14/02/2019 14:09 GMT+7

Bán lẻ Việt Nam tăng cạnh tranh trong kỷ nguyên số

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần tiệm cận để phù hợp chung với xu hướng chung của bán lẻ thế giới. Sự tiệm cận cũng xuất phát từ xu hướng mua sắm mới của khách hàng

Bán lẻ Việt Nam tăng cạnh tranh trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

khiến các doanh nghiệp bán lẻ buộc ngày càng phải năng động để thích nghi với nhu cầu của người tiêu dùng.

Không những vậy, việc phát triển, sáng tạo cũng như tạo ra được mô hình kinh doanh thích ứng nhằm thu hút sự quan tâm và gia tăng mức độ mua sắm của khách hàng được cho là thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp chuyên doanh bán lẻ trong các năm tới.

Doanh số "khủng", thách thức lớn

Sở hữu số điểm bán quy đổi về số lượng siêu thị và đại siêu thị lên đến 111 điểm, và chưa kể đến hàng trăm cửa hàng tiện lợi dưới nhiều hình thức kinh doanh được cho là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nhưng nếu nhìn về quy mô doanh số lên đến hơn 1.000 tỉ đồng tính trong một tuần kinh doanh thời điểm Tết vừa qua của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) mới thấy được sức mua rất lớn đến từ tầng lớp người tiêu dùng khi tiếp cận mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nếu chỉ tính trong 8 tuần kinh doanh được xác định là cao điểm trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, "doanh số 8.000 tỉ đồng cho 8 tuần thật sự là một con số rất ấn tượng, rất tự hào đối với đơn vị chuyên doanh bán lẻ giữ đậm phong vị 100% vốn trong nước trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay".

Để đạt được mục tiêu không mấy dễ dàng nói trên, Saigon Co.op đã huy động được một lực lượng doanh nghiệp sản xuất đồng hành cùng với mình trong việc chuẩn bị nguồn cung, đàm phán mức giá hợp lý, cộng với các chính sách khuyến khích sức mua, kích thị trường "bùng nổ" vào những thời điểm mua sắm "vàng" do chính doanh nghiệp chủ động "thiết kế" nhằm kéo được người tiêu dùng chịu "móc hầu bao" chi trả, hoàn toàn không phải là điều đơn giản.

"Ngành bán lẻ đang chịu rất nhiều áp lực từ các mô hình kinh doanh mới nổi, mà cơn lốc mua sắm trực tuyến là một ví dụ điển hình, khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này luôn phải tìm hướng đi riêng, nếu muốn giữ được thị phần của mình với khách hàng một cách chắc chắn", ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cho rằng, với nhiều khía cạnh cần được lưu tâm, trong đó phải kể đến xu hướng mua sắm trải nghiệm trở thành trào lưu, hàng loạt khu mua sắm mới ở xa trung tâm đô thị được hình thành, hay mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ trở thành đối thủ trực tiếp với hàng loạt siêu thị đang mọc lên như nấm, càng khiến cho việc cân nhắc, tính toán lựa chọn quyết sách kinh doanh phù hợp trong thời gian tới mà doanh nghiệp phải đối mặt "cũng đầy gay go lẫn thách thức", ông Đức thừa nhận.

Để tìm được hướng đi riêng, không ít doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, chiến lược kinh doanh cộng với đặc trưng nổi bật của từng mô hình kinh doanh, sẽ mang đến cho người tiêu dùng những nhận diện riêng biệt, từ đó sẽ tạo thành "điểm nhấn" góp phần không nhỏ trong việc tăng nhận diện thương hiệu cho chính doanh nghiệp đó.

Chẳng hạn với 300 tỉ đồng thu được từ việc bán voucher (phiếu quà tặng) của Saigon Co.op trong dịp Tết vừa qua, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bán lẻ cho rằng: "Đấy chính là điểm hút rất lớn được chính người tiêu dùng lựa chọn. Bởi rất đơn giản, doanh nghiệp nào càng có độ phủ rộng thì cơ hội gần như chia đều cho cả hai bên, từ phía doanh nghiệp lẫn người mua sắm, khi bất kể ở đâu họ cũng có thể mua được hàng hóa".

Kỳ vọng sức bật mới từ kỷ nguyên dân số "vàng"

Có mức tăng GDP đến 7,08% trong năm 2018, thị trường Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cú hích tăng trưởng cho bản lề thập niên mới đang dần đến. Trong đó, độ tuổi dân số vàng của người tiêu dùng trẻ Việt Nam được xác định trong khoảng 20-30 tuổi sẽ nở rộ từ năm 2020 trở đi, "càng đẩy sức hút thị trường về cuộc đua giành giật tầng lớp mua sắm có tiềm năng kinh tế giữa các doanh nghiệp khốc liệt hơn bao giờ hết", ông Đức - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op nhận định.

Việc tầng lớp người tiêu dùng trẻ sở hữu mức chi cao ngày càng phát triển, và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ muốn "níu" chân lâu hơn thành phần khách hàng này, sẽ là một thách thức không nhỏ khi xu huống sử dụng các giải pháp và sản phẩm tiện lợi giúp cuộc sống dễ dàng hơn được giới trẻ cập nhật nhanh chóng.

Cùng với sự bứt phá không ngừng của thương mại điện tử được tích hợp công nghệ thông minh, thị trường bán lẻ phải tiếp tục có nhiều bước phát triển mới nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng hơn.

"Theo Statista.com, nếu năm 2017 Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet thì đến năm 2020 con số này ước khoảng 59,48 triệu người, tức 60% dân số. Điều này lý giải vì sao tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam được ghi nhận sáng nhất khu vực ASEAN, ước tăng đến 33% trong giai đoạn 2015-2025, bỏ khá xa Thái Lan chỉ ở mức 24%. Các thông số này đòi hỏi chúng tôi phải hướng đến việc phục vụ người tiêu dùng có thói quen mua sắm mới. Đó cũng là cơ hội, dù đầy khó khăn", ông Đức thông tin thêm.

Chính vì vậy, việc chuẩn bị hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp đa phương tiện, giúp người tiêu dùng thanh toán thoải mái dưới nhiều hình thức, cũng là mục tiêu đang được Saigon Co.op phát triển chuyên sâu trong năm 2019.

Trong đó, thanh toán bằng QR Code (QR pay) thông qua một lần quét chỉ mất vài giây, hiện không chỉ "được lòng" giới mua sắm trẻ, mà ngay cả doanh nghiệp cung ứng tiện ích bán lẻ cũng cho rằng sự phát triển công nghệ trong kỷ nguyên số hướng đến sự hiệu quả nhưng thay đổi cả tư duy thanh toán và mua sắm thì không lý do gì doanh nghiệp lại chấp nhận đứng ngoài cuộc, không nhanh tay nắm bắt cơ hội phía trước.

Bán lẻ Việt Nam tăng cạnh tranh trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.
QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên