và là lối đi đúng luật của người đi bộ.

Bạn nói: bởi vì hiểu vỉa hè là không gian chung nên nhà bạn không ai ngăn cản việc khách của hàng xóm để xe trước nhà mình. Nhưng phiền phức quá mức khi người già đang nghỉ trưa trong nhà giật mình thức dậy vì những nói cười to tiếng bên ngoài. Chiều đi làm về rất khó khăn mới mở được cửa và dắt xe vào nhà mình.

Dù rất ủng hộ chủ trương cho thuê vỉa hè nhưng trong hoàn cảnh thực tế của nhà mình, bạn tôi đã chọn "không đồng ý" để tránh những chuyện về sau khi bạn chưa có thông tin cụ thể việc cho thuê vỉa hè trước cửa (nếu có) sẽ cho thuê phần nào, có phân vạch rõ ràng không?

Khéo léo, hài hòa giữa lợi ích của nhiều bên trong "bài toán" vỉa hè thật không đơn giản. Khi chưa có thông tin chính thức "chốt hạ" cho những mét vuông có thể thu phí trên vỉa hè, người dân vẫn đang phải tự xoay xở trước thực trạng một số cá nhân chiếm dụng mặt bằng chung.

Các tiểu thương hàng rong vẫn chưa biết được phép bán ở khu vực nào sau khi có vạch kẻ vàng trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các tiểu thương hàng rong vẫn chưa biết được phép bán ở khu vực nào sau khi có vạch kẻ vàng trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Chưa đủ quyết liệt, chưa rõ hiệu quả

Nhiều nơi đã từng dọn trống vỉa hè, chậu cây thùng xốp trồng rau đều được dọn sạch. Dù chưa thể mang đến kết quả như ý, song cũng ít nhiều giữ cho bộ mặt phố phường "dễ coi" hơn. Nhưng nay, không ít nơi mọi thứ lại bày ra như trước.

Cái thiếu thấy rõ ở đây là chưa đủ quyết liệt và cách làm hiệu quả cho lâu dài. Trả lối đi cho người đi bộ đang khó chồng khó khi buôn bán nhiều hơn ở cả những đường nội bộ, ô tô con thì đêm về đậu khắp nơi. Bắt tay vào việc dọn dẹp vỉa hè mới thấy ngổn ngang cái khó.

Từ chính quyền đến người dân vẫn còn vất vả với câu chuyện lề đường bị lấn chiếm. Ai cũng nhìn thấy cái sai.

Camera quan sát có đủ, thừa chứng cứ để phạt nguội nhưng tỉ lệ vi phạm bị phạt rất khiêm tốn. Cách suy nghĩ phần đất trước nhà tôi, nghiễm nhiên tôi được sử dụng vẫn còn đó. Lại thêm kiểu dùng luôn khoảng trống trước nhà hàng xóm.

Trong đời sống xã hội, rất cần đến sự hy sinh vì quyền lợi chung, không ai muốn nhìn thấy những thói quen mang tính ích kỷ, hẹp hòi. Dĩ nhiên, vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ. Không gian công cộng này chứa đựng nhiều giá trị và lợi ích tổng hòa.

Ai cũng có nhu cầu riêng, từ đi lại, đậu xe gắn máy, buôn bán nhỏ... tất thảy đều trông chờ vào diện tích bé nhỏ hai bên đường.

Nhưng thật khó chấp nhận cảnh người đi bộ mãi bị đẩy xuống lòng đường hay phải khổ sở len lỏi giữa rừng xe máy, bàn ghế, hàng hóa vỉa hè. Cũng không thể thông cảm khi có vài vị khách đậu ô tô, xe máy trên lề đường, chỉ để vào quán cà phê ngồi hàng giờ.

Gỡ nhanh rào cản

Xe buýt tiếp tục được hiện đại hóa, xe đạp cho thuê mở rộng địa bàn. Sắp tới đây thêm sự góp mặt của tuyến metro số 1. Những phương tiện trên đều liên quan đến người đi bộ, trong đó vỉa hè thông thoáng đóng vai trò quan trọng khi khuyến khích người dân hạn chế xe cá nhân.

Đây là nhiệm vụ phát triển đô thị gắn với quyền lợi của cộng đồng, nên nhất định phải thành công. Phát huy tối đa nguồn lợi của lề đường là việc rất cần được quan tâm.

Trước khi quyết định thu phí vỉa hè, cần kẻ vạch, đánh số, phân tuyến, "phân làn" với màu sơn khác nhau để phân định ranh giới. Để một khi đã có "giới tuyến" rõ ràng, ai vi phạm tới đâu sẽ bị xử phạt tới đó.

Cần tuyên truyền thêm thông tin về việc thu phí vỉa hè ở từng phường xã để người dân hiểu và chia sẻ, giảm xung đột lợi ích. Và chủ trương chung vì thế có thể dễ thực hiện hơn.

Hiện trạng các tuyến đường quận 1, quận 10 và quận 11 đề xuất thu phí vỉa hèHiện trạng các tuyến đường quận 1, quận 10 và quận 11 đề xuất thu phí vỉa hè

Tuổi Trẻ Online ghi nhận hiện trạng, ý kiến người dân ở các tuyến đường đủ điều kiện thu phí sử dụng tạm vỉa hè ở quận 1, quận 10 và quận 11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên