29/07/2023 11:49 GMT+7

Bạn đọc tranh luận về một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn

Bộ Giáo dục - Đào tạo nên mua lại bản quyền tất cả bộ sách giáo khoa hiện có, từng được duyệt đạt chuẩn. Sau đó lựa chọn sách từng môn của nhà xuất bản nào tốt nhất để đưa ra một bộ sách giáo khoa thống nhất.

Học sinh tiểu học trong buổi học thử nghiệm với sách giáo khoa mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Học sinh tiểu học trong buổi học thử nghiệm với sách giáo khoa mới - Ảnh: VĨNH HÀ

Đó là ý kiến của bạn đọc Harry Potter trong nhiều phản hồi gửi đến Tuổi Trẻ Online bàn luận về chuyện nên hay không nên Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Vấn đề này được nêu ra tại cuộc làm việc mới đây của đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ.

Tại phiên họp trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận sách giáo khoa còn có những ngữ liệu, nội dung chưa phù hợp, thiếu sót, lúng túng trong tổ chức lựa chọn sách.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Nhanh chóng sửa sai sách giáo khoa

Bạn đọc Thanh Tùng có ý kiến: "Việc thay đổi sách giáo khoa đi cùng với thay đổi phương pháp giảng dạy là việc vô cùng hệ trọng, cần chuẩn bị hết sức chu đáo. Việc chuẩn bị phải tính bằng 5-7 năm thông qua những khóa đào tạo giáo viên sư phạm, chứ không thể tập huấn ngắn hạn các giáo viên có sẵn.

Thế nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không tính đến việc này, gây biết bao khó khăn cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Sai thì phải sửa, không thể nói đã triển khai gần xong rồi thì không sửa. Triển khai gần xong nhưng còn nhiều bất cập thì cần phải nhanh chóng sửa. Sách giáo khoa là một chuyện, đội ngũ giáo viên dạy sách đó cũng là chuyện đáng bàn".

Cùng quan điểm, bạn đọc Ngọc cho rằng: "Vấn đề không nằm ở chỗ đơn vị nào biên soạn sách giáo khoa mà nằm ở tiêu chí giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Chuyện này cần một hướng dẫn thật sự chi tiết, rõ ràng và nên có các mẫu tham khảo từ cơ quan đề xướng là Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Các bộ sách giáo khoa đã được bộ duyệt hiển nhiên phải đạt chuẩn. Vì thế việc Bộ Giáo dục - Đào tạo có thêm một bộ sách nữa thậm chí có thể phản tác dụng, nhất là nếu bộ có ý định kiêm luôn việc ra đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay.

Hy vọng Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn đúng nghĩa và sau đó phải có tổ chức kiểm tra đánh giá việc học và áp dụng của giáo viên. Nếu giáo viên nào vẫn nhất quyết giữ phương pháp dạy, kiểm tra và đánh giá kiểu cũ thì phải chuyển vị trí hoặc nếu không thể bố trí vị trí mới thì phải đưa vào diện tinh giản.

Việc đổi mới có thành công hay không có sự phụ thuộc không nhỏ vào ý chí của giáo viên giảng dạy".

Thiết nghĩ chỉ nên có một bộ sách giáo khoa thống nhất chung cho cả nước, nhưng cho phép nhiều nhà xuất bản được phép in ấn để tránh độc quyền.
Bạn đọc CÔNG TÂM

Thêm một bộ sách giáo khoa lại thêm tốn kém

Bạn đọc Quang chỉ rõ: "Bộ Giáo dục - Đào tạo không nên biên soạn một bộ sách giáo khoa dùng chung vì vừa tốn thêm kinh phí thay đổi mà lại gây rắc rối.

Thay vào đó:

1) Cho phép học sinh được tự lựa sách giáo khoa vì mọi bộ sách đều viết cùng một chương trình 2018. Chú trọng vào công tác giảng dạy, truyền đạt, đánh giá của giáo viên theo hướng mở, phù hợp nhiều bộ sách và thúc đẩy sự tự tìm tòi, chuẩn bị của học sinh.

2) Nhà nước nên bỏ tiền mua lại bản quyền, tác quyền các bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác để giảm chi phí xuất bản và công khai giá thành từng bộ sách. Đồng thời cho phát hành ấn bản online miễn phí.

3) Về lâu dài Nhà nước có thể bỏ vốn ban đầu mua sách, sau đó thu phí sử dụng, mỗi học sinh chỉ phải trả 1/5 giá sách mà không lãng phí".

Trong khi đó, bạn đọc Thiết Trường đề nghị phải làm rõ được vấn đề: "Sách giáo khoa hay chương trình giảng dạy quan trọng hơn?

Nên có tổng kết, đánh giá nghiêm túc các phương pháp giáo dục khác nhau, đặc biệt lưu ý đến tỉ lệ mù chữ, tái mù chữ của một số vùng miền khó khăn để quyết định áp dụng cách nào cho phù hợp.

Xã hội thay đổi, việc áp dụng phương pháp dạy học, chương trình giảng dạy, cũng như tài liệu dạy - học cũng sẽ phải thay đổi theo để đáp ứng yêu cầu mới".

Nên hay không nên Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa?Nên hay không nên Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa?

Đây là vấn đề được nêu ra tại cuộc làm việc của đoàn giám sát Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ chiều 27-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên